|
Hiện việc phát triển và triển khai ngồn mở rất khó khăn. Ảnh: Internet |
Theo ông Trần Gia Long, Giám đốc Sở TT&TT Vĩnh Phúc, không phải ai cũng sử dụng được PMNM. PMNM là sản phẩm có tính cộng đồng, mỗi khi có phiên bản mới, những người không có trình độ chuyên môn sẽ rất khó cập nhật, sử dụng. Hiện mới chỉ có 1 số ngành như khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, giáo dục tỏ ra “mặn mà” với PMNM, còn cấp huyện vẫn chưa quan tâm. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến Vĩnh Phúc chưa thể triển khai được PMNM một cách đồng bộ trên phạm vi rộng.
Tại một địa phương khác là Bắc Kạn, PMNM đã bắt đầu được rục rịch triển khai. Ông Nông Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở TT&TT Bắc Kạn cho biết năm 2011, đã có 3 lớp tập huấn PMNM đại trà được tổ chức cho các sở, ngành theo mô hình 80 học viên/lớp, mỗi lớp diễn ra trong 1 tuần, giúp các cán bộ, công chức làm quen với PMNM như hệ điều hành Ubuntu, Open Office... Mới đây, PMNM đang được triển khai điểm tại Sở Khoa học Công nghệ, theo đó, bên cạnh việc đào tạo lý thuyết, từng cán bộ Sở Khoa học Công nghệ còn được hướng dẫn cài đặt PMNM cụ thể ngay trên máy tính của mình. Sau quá trình “làm thật việc thật”, ông Hiệp cũng rút ra kết luận khó khăn lớn nhất cho việc triển khai PMNM chính là nguồn nhân lực ở các sở, ban, ngành, huyện, thị. Hiện vẫn còn tới 80% các đơn vị ở Bắc Kạn chưa bố trí được cán bộ quản trị mạng chuyên trách ở đơn vị mình. Với những đơn vị có nhân sự chuyên trách, cán bộ Sở TT&TT chỉ cần tập huấn về lý thuyết rồi đơn vị sẽ tự triển khai dần. Còn những nơi chưa có cán bộ quản trị mạng thì cán bộ Sở TT&TT phải “cầm tay chỉ việc” tận nơi rồi phải hỗ trợ kỹ thuật mỗi khi có vướng mắc, sự cố. Với bộ máy nhân sự của Sở TT&TT còn “mỏng” như hiện nay thì khó có thể đảm bảo triển khai cài đặt, hướng dẫn sử dụng PMNM cho tất cả các đơn vị trong tỉnh trong một sớm một chiều. Ngoài khó khăn về nhân lực thì thiếu kinh phí triển khai cũng đang là lực cản lớn đối với “hành trình đi vào cuộc sống” của PMNM tại các địa phương. “Dự kiến mỗi địa phương cần 500 – 600 triệu đồng/năm để triển khai PMNM. Hiện không có đủ kinh phí, làm theo kiểu “bốc thuốc” thì không ăn thua”, ông Nông Văn Hiệp chia sẻ thêm.
Triển khai PMNM sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các cơ quan Nhà nước như đảm bảo an ninh thông tin, làm chủ được mã nguồn (có thể chủ động viết, cải thiện phần mềm theo nhu cầu thực tế của mình, không phụ thuộc vào người khác), không phải bỏ một khoản tiền lớn để mua bản quyền phần mềm thương mại..
Đến thời điểm hiện tại, có thể thấy triển khai PMNM không hề “bất khả thi” đối với các địa phương. “Dù đã có những vấn đề nảy sinh như nhiều máy in không tương thích với máy tính dùng hệ điều hành nguồn mở Ubuntu song việc chuyển đổi từ phần mềm nguồn đóng sang PMNM về kỹ thuật không khó khăn”, ông Nguyễn Văn Diệu, Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang khẳng định.
Tuy nhiên, “hành trình” đưa PMNM trở thành “đối trọng” của các phần mềm thương mại (nguồn đóng) trong việc chinh phục sự lựa chọn của người sử dụng vẫn còn khá dài, khi hầu hết người sử dụng trong các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là ở các địa phương vẫn chỉ quen sử dụng các phần mềm thương mại như Microsoft Office. Bàn về các giải pháp để có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai PMNM, các địa phương đều cho rằng phải có sự quyết tâm cao của lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, trong đó đánh giá rất cao vai trò của Bộ TT&TT.
Ông Trần Gia Long cho rằng Bộ TT&TT cần có văn bản gửi UBND các tỉnh chỉ đạo sử dụng mã nguồn mở trong thời gian tới, trong đó khuyến cáo các địa phương phải bố trí nhân lực chuyên trách có khả năng quản trị, hỗ trợ người sử dụng về PMNM.
Đại diện cho Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Diệu đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các định mức, tiêu chuẩn nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng PMNM; tập trung chỉ đạo ứng dụng PMNM trong hệ thống các cơ quan Nhà nước; xây dựng, hình thành những Trung tâm đủ mạnh để nghiên cứu, hoàn thiện những vấn đề cơ bản trong PMNM; từng bước hỗ trợ Bắc Giang phát triển Trung tâm ứng dụng mã nguồn mở.
Đặc biệt, ông Nông Văn Hiệp mạnh dạn đề xuất Vụ CNTT và Cục Ứng dụng CNTT phải tham mưu lãnh đạo Bộ TT&TT trình Chính phủ ban hành Nghị định yêu cầu tất cả các sở, ban, ngành, cơ quan Nhà nước phải sử dụng PMNM. “Nếu không có chế tài từ trên ép xuống, vẫn để hiện trạng dùng phần mềm thương mại cũng chẳng chết ai thì các địa phương cũng sẽ chỉ triển khai PMNM một cách chung chung và không hiệu quả”, ông Hiệp nói.
Theo www.ictnews.vn