|
ĐTĐM ngày càng được các doanh nghiệp, tổ chức nhiều quy mô khác nhau quan tâm ứng dụng. Ảnh: N.Đ |
Nhận thức về “đám mây”: Chuyển biến mạnh
Theo ông Võ Tấn Long, Tổng giám đốc IBM Việt Nam, trong năm 2011, nhận thức về công nghệ điện toán đám mây (ĐTĐM) tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Đó là sự quan tâm, thay đổi từ phương diện thông tin đại chúng, báo chí cho đến các doanh nghiệp, khối Chính phủ đã nhiều hơn hẳn so với những năm trước đó.
“Nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã nhìn thấy được xu hướng và sử dụng công nghệ này, ví dụ như xu hướng ảo hóa được sử dụng khá phổ biến, hay một số tổ chức đã tiên phong ứng dụng giải pháp ĐTĐM như Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam, Công viên Phần mềm Quang Trung, Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số (Bộ TT&TT), Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt hay Bộ Tài nguyên và Môi trường…”, ông Long bày tỏ. Cụ thể hơn, theo ông Long, trong số các doanh nghiệp, tổ chức đã nghiên cứu sử dụng công nghệ mới này thì thường tập trung chủ yếu vào 3 tải trọng công việc chính gồm: Các vấn đề liên quan đến tài nguyên hạ tầng cơ sở; các vấn đề liên quan đến ứng dụng quản trị doanh nghiệp và cuối cùng là tạo các môi trường cho việc thử nghiệm và phát triển phần mềm.
Đồng quan điểm, bà Mai Quỳnh Hoa - Giám đốc Tiếp thị của Microsoft Việt Nam nhận định trong năm 2011, các doanh nghiệp và khối chính phủ Việt Nam đều có những hoạt động và biến chuyển tích cực trong hành trình thúc đẩy quá trình chuyển dịch lên ĐTĐM. Trong năm qua đã có rất nhiều các hội thảo chuyên đề về hạ tầng, ứng dụng và dịch vụ đám mây được tổ chức tại Việt Nam. Hơn thế, các yêu cầu tư vấn liên quan đến việc xây dựng dịch vụ và nền tảng đám mây theo các ngữ cảnh riêng của doanh nghiệp đang được các doanh nghiệp phối hợp cùng các đối tác ĐTĐM trong và ngoài nước xây dựng, lên kế hoạch triển khai.
Cũng nhận định về nhu cầu ứng dụng ĐTĐM tại Việt Nam, ông Aman Neil Dokania - Phó Giám đốc kinh doanh Bộ phận Giải pháp cơ sở hạ tầng hội tụ APJ của HP khẳng định, ĐTĐM đang ngày càng có ảnh hưởng lớn tại Việt Nam, tuy nhiên đây còn là công nghệ mới và việc ứng dụng còn là cả một quá trình, phải trải qua các bước như thử nghiệm, triển khai từ quy mô nhỏ nhất.
“ĐTĐM thực sự mang lợi cơ hội cho những nước đang phát triển như Việt Nam, cho phép tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng, hỗ trợ việc ra quyết định kinh doanh nhanh chóng… Hơn nữa việc ứng dụng trên nền tảng ĐTĐM không đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp phải bố trí nhân lực am hiểu sâu về CNTT so với việc tự đầu tư hạ tầng như trước. Do đó, năm 2011 đã có nhiều sự chuyển biến tích cực tại Việt Nam”, ông Steve Chang, Chủ tịch HĐQT Trend Micro nói.
Năm 2012 liệu có “bùng nổ”?
Khảo sát mới đây của hãng nghiên cứu Gartner cho thấy tốc độ phát triển của "đám mây" trên toàn thế giới đã đạt mức 17% hàng năm với hơn 50% doanh nghiệp, tổ chức tham gia đều triển khai ĐTĐM dưới nhiều hình thức. Gartner cũng chỉ ra rằng, tổng giá trị cho các dịch vụ đám mây hiện đạt gần 2,4 tỷ USD và đến năm 2013 sẽ đạt khoảng 8,1 tỷ USD. Và nhận định của IBM, Microsoft, HP… đều cho rằng Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung của toàn cầu.
Bà Mai Quỳnh Hoa nhận định dự kiến trước mắt mô hình đám mây lai sẽ là xu hướng mà các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhiều nhất trong thời gian tới. Nhờ mô hình này, các doanh nghiệp có thể chuyển dịch những ứng dụng mong muốn vào đám mây xen kẽ với các tài nguyên lưu trữ tại doanh nghiệp và kết nối các tài nguyên này với dịch vụ trực tuyến.
Trên cơ sở thực tế, ông Võ Tấn Long nhận định nếu tính từ thời điểm hiện nay đến năm 2015, thị trường ĐTĐM tại Việt Nam sẽ phát triển khoảng 3,5 – 4 lần. Còn nếu tính riêng năm 2012, tốc độ phát triển dự kiến đạt khoảng 50%. “Nếu gọi đó là sự bùng nổ cũng đúng, nhưng đó là một sự bùng nổ có lộ trình phát triển rõ ràng, song song với những cân nhắc và xem xét dè dặt từ phía doanh nghiệp khi họ tiếp cận với một nền tảng công nghệ mới như công nghệ ĐTĐM”, ông Long nhấn mạnh.
Doanh nghiệp còn “ngại” đám mây công cộng
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia đến từ IBM, Microsoft hay HP, Trend Micro, thì phần lớn thị trường Việt Nam hiện vẫn đang trong trạng thái chờ đợi và thử nghiệm ứng dụng công nghệ ĐTĐM. Nghiên cứu của IDC gần đây cũng cho thấy có rất nhiều những quan ngại khác nhau từ phía doanh nghiệp. Ví dụ 13% hiện cho rằng ĐTĐM chưa thực sự khả dụng, hay có đến 40% nghĩ rằng những quy định và pháp chế của nhà nước cũng như việc tuân thủ các chuẩn mở và sự tương tác giữa các đám mây khác nhau trên các nền công nghệ khác nhau vẫn còn là một vấn đề quan ngại.
Trước thực tế này, ông Võ Tấn Long cho rằng nếu xét về các loại hình ứng dụng ĐTĐM, thì với điều kiện ở Việt Nam thì có tới 60% số người được hỏi cho rằng sẽ lựa chọn công nghệ ĐTĐM riêng (Private Cloud). Còn sự phát triển của ĐTĐM công cộng (Public Cloud) tại Việt Nam chưa nhận được sự quan tâm nhiều từ các doanh nghiệp bởi đa số còn nhiều mối lo ngại như khả năng quản trị hệ thống CNTT, các quy chế, cũng như các vấn đề liên quan đến an toàn bảo mật…
Theo www.ictnews.vn