Thứ hai, 22/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 26/12/2011
ICT Press Club đề cử sự kiện ICT tiêu biểu năm 2011

Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam (ICT Press Club) vừa đưa ra các đề cử để bầu chọn 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2011 sẽ được chính thức công bố vào ngày 28/12 tới tại Hà Nội.

decu.jpg
Sự kiện VNPT không được sở hữu hai mang di động được giới truyền thông cho rằng chắc chắn sẽ là 1 trong 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2011. Ảnh: NT

1 - Bắt buộc VNPT không được sở hữu hai mạng di động

Tháng 4/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông quy định một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông. Sở dĩ cần phải quy định các điều khoản này để tránh việc doanh nghiệp câu kết, chèn ép các đối thủ khác và thống lĩnh thị trường để cạnh tranh không lành mạnh. Hiện VNPT đang sở hữu 100% vốn tại hai mạng di động lớn là VinaPhone và MobiFone. Như vậy, theo Nghị định này VNPT sẽ không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần một trong hai mạng di động này. Quy định này sẽ buộc VNPT phải tính toán mô hình nào phù hợp cho mình. Thứ nhất, VNPT sẽ buộc phải cổ phần một trong hai mạng di động của mình, nhưng cũng không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần tại mạng di động đã được cổ phần. Thứ hai, VNPT sẽ buộc phải tính toán hợp nhất hai mạng di động của mình để trở thành 1 mạng. 

2 - Ầm ĩ thương vụ EVN Telecom

Ngày 6/4/2011, Hội đồng quản trị FPT thông qua nghị quyết rút khỏi thương vụ mua cổ phần của EVN Telecom.  FPT đã đưa ra lý lẽ rút lui vì không đạt được thỏa thuận mua 60% cổ phần của EVN Telecom. Thế nhưng, việc FPT thoái khỏi thương vụ mua cổ phần của EVN Telecom gần như không liên quan nhiều đến việc họ có mua được 60% cổ phần của EVN Telecom hay không mà đây là động thái “chống sa lầy” vào thương vụ này trong cuộc chơi tốn kém cả tỷ USD.  EVN khẳng định, nếu một trong hai phía phá bỏ hợp đồng thì sẽ phải đền bù số tiền đặt cọc đang nằm trong ngân hàng là 708 tỷ đồng. Sau khi thông tin này được đưa ra tháng 10/2011, Hanoi Telecom đã lên tiếng về việc sáp nhập này bởi EVN và Hanoi Telecom cùng chung một giấy phép 3G. Nếu EVN Telecom nhập vào Viettel thì Hanoi Telecom sẽ ở cảnh “có giấy phép 3G cũng như không”. Vì vậy, Hanoi Telecom đã bất ngờ trình Thủ tướng Chính phủ phương án mua lại băng tần 3G của EVN Telecom.

Trong tình cảnh EVN Telecom “dở khóc, dở cười” không tìm được đối tác mua cổ phần như ý và thua lỗ triền miên, Chính phủ đã quyết định bàn giao nguyên trạng EVN Telecom sang Viettel từ 1/1/2012. Điều đó có nghĩa là Viettel cũng sẽ phải gánh khoản nợ cho EVN Telecom. Tổng giám đốc FPT Trương Đình Anh bày tỏ hy vọng Viettel sẽ “gánh vác” các khoản nợ của EVN Telecom để FPT có thể sớm thu hồi 708 tỷ đồng đặt cọc và kết thúc thương vụ một cách êm đẹp trên cơ sở đảm bảo quyền lợi cho các bên. Tuy nhiên, chưa có bất cứ tuyên bố nào từ phía Viettel về số tiền đặt cọc này.

3 - Khách hàng tố siêu phẩm Samsung Galaxy SII sản xuất tại VN lỗi tùm lum

Tháng 7/2009, nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Vietnam bắt đầu đi vào hoạt động tại Bắc Ninh.  Samsung Electronics Vietnam khẳng định Samsung đã đặt quyết tâm đưa nhà máy sản xuất điện thoại Samsung Electronics Vietnam lên vị trí số 1 trong số các nhà máy của hãng này trên thế giới và đưa Bắc Ninh trở thành thánh địa sản xuất điện thoại. Chiếc điện thoại mà SamSung truyền thông là siêu phẩm có điểm 10/10 - Samsung Galaxy SII được sản xuất tại đây. Giữa tháng 7/2011, Samsung Galaxy SII được ra mắt tại thị trường Việt Nam. Thế nhưng, danh tiếng chưa kịp lên thì hàng loạt người tiêu dùng Việt Nam đã “tố” Samsung “treo đầu dê bán thịt chó” khi siêu phẩm này lỗi tùm lum như màn hình bị ám màu, lỗi hồng tâm… và đặc biệt là những chiếc điện thoại Galaxy SII của Samsung chính hãng bán tại Việt Nam có màn hình kém hơn và lỗi nhiều hơn so với hàng “xách tay”. Scandal này đã lập tức làm nóng các diễn đàn công nghệ như Tinhte, Voz… và nhiều tờ báo. Thậm chí, các thành viên trên diễn đàn Tinhte đã tổ chức buổi offline để “mổ xẻ” vấn đề này và đi đến kết luận ban đầu là người dùng tố siêu phẩm bị lỗi là chính xác và chất lượng màn hình Galaxy SII sản xuất trong nước bị ám màu nặng hơn so với hàng “xách tay”. Thế nhưng, Samsung Vina lại cho rằng, hiện tượng hồng tâm và ám màu trên Galaxy SII là hiện tượng phổ biến trên các smartphone hiện nay. Tuy nhiên, các hãng điện thoại khác lập tức lên tiếng phản đối về ý kiến này. LG tại Việt Nam, HTC lên tiếng những lỗi trên là “đặc sản” của Samsung. 

4 - Bill Gates lại rót tiền vào VN cho chương trình phổ cập máy tính và Internet

Ngày 12/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký công văn cho phép Bộ TT&TT tiếp nhận, triển khai dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và tiếp cận Internet công cộng tại Việt Nam” giai đoạn 2011-2016, với tổng giá trị 50.568.362 USD. Trong đó, Quỹ Bill & Melinda Gate Foundation (BMG) và Công ty Microsoft (Mỹ) tài trợ không hoàn lại bằng tiền mặt và hiện vật tương đương 33.637.220 USD. Theo đó, trong thời gian 5 năm tới, dự án này sẽ triển khai thiết lập gần 2.000 điểm tiếp cận Internet công cộng tại 400 thư viện công cộng  và 1.500 điểm Bưu điện văn hoá xã và thư viện xã tại địa bàn 40 tỉnh nhằm mục tiêu giúp người dân nghèo - những người sống ở vùng đặc biệt khó khăn được hưởng những lợi ích kinh tế xã hội từ việc tiếp cận với CNTT, đồng thời góp phần xoá dần khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị tại 40 tỉnh, thành. Ước tính sẽ có hơn 700.000 người dân địa phương được nhận sự hướng dẫn kỹ năng sử dụng máy tính, truy cập Internet và các dịch vụ do thư viện cộng cộng và điểm Bưu điện văn hóa xã cung cấp. Trước đó, từ tháng 2/2009 đến tháng 7/2010, dự án “Thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ BMG viện trợ không hoàn lại 2,14 triệu USD, đã được triển khai tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An và Trà Vinh với tổng số 99 điểm truy nhập Internet công cộng là các điểm thư viện và Bưu điện văn hóa xã.

5 - Beeline “trở lại thị trường” với gói cước Tỷ phú bị “thổi còi”

Tháng 6/2011, Vimpelcom đã quyết định “thay tướng” và “bơm” tiền vào thị trường Việt Nam cho mạng Beeline Việt Nam sau hơn 1 năm “án binh bất động”. Sự thay đổi này nằm trong chiến lược đưa Beeline trở thành một đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông lớn thứ tư tại Việt Nam. Chiêu thức đầu tiên được Beeline tung ra vào tháng 9/2011 đánh dấu sự trở lại thị trường Việt Nam là gói cước “sát thủ” có tên gọi “Tỷ phú”. Các thuê bao nạp thẻ tối thiểu 20.000 đồng để nhận 1 tỷ đồng trong vòng 10 năm và gọi nội mạng miễn phí trong 30 ngày đầu tiên.  Cùng với đó, Beeline tung ra điện thoại siêu rẻ chỉ với 149.000 đồng. Gói cước sốc và điện thoại siêu rẻ của Beeline ngay lập tức đã khuấy đảo thị trường viễn thông. Lần đầu tiên Sim tỷ phú và điện thoại siêu rẻ của Beeline đã gây cơn sốt trên thị trường và các đại lý đã đẩy giá sim và giá điện thoại lên gấp đôi. Tuy nhiên, Bộ TT&TT cho rằng gói cước nêu trên của Beeline có dấu hiệu phá giá cước di động khi gần như cho không  cước phí nội mạng cho khách hàng trong 10 năm sử dụng dịch vụ điện thoại di động. Vì vậy, Bộ TT&TT đã có văn bản yêu cầu Beeline phải giải trình cụ thể về chương trình khuyến mãi “gây sốc” thị trường và phải ngừng triển khai gói cước Tỷ phú này. Bộ TT&TT tuyên bố sẽ kiên quyết xử lý các gói cước phá giá thị trường như các gói cước Tỷ phú của Beeline.

6 - Viettel chính thức khai trương mạng di động ở Haiti

Ngày 7/9, Viettel đã chính thức cung cấp các dịch vụ viễn thông tại thị trường Haiti. Ngay khi ra mắt, công ty NATCOM (liên doanh giữa Viettel và Ngân hàng TW Haiti-BRH) đã sở hữu mạng lưới lớn nhất, hiện đại nhất.  Haiti là thị trường khó khăn nhất (xa về địa lý; khác biệt về văn hóa; bị ảnh hưởng bởi trận động đất lớn nhất trong lịch sử hiện đại). Bù lại, thị trường 9,8 triệu dân này cũng rất tiềm năng bởi mật độ điện thoại mới chỉ đạt 35%, Internet mới chỉ được sử dụng rất ít với chất lượng và tốc độ thấp... Với kinh nghiệm bình dân hóa dịch vụ viễn thông đã được thực hiện thành công tại Việt Nam, đến nay Viettel đã chính thức đầu tư tại 5 quốc gia là Lào, Campuchia, Haiti, Peru và Mozambique. Với phương thức triển khai “mạng lưới đi trước, kinh doanh theo sau” và triết lý 4 Any (viễn thông là mọi lúc, mọi nơi, giá rẻ và dành cho mọi người), ở cả hai quốc gia đã chính thức cung cấp dịch vụ Campuchia (Metfone) và Lào (Unitel), Viettel đều là nhà cung cấp dịch vụ đến sau cùng nhưng ngay từ khi khai trương đã là nhà cung cấp có hạ tầng lớn nhất và chỉ sau 2 năm chính thức kinh doanh đều đã vươn lên số 1 về thị phần thuê bao.

7 - Biến động nhân sự cấp cao trong ngành ICT

Năm 2011 cùng với sự biến động các nhân sự cấp cao ngành ICT trên thế giới, thì tại Việt Nam, cũng diễn ra nhiều thay đổi CEO của các DN CNTT-VT lớn. Tháng 1, ông Lê Ngọc Minh đã thôi giữ chức Tổng giám đốc MobiFone, để giữ chức Chủ tịch MobiFone và phó TGĐ VNPT. Thay vào vị trí đó là ông Mai Văn Bình. MobiFone cũng bổ nhiệm một loạt lãnh đạo mới trẻ trung và năng động. Tháng 2, FPT “thay ngựa giữa dòng” với việc bổ nhiệm ông Trương Đình Anh giữ chức TGĐ FPT thay ông Nguyễn Thành Nam (người kế nhiệm của ông Trương Gia Bình đã xin từ chức sau hơn 2 năm ngồi ghế nóng). Tháng 10, Intel Việt Nam cũng bất ngờ thay đổi vị trí TGĐ, bổ nhiệm ông Mai Sean Cang giữ vị trí này, thay cho ông Phạm Đỗ Tuấn- người kế nhiệm của ông Thân Trọng Phúc – Tổng giám đốc đã có công lớn trong việc tạo dựng thành công cho thương hiệu Intel trên thị trường Việt Nam từ năm 2010. Cũng trong tháng 10, Cisco Việt Nam bổ nhiệm ông Nguyễn Trường Sinh ở cương vị TGĐ thay ông Lee Chiang Toh, người đã điều hành hoạt động kinh doanh của Cisco Systems Việt Nam trong hơn 2 năm qua.

Đặc biệt, năm 2011 cũng đánh dấu sự thay đổi nhân sự lớn nhất trong ngành ngành ICT Việt Nam tại cương vị người đứng đầu ngành CNTT-VT và TT Việt Nam. Ngày 10/8, lễ bàn giao công việc giữa nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp và tân Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã diễn ra dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.  

8 - VNPT được trao giải băng rộng quốc tế

Ngày 27/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Băng rộng quốc tế lần thứ 11 (Broadband World Forum) được tổ chức tại Paris, Pháp, Ban Tổ chức Giải thưởng Băng rộng thế giới (Broadband Infovision Awards) đã chính thức công bố và trao Giải “Băng rộng thay đổi cuộc sống” cho VNPT. Đây là giải th­ưởng có uy tín hàng đầu thế giới về lĩnh vực băng rộng, thu hút sự tham gia của nhiều tập đoàn, nhà khai thác viễn thông trên thế giới. Giải th­ưởng đ­ược tổ chức thường niên trong khuôn khổ Diễn đàn Băng rộng quốc tế lần thứ 11 tổ chức tại Pari Pháp (9/2011). Giải th­ưởng “Băng rộng thay đổi cuộc sống” là sự đánh giá và ghi nhận của cộng đồng VT, CNTT thế giới về những nỗ lực của VNPT nói riêng và ngành VT-CNTT Việt Nam nói chung trong việc phát triển mạng băng rộng phục vụ cộng đồng, đặc biệt là ngư­ời dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Việt Nam. Năm nay VNPT đã vượt qua 44 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên thế giới để lọt vào vòng chung khảo của Broadband Infovision Award 2011. Tại vòng chung khảo, có hai ứng cử viên khác cùng tham gia tranh cử giải thưởng “Băng rộng thay đổi cuộc sống” năm nay là Tập đoàn Alcatel-Lucent (Pháp) với nghiên cứu về mô hình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội nhờ băng rộng và Tập đoàn ZTE (Trung Quốc) với giải pháp “Băng rộng di động qua mạng truyền tải gói (PTN)”. Trong khi đó, VNPT tham gia ứng cử với Giải pháp phổ cập, đưa Internet băng rộng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua các điểm Bưu điện văn hóa xã, hệ thống trường học, các trung tâm hoạt động thanh niên, cũng như các giải pháp hỗ trợ y‎ tế cộng đồng, đào tạo qua mạng…  

9 - Tập đoàn công nghệ FPT nổi danh nhờ showbiz

Năm 2011 là một năm trầm lắng của thị trường CNTT Việt Nam, hầu như không có sự kiện kinh doanh hay công nghệ nào được coi là đình đám, tốn nhiều giấy mực của báo chí. Tập đoàn CNTT hàng đầu Việt Nam FPT cũng nằm trong xu hướng này, tuy nhiên trên một bình diện khác, FPT nổi danh tại lĩnh vực showbiz với sự xuất hiện tần suất lớn của một số cá nhân FPT, trong đó nổi bật là giáo sư Cù Trọng Xoay, Giám đốc FPT media Mai Thu Huyền, Vua hài Phạm Quang Thọ đang lọt vào chung kết Vua hài đất Việt… Vậy là, thay vì tốn giấy mực của các nhà báo ICT, tập đoàn công nghệ hàng đầu VN lại làm tốn giấy mực của các nhà báo văn hóa, giải trí. Quan trọng hơn cả, là thương hiệu FPT đã vượt ra khỏi Internet, phần cứng, phần mềm để lấn sang showbiz và cũng nổi như cồn.

10 - Thành lập Cục Viễn thông

Ngày 15/8/2011, Bộ TT&TT đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Cục Viễn thông. Cục Viễn thông được hình thành trên cơ sở hợp nhất chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nhân sự của Vụ Viễn thông và Cục Quản lý chất lượng Công nghệ thông tin và Truyền thông với mục tiêu tăng cường năng lực thực thi quản lý nhà nước về viễn thông theo nguyên tắc “Nhanh chóng, Nghiêm minh, Công bằng, Linh hoạt”. Cục Viễn thông ra đời thể hiện quan điểm thống nhất quản lý chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông từ khâu cấp phép khi thẩm định phương án bảo đảm chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông tới hoạt động quản lý hậu kiểm, bao gồm việc kiểm tra, giám sát xử lý các hành vi phạm trong quá trình triển khai cung cấp dịch vụ cho người sử dụng. Do cạnh tranh, các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường thường đưa ra các giải pháp kinh tế để bù chéo và phá giá thông qua khuyến mại, giảm giá cước quá mức nhằm triệt tiêu các doanh nghiệp nhỏ, từ đó dẫn đến độc quyền trở lại. Việc hình thành Cục Viễn thông với bộ máy đủ để giám sát sự biến động không bình thường của thị trường do ảnh hưởng của cạnh tranh không lành mạnh, kịp thời có biện pháp điều tiết thị trường, hướng tới mục tiêu lâu dài là duy trì sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông.

11 - Cuộc chuyển nhượng thương hiệu Thế giới vi tính

Tháng 10/2011, một thông tin gây chấn động với độc giả giới CNTT-VT là sự kiện FPT ký kết với Tạp chí Thế giới vi tính 1 bản hợp tác chiến lược, mà bản chất là HĐ “thâu tóm” của FPT với một thương hiệu báo chí đã có 19 năm tồn tại và có ảnh hưởng lớn trong ngành CNTT-VT suốt 2 thập kỷ qua. Như nhiều cơ quan báo chí khác, TGVT cũng trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế khá nghiêm trọng do xu hướng dịch chuyển độc giả từ báo giấy sang báo mạng và sự sụt giảm chung của nền kinh tế cũng như ngành ICT. Việc chuyển nhượng được coi là hệ quả tất yếu của quá trình trên và được người trong cuộc nhìn nhận như 1 giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện tại.

Ngay sau khi FPT tiếp quản, 3 ấn phẩm báo giấy của thương hiệu này là Thế giới vi tính PCW B dành cho Nhà quản lý, Thế giới Game dành cho game thủ và E + (phương tiện thiết bị giải trí) chính thức “cáo phó” và nội dung sẽ được nhập toàn bộ thành các chuyên mục trên báo mạng. Quyết định này để lại nhiều sự tiếc nuối đối với cộng đồng hàng triệu độc giả của Thế giới vi tính suốt 19 năm qua. Trong khi đó, dự báo trong ngành cho thấy, tiếp sau Thế giới vi tính sẽ có 1 số các thương hiệu tạp chí khác trong ngành ICT cũng được dự báo sẽ diễn ra các cuộc chuyển nhượng hoặc ra đi tương tự.

12-Hàng loạt tên miền .gov.vn bị tấn công

Theo lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông, tính đến tháng 12/2011, có 329 website tên miền .gov.vn (website của các cơ quan chính phủ) bị tấn công. Các website Việt Nam (.vn), trong đó có các website của các cơ quan chính phủ đã chịu đợt tấn công lớn nhất vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2011. Theo ghi nhận của Cty bảo mật CMC Infosec, thời gian này, có ít nhất 300 website lớn với tên miền .org.vn (tổ chức) và .gov.vn (cơ quan chính phủ) bị tấn công. Ngoài ra, sau những đợt tấn công lớn năm 2010, trong năm 2011, báo điện tử VietnamNet tiếp tục bị tấn công kéo dài dẫn đến hệ quả website bị “chập chờn” trong thời gian rất dài và vào nhiều thời điểm bị tê liệt hoàn toàn.

Hình thức tấn công phổ biến của các đợt tấn công này là tấn công từ chối dịch vụ (DDOS). Đây là kiểu tấn công “dễ đánh, khó chống” vì tin tặc huy động hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn máy tính thây ma (máy bị nhiễm mã độc) đồng thời truy vấn vào máy chủ của nạn nhân khiến dịch vụ bị đình trệ. Điều đáng nói là tình trạng bảo mật nói chung của website của Việt Nam là yếu và kiểu tấn công DDOS thường giúp tin tặc tiếp tục khai thác được những lỗ hổng bảo mật tiếp theo của các website này. Đến nay, việc đầu tư cho bảo mật của các website Việt Nam nhìn chung chưa có dấu hiệu cải thiện và cũng chưa có cơ chế hỗ trợ hữu hiệu từ phía cơ quan nhà nước trong việc chống kiểu tấn công phổ biến này.

13 - Máy tính bảng Việt ra mắt thị trường

Sự ra đời của chiếc máy tính bảng iPad của Apple và chiếc Galaxy Tab của Samsung đã kéo theo một loạt các doanh nghiệp trong đó có cả Việt Nam tham gia cuộc chạy đua máy tính bảng mang “thương hiệu Việt” với muôn vẻ những kiểu dáng, cấu hình, chất lượng. Tháng 10/2011, FPT cũng đã gia nhập thị trường máy tính bảng bằng việc ra mắt chiếc FPT Tablet. FPT Tablet có màn hình TFT LCD cảm ứng điện dung 7 inch, độ phân giải WVGA (800x480 pixel), hệ điều hành Android 2.2 (vốn là hệ điều hành dành cho smartphone nên ít lợi thế trên máy tính bảng), nhưng ở mức giá dưới 5 triệu đồng là sự lựa chọn hợp lý cho người dùng. FPT Tablet còn có thể được sử dụng như một chiếc điện thoại thông thường với chức năng nghe gọi, nhắn tin. Một trong những điểm khác biệt của FPT Tablet so với các máy tính bảng khác tại Việt Nam là nó được tích hợp Kho ứng dụng Việt F-store, giúp có thể xem, tải hàng nghìn bản nhạc, các trò chơi, được thường xuyên cập nhật.

Trước đó, máy tính bảng Việt cũng đã được biết đến với sản phẩm của hãng công nghệ Pi và Hanel. Có thiết kế khá giống với Galaxy Tab của Samsung với màn hình 7 inch, những chiếc tablet của Pi trông khá gọn, tuy nhiên độ sắc nét và thiết kế tính tế chưa theo kịp iPad hay model từ Samsung. Mẫu tablet Pi C003 mới của hãng này với kiểu dáng giống điện thoại Apple, máy chạy Android Honeycomb, màn hình 7 inch. Còn Hanel Pad cấu hình phần cứng mạnh hơn iPad, cho phép chạy song song hai hệ điều hành Windows 7 và Android. 

Tuy nhiên, chất lượng máy tính bảng Việt vẫn được xem là còn là vấn đề và hầu hết sau khi ra mắt vẫn “chìm nghỉm” trên thị trường.

14 - Hội chứng đám mây

Năm 2011 được coi là năm của “cơn lốc” điện toán đám mây với việc đồng loạt các nhà cung cấp tung ra các giải pháp của riêng mình. Mặc dù nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn nhưng hầu hết các nhà cung cấp giải pháp còn khá mới mẻ này đều coi Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng, hứa hẹn sự thành công.

Điện toán đám mây trở thành một từ “hot” được giới công nghệ nhắc tới phổ biến trong năm qua và gần như đã tạo thành một cuộc chạy đua “ngầm”, khi các nhà cung cấp tranh thủ, chớp nhoáng, “đón lõng” giành miếng bánh thị phần. Cisco, IBM, Microsoft... với các giải pháp điện toán đám mây chủ yếu tập trung hướng tới các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu năng lưu trữ, linh hoạt hơn, thông minh hơn, tiện lợi hơn với chi phí hợp lý và những lợi thế cạnh tranh và ưu điểm khác nhau.

Ở Việt Nam, mặc dù được coi là giải pháp mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là có nhu cầu lớn về lưu trữ và phát triển bùng nổ dữ liệu, nhưng việc ứng dụng giải pháp công nghệ này trong các đơn vị, doanh nghiệp là chưa nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là bởi những hồ nghi và lo ngại về mức độ đảm bảo an toàn, an ninh bảo mật…

15 - Game “Made in Vietnam” đầu tiên được xuất khẩu

Tháng 11/2011, Công ty VNG ký kết thoả thuận với đối tác Nhật Bản để xuất khẩu hai game online (Pig Farm và SkyGarden). Dù đặt mục tiêu khiêm tốn 0,2% thị trường game online của Nhật Bản, Công ty VNG cho biết doanh số tương ứng của mục tiêu này là 10 triệu USD. Động thái này đánh dấu bước tiến mới của các doanh nghiệp làm game online bởi từ năm 2005 khi các game online vào Việt Nam – lúc mà các doanh nghiệp như FPT, VTC, Vinagames phải chi hàng triệu USD để nhập khẩu game online thì nay game online made in Vietnam đã bắt đầu được xuất ngược trở lại các thị trường phát triển.

Trước đó, các doanh nghiệp làm game online đã có nhiều nỗ lực trong việc phát hành game ra ngoài Việt Nam như việc Công ty VTC đem game thuần Việt đi bán tại Hội chợ, triển lãm game lớn nhất Châu Á (G-Star 2011) được tổ chức tại Hàn Quốc hay những cố gắng của VTC trong việc phát hành game audition tại thị trường Campuchia. Ngoài ra, sự phát triển mạnh của mạng xã hội (trên internet và mobile) đang là điều kiện tốt để các doanh nghiệp làm game online Việt Nam có thể bán trực tiếp những game online made in Vietnam ra thị trường thế giới. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi chính các doanh nghiệp này đang sở hữu những mạng xã hội với số lượng người dùng lên đến vài triệu thành viên.

16 - AVG chính thức tham gia thị trường truyền hình trả tiền

Ngày 11/11/2011, Cty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG - Truyền hình An Viên) chính thức phát sóng truyền hình số mặt đất (DTT) và truyền hình số vệ tinh (DTH), ghi nhận sự tham gia của một công ty tư nhân đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực truyền dẫn, phát sóng. Trước đó, tháng 8/2011, AVG đã khánh thành Trung tâm giám sát điều độ vận hành mạng từ xa (NCC) có khả năng kiểm soát và đảm bảo chất lượng dịch vụ truyền hình. Dù tới 1/1/2012, AVG mới cung cấp dịch vụ trên diện rộng nhưng những động thái đầu tư và ứng dụng công nghệ được đánh giá là "bạo chi" và "dài hạn": Công nghệ truyền hình mà AVG ứng dụng được Hiệp hội Phát thanh và Truyền hình Châu Á - Thái Bình Dương (ABU) đánh giá là "thuộc hàng tiên tiến nhất thế giới"; Trung tâm NCC mà AVG đầu tư đến 150 tỉ đồng cũng chỉ để "chăm sóc khách hàng" (như lời của ông Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ). Đó là chưa kể tới việc ứng dụng giải pháp của CRM.com  trong việc quản lý thuê bao và tính cước. Theo tiết lộ từ AVG, đơn vị này sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với 3 gói cước 33 - 66 - 88 nghìn đồng/tháng. Đến thời điểm này thì đây cũng là gói cước "mềm" nhất trên thị trường.

17 - Thu hồi dự án công viên phần mềm lớn nhất Việt Nam

Tháng 11/2011, UBND TP.HCM đã chính thức quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án Công viên Phần mềm Thủ Thiêm của chủ đầu tư là Công ty TNHH TA Associates Việt Nam. Sau lễ khởi công dự án hoành tráng vào ngày 19/7/2008, dự án công viên phần mềm được coi là lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 1,2 tỷ USD, dự kiến tạo việc làm cho 40.000 công nhân trong giai đoạn xây dựng và 70.000 chuyên viên, kỹ sư CNTT khi hoạt động từ năm 2012 đã gần như không nhúc nhích. Cho dù chính quyền TP.HCM đã tạo điều kiện cho TA Associates Việt Nam thực hiện dự án trên song nhà đầu tư này vẫn kéo dài thời gian, không thực hiện cam kết đầu tư ban đầu, đồng thời đưa ra những kiến nghị không phù hợp với cam kết.

Quyết định thu hồi giấy phép đầu tư của UBND TP. HCM là đúng đắn và cần thiết, đồng thời cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc và là bài học cho những doanh nghiệp muốn mượn những ưu đãi dành cho đầu tư công nghệ cao của Chính phủ vào những hoạt động không đúng mục đích đề ra. Đây cũng là câu chuyện buồn cho phần mềm Việt Nam vốn đã không có những tín hiệu vui trong năm 2011.

18 - Viettel bước chân vào lĩnh vực sản xuất điện thoại, máy tính

Tháng 10/2011, Viettel tuyên bố vừa vận hành dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông có khả năng sản xuất nhiều chủng loại như điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính All-in-one, thiết bị hạ tầng mạng, thiết bị thông tin quân sự... Như vậy, Viettel là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đầu tư dây chuyền sản xuất điện thoại, máy tính chứ không đi theo kiểu “xác ta, hồn tàu” như nhiều sản phẩm điện thoại máy tính thương hiệu Việt khác.  Dây chuyền này có công suất thiết kế đạt tới 5 triệu USB 3G/năm, hoặc 3 triệu máy ĐTDĐ/năm hoặc 900 ngàn máy tính/năm, phục vụ cho nhu cầu thị trường của Viettel, bao gồm cả những thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư. Đây được xem là bước đi đầu tiên, tạo tiền đề xây dựng các dây chuyền tiếp theo trong chiến lược sản xuất thiết bị điện tử viễn thông của Viettel.  

19 - FPT đầu tư sang Nigeria

Tháng 6/2011, một thị trường mới bất ngờ mở ra với FPT cùng với chuyến thăm và làm việc với FPT của Giám đốc điều hành kiêm Phó Chủ tịch Công ty 21st Century của Nigeria. Sau 3 buổi làm việc, vị lãnh đạo này đã khẳng định "đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh với FPT" và tỏ ý muốn đặt quan hệ hợp tác với FPT trong lĩnh vực ICT và Internet. Tháng 8, FPT đã cử đoàn công tác gồm đại diện các đơn vị thuộc lĩnh vực kinh doanh chủ chốt gồm: Công ty CP Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS), Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom), Công ty CP Thương mại FPT (FPT Trading) và Đại học FPT sang nước cộng hòa Tây Phi này và đã được diện kiến với Tổng thống Nigieria Goodluck Jonathan cũng như được cam kết hỗ trợ từ ông này. Thỏa thuận thành lập Đại học FPT tại Nigeria đã được ký vào tháng 9 và sẽ triển khai tuyển sinh vào 2012. Cùng đó là hàng loạt các dự án khác về IT trong các lĩnh vực hạ tầng mạng viễn thông và CNTT, Internet, phần mềm… đang được bàn thảo giữa FPT và các đối tác tại Nigeria. Từ Nigeria, FPT muốn tạo một bàn đạp để đi sang châu Phi, nơi có diện tích rộng lớn, dân cư đông đúc và hạ tầng CNTT-VT chưa phát triển sẽ là mảnh đất màu mỡ cho chiến lược toàn cầu hóa của FPT nói riêng cũng như mở đường cho nhiều DN CNTT khác của VN. Đây cũng là thị trường cứu cánh của cả FPT và nhiều DN khác khi mà thị trường châu Âu và Mỹ đang trong tình trạng cắt giảm chi phí tối đa, còn Nhật Bản-thị trường lớn của CNTT Việt Nam cũng nảy sinh nhiều bất lợi  do động đất, sóng thần và nhiễm xạ.

Theo www.ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0