Cập nhật: 16/12/2011 |
“Sắc màu” doanh nghiệp CNTT. |
|
Các doanh nghiệp (DN) sản xuất và cung cấp phần mềm, thiết bị phần cứng, thương mại điện tử là những điểm màu quan trọng tạo nên bức tranh CNTT Việt Nam. Họ nhận xét gì về thị trường CNTT 2011 và có kế hoạch gì cho 2012?
|
|
Đưa phần mềm “lên mây”
Misa cung cấp nhiều nhất trong năm 2011 là PM tài chính kế toán, PM quản trị nguồn nhân lực (HRM). Dù kinh tế có khó khăn nhưng các DN vẫn có nhu cầu sử dụng phần mềm.
Các nhà cung cấp giải pháp trong nước vẫn có thị trường tiềm năng. Nhưng phải cạnh tranh rất lớn với DN nước ngoài. DN nước ngoài có lợi thế về tài chính, quảng bá, truyền thông và nhân sự… Họ đã có những khách hàng lớn. DN trong nước yếu các mặt này, lại còn phải cạnh tranh thu hút người tài.
Người dùng ngày càng nhiều lựa chọn và họ sẽ chọn nhà cung cấp có dịch vụ tốt. Misa đã và đang nâng cấp các sản phẩm của mình để đưa lên điện toán đám mây... Dự kiến đến 2015, một Trung tâm dữ liệu (Data center) của Misa ở Láng Hòa Lạc, Hà Nội sẽ xây dựng xong, đảm bảo cung cấp giải pháp ổn định và tốt nhất cho khách hàng…
“DN Việt Nam chỉ có cách duy trì tốt tăng trưởng doanh số để đảm bảo thu nhập, giữ chân người lao động”, ông Lữ Hồng Chương, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phần mềm Misa.
Xâm nhập thị trường ngoại
Năm qua, quỹ đầu tư CNTT của DN cũng như Nhà nước đều không được ưu tiên. Lạc Việt ít nhiều bị ảnh hưởng, nhưng bù lại, đã triển khai giải pháp đến được một số khách hàng lớn.
Thị trường ứng dụng nhiều là ngành bán lẻ. DN có khuynh hướng chọn giải pháp phù hợp, không kể trong hay ngoài nước. Do đó, Lạc Việt sẽ chú trọng phát triển và triển khai những gói giải pháp phù hợp với yêu cầu của khách hàng và ngân sách mà họ đưa ra…
Chiến lược năm 2012 của Lạc Việt là phát triển cung cấp sản phẩm theo chiều dọc, tập trung ở lĩnh vực bán lẻ và xây dựng cho DN quy mô vừa.
Lạc Việt nhận thấy thị trường Campuchia có rất nhiều tiềm năng. Trước mắt, công ty hợp tác với đối tác Campuchia để đưa sản phẩm đến người dùng DN nước này.
“DN nào cũng cần giải pháp phần mềm phục vụ quản trị, điều hành, kế toán, tiền lương…”, Ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc phát triển Đối tác và Tiếp thị, Công ty cổ phần Tin học Lạc Việt
Phát triển phần mềm đóng gói
Năm qua doanh thu đơn vị tăng trưởng nhờ vào triển khai dự án cho một số khách hàng lớn.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy đội ngũ tư vấn Giải pháp hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) còn thiếu, chưa đáp ứng cả về số lượng lẫn chất lượng nên nhiều DN còn băn khoăn trong lựa chọn giải pháp
Mảng giải pháp kế toán, quản trị sẽ là ưu tiên đầu tư hàng đầu… EFFECT sẽ nhắm vào cung cấp phần mềm cho DN đang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, dịch vụ; các DN tầm trung, vừa và nhỏ… Đặc biệt, chú trọng đưa ra thị trường phần mềm đóng gói mà rất nhiều DN cần.
“Cản trở lớn nhất là bài toán về chuẩn hệ thống ERP cho từng ngành, lĩnh vực”, ông Nguyễn Thiệu Thái, Giám đốc Công ty Cổ phần Phần mềm EFFECT
Thương mại điện tử phụ thuộc chất lượng dịch vụ
Năm 2011, thị trường mua sắm trực tuyến được người dùng quan tâm.Các công ty thương mại điện tử (TMĐT) tiếp thị rất mạnh, tổ chức nhiều hoạt động khích thích mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng vẫn là chưa tin vào sản phẩm thương hiệu và vào nhà cung cấp dịch vụ.
Đối với các DN, website chỉ để giới thiệu hình ảnh, thương hiệu. Các website TMĐT (B2C) của riêng DN rất ít, phần lớn là các trang rao vặt.
Xu hướng 2012, mua sắm trực tuyến sẽ tăng mức độ được đón nhận. Nếu các nhà cung cấp cho người dùng thấy được sự tiện lợi, chất lượng sản phẩm tốt, thương hiệu uy tín, độ bảo mật cao thì thị trường TMĐT sẽ khởi sắc.
“Năm 2012, nhiều DN sẽ tăng đầu tư cho công nghệ website và quảng bá thương hiệu”, ông Phạm Văn Hưng, Quản lý Kinh doanh Công ty Mắt Bão
Thiết bị hướng đến DN vừa và nhỏ
Các thiết bị mạng hỗ trợ triển khai tường lửa, mạng riêng ảo cho DN vừa và nhỏ, văn phòng/ gia đình (SOHO - small office/home office) sẽ tăng doanh số. Lý do là các giải pháp này đáp ứng được nhu cầu giảm chi phí triển khai hệ thống CNTT và phù hợp với quy mô, nhu cầu sử dụng của DN vừa và nhỏ chiếm số đông trên thị trường.
Thiết bị có chi phí hợp lý, đảm bảo đường truyền ổn định, giúp cho DN có nhiều chi nhánh thay thế đường truyền băng rộng sẽ được chọn.
“Thị trường chính của thiết bị năm 2012 vẫn chỉ tập trung vào Hà Nội, TP.HCM và có thêm Đà Nẵng”, ông Lê Vĩ Đông, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật tin học viễn thông (An Phát)
Bảo mật sẽ tươi sáng
Năm 2011, khối nhà nước đầu tư trang bị thiết bị CNTT dựa trên ngân sách được duyệt, hoặc “hợp lý” nên không thể ứng dụng được các thiết bị bảo mật nhiều lớp cần thiết, có độ bảo mật cao. Tuy nhiên, với xu hướng cổ phần hóa, một số DN nhà nước quy mô khá đã quan tâm ứng dụng công nghệ bảo mật tốt. Xu hướng trong 2012, thị trường bảo mật sẽ “tươi sáng” hơn bởi DN phải quan tâm nhiều hơn đến bảo mật để tránh rủi ro.
Các nhà cung cấp giải pháp bảo mật vẫn sẽ quan tâm nhiều nhất đến lớp cơ bản - Anti Virus dành cho tất cả, từ DN vừa và nhỏ đến lớn. Còn các DN thuộc ngành nghề tài chính ngân hàng, dầu khí, bảo hiểm, hoặc nơi có mức sinh lời cao đều đòi hỏi đầu tư hệ thống bảo mật nhiều lớp như: Tường lửa (firewall), hệ thống phòng chống xâm nhập (IPS-Intrusion Prevention System), hệ thống rà soát hành vi để ngăn chặn hacker.
Doanh số thị trường bảo mật năm 2012 được kỳ vọng sẽ tăng hơn năm 2011.
“Hiện nay khối nhà nước đầu tư công nghệ bảo mật rời rạc nhất”, ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành NTS Security
Desktop còn 5 năm nữa!
Thị trường máy tính để bàn (desktop, PC) đã giảm vì công nghệ không có gì mới; các sản phẩm thay thế như: máy tính xách tay, máy tính bảng có nhiều ưu điểm về công nghệ, tiện lợi hơn.
Doanh nghiệp sản xuất, cung cấp máy tính (để bàn, di động, bảng) trong nước bị cạnh tranh từ nhiều phía: Sản phẩm nhập khẩu có thương hiệu “nổi” hơn, giá thành tốt hơn do họ sản xuất số nhiều. Chỉ có những nhà tích hợp hệ thống (đầu tư lớn), cung cấp giải pháp phần cứng phần mềm tích hợp mới có thể phát triển trong thị trường hiện nay.
Hướng đi khả dĩ của nhà cung cấp thiết bị và desktop quy mô “vừa vừa” trong năm 2012 là: Cắt giảm chi phí vận hành doanh nghiệp, tập trung cung cấp linh kiện, phát triển thị trường desktop ở nông thôn. Thị trường desktop có lẽ sẽ duy trì được thêm 5 năm nữa, trong thời gian đó tìm hướng đi mới.
“Desktop chắc chắn giảm, nhưng thuận lợi duy nhất hiện nay là người chấp nhận mua desktop không quá quan tâm đến thương hiệu”, ông Lê Quang Thành, Giám đốc bán hàng, công ty VERN Sẽ có 15 tỷ thiết bị kết nối
Trong vòng 3 năm tới, sẽ có thêm gần 1 tỷ người dùng Internet và có thêm gần 15 tỷ thiết bị kết nối. Như vậy, dữ liệu sẽ tăng lên rất nhiều, khoảng 1 tỷ Terabyte và đa số là video (phim) sẽ được lưu trữ trên đám mây. Đây là một cơ hội rất lớn.
Intel muốn tập trung vào việc kết nối giữa các thiết bị, nghĩa là những gì bạn đang làm, xem đều có thể thực hiện trên các thiết bị khác nhau. Và mọi phương tiện phải liên kết với nhau, phải tạo được trải nghiệm tốt nhất có thể.
Đó cũng là lý do khiến chúng tôi quyết định cải tiến máy tính xách tay Ultra Book nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng như: phải nhanh, đầy đủ tính năng, bảo mật, dễ sử dụng và tuyệt vời hơn. Máy tính không chỉ đẹp mà phải hiệu quả...
“Những gì mà người tiêu dùng cần là online (trực tuyến)”, bà Debjani Ghosh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Intel
|
|