Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết trong một thế giới kết nối như hiện nay, bên cạnh 4 trụ cột về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghiệp và ứng dụng thì ATTT được coi là trụ cột thứ 5 hay là bức tường rào bảo vệ cho ngôi nhà số. Với ý nghĩa đó, ngày ATTT Việt Nam là dịp thể hiện sự gắn kết nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc chung tay làm cho ATTT trở thành nền tảng bền vững của nước Việt Nam mạnh về CNTT. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn, sự kiện này sẽ là dịp để các nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong nước và quốc tế gặp gỡ, trao đổi, hợp tác và chia sẻ các kinh nghiệm về bảo vệ tài nguyên thông tin khi tham gia vào hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT. Bên cạnh đó, các nội dung được bàn tại Hội thảo sẽ góp phần thiết thực vào việc phát triển một môi trường thông tin an toàn, lành mạnh, phục vụ hữu hiệu cho sự phát triển của ngành CNTT-TT nói riêng và cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự nỗ lực của VNISA và VNCERT trong việc tổ chức triển khai nhiều hoạt động thiết thực bổ ích trong khuôn khổ sự kiện ngày ATTT năm 2011.
Ngày ATTT năm nay sẽ hướng đến vai trò của ATTT trong lộ trình “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT&TT”. Bên cạnh đó, để có thể kết hợp triển khai cả biện pháp trước mắt và lâu dài phục vụ công tác đảm bảo an toàn thông tin, các đơn vị sẽ phối hợp thực hiện các hoạt động cụ thể như: tăng cường tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ngày an toàn thông tin, đưa sự kiện ngày ATTT thành một trong những sự kiện thường niên quan trọng, thu hút sự quan tâm rộng rãi của các cơ quan hữu quan và toàn thể cộng đồng xã hội; xây dựng các văn bản hướng dẫn, nâng cao năng lực quản lý và thực thi các biện pháp kỹ thuật, ban hành và hướng dẫn áp dụng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thông tin làm cơ sở để đánh giá, kiểm định an toàn thông tin cho các hệ thống và dự án CNTT; xây dựng khung chương trình đào tạo nghiệp vụ theo các chuẩn quốc tế, đẩy mạnh xã hội hóa việc tổ chức giảng dạy chứng chỉ nghiệp vụ và phổ cập kiến thức về an toàn thông tin theo phương châm kết hợp chính sách của Nhà nước với các nguồn lực xã hội; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường phối hợp giữa Nhà nước và cộng đồng trong việc triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin, điều phối có hiệu quả hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố mạng internet Việt Nam; đề xuất với Chính phủ đầu tư nguồn lực để thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nội dung chính của Quy hoạch phát triển ATTT số quốc gia đến năm 2020.
Chuỗi sự kiện Ngày ATTT năm nay còn bao gồm các hoạt động: Cuộc thi toàn quốc sinh viên với ATTT do VNISA phối hợp với Cục CNTT- Bộ GD&ĐT tổ chức. Cuộc thi có 46 đội của 27 trường và học viện kỹ thuật có khoa CNTT trên cả nước tham dự; Chương trình bình chọn sản phẩm ATTT với 93 sản phẩm thuộc 19 nhóm tham giả; Chương trình điều tra thực trạng ATTT trong các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam; Mở khóa đào tạo nâng cao ATTT ngắn hạn cho cán bộ quản trị website với chủ đề “Các kỹ năng phòng chống tấn công website”.
Tại buổi lễ, đại diện các Bộ, Ngành, chuyên gia của hãng CheckPoint và một số doanh nghiệp khác đã trình bày báo cáo và tham luận về các nội dung: “An toàn về thông tin mạng góp phần đảm bảo an ninh quốc gia”; “Triển khai các văn bản pháp luật ATTT số quốc gia năm 2011 và những năm tiếp theo”; “Bảo mật là một phần của quá trình kinh doanh, sự kết hợp giữa Chính sách – Con người – Sự tuân thủ”; “Tối giản chi phí và tối đa hệ số đầu tư trong môi trường ảo hóa”; “Hacktivity và an ninh thông tin tại Châu Á”… Tiêu biểu là báo cáo “An toàn về thông tin mạng góp phần đảm bảo an ninh quốc gia” của ông Lê Danh Cường – Cục trưởng Cục 42, Tổng cục 5, Bộ Công An.
Theo báo cáo các cuộc tấn công mạng trong năm 2011 cho thấy tội phạm mạng đang tiếp tục nâng cao khả năng triển khai tấn công, bao gồm cả việc “sản phẩm hóa” và bổ sung thêm nhiều tính năng vào các mã độc nhằm tấn công vào những đối tượng cụ thể. Vấn đề an ninh mạng đang trở nên hiện hữu, ảnh hưởng sâu rộng, tác động đến các vấn đề chính trị, kinh tế và an ninh quốc gia. Vì vậy, đảm bảo an ninh mạng đang là vấn đề sống còn của một quốc gia, là nền tảng hỗ trợ xã hội phát triển ổn định. Mỗi cá nhân, tổ chức là một mắt xích quan trọng góp phần đảm bảo an toàn về thông tin số. Đây cũng chính là cơ sở, là nền tảng để góp phần thực hiện tốt các mục tiêu của đề án "Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT&TT". Ông Lê Danh Cường cũng trình bày một số giải pháp để đảm bảo ATTT cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp như: Tăng cường đảm bảo an ninh mạng trong các tổ chức doanh nghiệp, nâng cao ý thức người dùng; Thành lập các cơ quan chuyên trách về an ninh mạng cấp Quốc gia; Hoàn thiện pháp lý để xử lý các vấn đề liên quan đến tội phạm công nghệ cao; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động tội phạm công nghệ cao…
Nhân dịp hội thảo, đại diện VNCERT và VNISA đã trao kỷ niệm chương nhà tài trợ, sản phẩm được bình chọn trong năm cho đại diện các doanh nghiệp.
Bên lề hội thảo cũng diễn ra triển lãm giới thiệu, trình diễn các sản phẩm về ATTT.