Thứ tư, 27/11/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 08/12/2011
Đôi dòng gửi Đại hội Hội Tin học Việt Nam lần VII

Hội Tin học Việt Nam đã làm được nhiều việc và những việc đó đã có tác động đến sự phát triển CNTT ở nước ta, nhưng tác động đến mức nào?

Tôi đã đọc dự thảo Báo cáo tổng kết của Ban chấp hành Hội. Những gì đã viết trong báo cáo nói chung theo tôi là phù hợp. Chẳng hạn, phần đánh giá chung, báo cáo nhận định: Trong nhiệm kỳ VI, với phương châm “Đoàn kết - Hợp tác - vì sự nghiệp phát triển CNTT-TT Việt Nam”, Hội chúng ta đã đưa các hoạt động đi vào nề nếp theo tinh thần “Củng cố tổ chức và phát triển hiệu quả các hoạt động”.

Lãnh đạo Hội Tin học Việt Nam nhiệm kỳ VI tại Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội. (ảnh tư liệu để minh hoạ)

Trong 5 năm qua, Hội đã tích cực nâng cao vai trò, vị trí xã hội nghề nghiệp, củng cố vị thế của Hội. Đánh giá tình hình phát triển CNTT-TT ở nước ta, báo cáo đã chỉ ra: Ứng dụng CNTT-TT tại các cơ quan QLNN chưa thật hiệu quả, môi trường chính sách cho CNTT-TT chưa thông thoáng, đầu tư khó khăn và suy giảm; đào tạo nguồn lực CNTT-TT còn nhiều bất cập về mô hình, đối tượng, chất lượng và số lượng; mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT-TT trong doanh nghiệp vẫn ở mức thấp, đội ngũ doanh nghiệp CNTT-TT tuy có lớn mạnh hơn nhưng vẫn chưa thật sẵn sàng cho hội nhập; mức độ phổ cập CNTT-TT cho toàn xã hội chưa có gì khởi sắc.

Về tổ chức Hội, báo cáo cho rằng các Hội Tin học và các tổ chức Hội đã không ngừng tăng cường vận động để đoàn kết, tập hợp lực lượng trong ngành CNTT-TT Việt Nam, tạo thành một tổ chức xã hội - nghề nghiệp quan trọng và có uy tín, đáp ứng vai trò đại diện trong sự nghiệp phát triển và ứng dụng CNTT-TT, đóng góp cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước…

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều điều trăn trở. Trước hết là vai trò của Hội. Chúng ta đã làm nhiều việc và những việc đó đã có tác động đến sự phát triển CNTT ở nước ta, nhưng tác động đến mức nào thì đang là một dấu hỏi! Hội chúng ta đã thực sự được xem là một tổ chức nghề nghiệp, đại diện cho cộng đồng làm tin học nước ta, là tiếng nói của dân chưa? Lực lượng làm CNTT-TT nước ta bao gồm những ai, có những chức danh nghề gì? Chúng ta đã tập họp được bao nhiêu phần trăm của lực lượng đó? GDĐT đang là nỗi bức xúc của toàn xã hội, đào tạo ngành CNTT-TT như thế nào, có gì gây bức xúc cho xã hội hay không? Ngành CNTT ít thu hút thí sinh so với một số ngành khác là do đâu?

Tỷ lệ tổ chức có trang web, các mức dịch vụ công được cung cấp trên các website và tác động thực sự của CNTT-TT vào cải cách hành chính, phục vụ người dân đang ở mức nào? Cơ sở dữ liệu quốc gia của chúng ta cũng còn đang ngổn ngang. Nhiều dự án trọng điểm cho Chính phủ điện tử như Cơ sở dữ liệu Quốc gia về quản lý dân cư, chứng minh thư nhân dân điện tử… đang chậm tiến độ; giải pháp CNTT cho một thành phố thông minh đã có, nhưng ngay cả các thành phố lớn cũng chưa sẵn sàng để trở thành thành phố thông minh; khai thuế điện tử thì hơn nửa năm qua kể từ khi dịch vụ kê khai thuế điện tử chính thức được cấp phép hoạt động vẫn‘‘chờ’’ khách hàng. Chữ ký số đang khắc khoải trên thị trường với khoảng mươi doanh nghiệp được Bộ TTTT cấp phép triển khai dịch vụ chứng thực. Chúng ta thiếu công cụ lưu trữ điện tử, buộc phải “giấy hóa”, các cơ quan Nhà nước vẫn phải in tài liệu ra giấy để lưu kho!

Cần mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật là CNTT nước ta phát triển không như mong muốn.

Trong bối cảnh đó, Hội của chúng ta cần đưa ra phương châm hành động của mình cho nhiệm kỳ tới như thế nào là thích hợp? Những hoạt động bề nổi trong nhiệm kỳ qua đã làm thành công như: tổ chức các cuộc thi Tin học hàng năm trong nước hay quốc tế, trao các loại giải thưởng CNTT-TT; tổ chức Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT; Tuần lễ Tin học Việt Nam hàng năm; tổ chức các hoạt động về đào tạo và tuyên truyền phổ cập CNTT cho toàn xã hội; các hoạt động về khoa học công nghệ CNTT-TT; triển khai công tác tư vấn phản biện và các chương trình, dự án của Hội; báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT-TT Việt Nam hàng năm… cần tiếp tục duy trì nhưng phải làm với một chất lượng cao hơn.

Quan trọng hơn là chúng ta phải suy nghĩ để xoáy vào những hoạt động cốt lõi theo tôn chỉ, mục đích của Hội. Hội chúng ta là một hội nghề nghiệp có mục đích tập họp lực lượng những người làm nghề CNTT-TT nhằm góp phần đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và phát triển CNTT-TT phục vụ cho đất nước. Xin bày tỏ một số suy nghĩ về vấn đề cốt lõi của Hội.

1) Nghề nghiệp CNTT-TT. Là một hội nghề nghiệp thì trước hết chúng ta cần phải hiểu rõ nghề nghiệp của chúng ta. Nghề CNTT-TT gồm những ai, có những chức danh nghề gì? Sâu hơn thì chúng ta cần nắm được sự phân bố lực lượng này theo lãnh thổ, theo lĩnh vực. Định rõ được như thế, chúng ta mới có cách thích hợp tập họp lực lượng nhằm đạt mục đích hoạt động của Hội. Muốn hiểu rõ lực lượng CNTT-TT, cần phải tổ chức điều tra, nhưng phải làm một cách thực chất, không hình thức!

Nhân lực CNTT ở Việt Nam hàng chục năm qua đã được các cấp, các ngành quan tâm. Từ năm 2003, các cơ quan hữu quan đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc gia "Xây dựng chức danh, tiêu chuẩn công chức chuyên môn, nghiệp vụ ngành CNTT". Thủ tướng Chính phủ cũng đã từng phê duyệt "Chương trình phát triển nguồn nhân lực về CNTT đến năm 2010". Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một văn bản nào của một cấp, ngành nào (trong bộ máy nhà nước) về các chức danh của nghề CNTT.

Có đến hàng trăm tên gọi khác nhau cho những chức danh liên quan đến nghề CNTT xuất hiện trên các trang tin tuyển dụng lao động. Qua đó cũng thấy được các nhà tuyển dụng dùng tên gọi các chức danh nghề CNTT chưa thống nhất và hiểu về chức danh nghề này cũng chưa thống nhất. Cần tiếp tục công việc mà Hội thảo quốc gia về CNTT năm 2003 đã đề xuất, nhưng không phải chỉ là chức danh công chức chuyên môn, nghiệp vụ về CNTT trong các cơ quan nhà nước mà là chức danh chung cho cả ngành nghề này. (Vào năm 2003, trong 196 ngạch thuộc 21 bảng lương công chức mới xây dựng được chức danh, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ cho 186 ngạch thuộc 19 ngành chưa có chức danh, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch CNTT).

Mới đây, Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) công bố vào ngày 24/11/2011, danh mục chức danh phần mềm và dịch vụ phần mềm. (Danh mục có 9 ngạch, 7 bậc, 33 phân bậc). Đây là một việc làm rất ý nghĩa. Các cơ quan có chức năng liên quan cần có biện pháp nhân rộng việc xây dựng chức danh cho những lĩnh vực khác của CNTT-TT. Đây là một quá trình luôn phát triển, chức danh nào được xã hội công nhận sẽ tồn tại, nếu không thì sẽ chết hoặc thay đổi, bổ sung. Cần mở ra học phần về nghề nghiệp CNTT mà một nội dung quan trọng của nó là đạo đức nghề CNTT trong các ĐH, CĐ, THCN có đào tạo ngành CNTT.

2) Nghĩa vụ và quyền lợi của hội viên. Hội tập họp lực lượng nhằm góp phần đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và phát triển CNTT-TT. Đó cũng là nghĩa vụ của hội viên. Từ trước đến nay, trong mục đích, tôn chỉ và trong điều lệ của Hội thường nói đến nghĩa vụ của hội viên mà ít nói đến quyền lợi của hội viên. Hình như sự giáo dục của chúng ta hướng đến nhận thức về trách nhiệm mà không hướng đến nhận thức về quyền lợi. Cần khẳng định tổ chức Hội chúng ta có mục đích bảo vệ quyền lợi cho hội viên (hội viên cá nhân và hội viên tập thể). Việc bảo vệ đó làm đúng theo pháp luật của Nhà nước.

Xin nói rõ hơn về nghĩa vụ. Ở đây chỉ đề cập đến một hoạt động trong nhiều hoạt động mà Hội ta đã thực hiện trong nhiều năm qua. Đó là thực hiện vai trò của một tổ chức phản biện xã hội của Hội. Cần thực hiện vai trò này một cách nghiêm túc, công bằng, khoa học, khách quan. Không chấp nhận phản biện một cách hình thức hoặc bảo vệ cho những nhóm lợi ích, không chấp nhận để các dự án CNTT-TT thực hiện không đến nơi đến chốn, không đạt được mục tiêu đề ra. Muốn làm tốt vai trò phản biện, Hội cần tìm cách tập họp và trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực CNTT-TT. Có thể đó là các nhân tài về: a) hoạch định chính sách CNTT-TT; b) khoa học, công nghệ CNTT-TT c) sản xuất, kinh doanh và dịch vụ CNTT-TT.

Nhà nước cũng không ít lần đã nêu vấn đề cho chúng ta phản biện. Khoảng 10 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã hỏi ý kiến gần 50 nhà khoa học hàng đầu ở nước ta về các vấn đề liên quan đến việc hoạch định chiến lược và chính sách, khoa học và công nghệ, gắn kết khoa học công nghệ với sản xuất kinh doanh, kết hợp khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, kết hợp nghiên cứu khoa học với đào tạo. Một câu hỏi làm day dứt hàng bao nhiêu thế hệ lãnh đạo là làm thế nào để phát huy được khoa học công nghệ? Câu hỏi đó đến nay vẫn mang tính thời sự cho ngành CNTT-TT. Liên quan đến vấn đề này, Hội nên yêu cầu Nhà nước đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ CNTT-TT theo mô hình Đổi mới - Sáng tạo.

Thế giới ngày nay đánh giá các nước theo ba điểm số: Trí tuệ (chỉ số Đổi mới/Sáng tạo của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới - World Intellectual Property Organization - WIPO), Năng lực cạnh tranh (chỉ số của Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF), và Đạo đức (Chỉ số trong sạch thế giới của Tổ chức Minh bạch Toàn cầu -Transparency International - TI).

Và đây là một vấn đề khác mà Hội chúng ta cần quan tâm. Để thực hiện được nhiệm vụ “tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng” mà Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 mới đây đã đề ra, đòi hỏi có sự tham gia mạnh mẽ của KHCN, đặc biệt là CNTT-TT, trong tất cả các công đoạn: hoạch định chính sách, triển khai các dự án... Hội chúng ta suy nghĩ gì cho nhiệm vụ tái cơ cấu này?

3) Hành động thực chất. Một điều tưởng là rất bình thường nhưng lại rất quan trọng, bao trùm lên tất cả là Hội chúng ta cần hành động một cách thực chất, vì đất nước, vì dân, vì phát triển nghề nghiệp CNTT-TT; không chấp nhận đóng kịch, không vì lợi ích nhóm. Hội phải tìm cách tập họp được giới trí thức và những người tài dân Việt (kể cả trong nước và ngoài nước) trong lĩnh vực CNTT-TT nhằm xây dựng nghề nghiệp CNTT-TT nước ta vững mạnh, có đạo đức trong sáng, đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển đất nước.

--

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, GS. TS Nguyễn Lãm.

Theo www.pcworld.com.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0