|
Vietnam Comm là cơ hội cho các doanh nghiệp trình diễn công nghệ mới. Ảnh: Quỳnh Anh |
Ban Tổ chức Vietnam Comm 2011 cho biết, các phiên hội thảo sẽ là điểm nhấn của sự kiện năm nay. Hội thảo sẽ tập hợp hơn 20 bài phát biểu của các chuyên gia đến từ các tổ chức, chính phủ và các tập đoàn công nghệ hàng đầu nhằm chia sẻ xu hướng mới nhất về phát triển VT - CNTT tại Việt Nam. Đây cũng được coi là nền tảng hấp dẫn, hiệu quả nhất đối với các chuyên gia VT - CNTT để nắm bắt được thông tin thị trường, trao đổi công nghệ mới nhất và chia sẻ kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp.
Hội thảo khai mạc bằng buổi thảo luận với chủ đề “Hiện trạng, tiềm năng và các cơ hội hợp tác của ngành Viễn thông, CNTT Việt Nam. Ứng dụng dịch vụ VT - CNTT vào Chính phủ điện tử, Y tế, Giáo dục và các tiện ích phục vụ cộng đồng”.
Ngày hội thảo thứ hai, phiên sáng sẽ thảo luận chủ đề: “Internet, dịch vụ vệ tinh và dịch vụ trên nền băng thông rộng; Thực trạng thị trường 3G cũng như cơ hội, thách thức đối với mạng 4G tại Việt Nam”; “Điện toán đám mây và ứng dụng CNTT cho các doanh nghiệp; phân tích thị trường và chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển dịch vụ giá trị gia tăng”. Đây là cơ hội quý báu cho người tham dự bắt kịp với xu hướng phát triển công nghệ mới nhất và đi đầu trong sự tăng trưởng nhanh của VT - CNTT và thị trường điện tử tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng sẽ thảo luận đề tài “Đánh giá thị trường 3G tại Việt Nam và Cơ hội, thách thức trong phát triển mạng 4G”.
Ông Denis Brunetti, Phó Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam cho biết, Ericsson cho rằng, giai đoạn này ở Việt Nam là thời điểm cần tập trung 2 lĩnh vực quan trọng nhất: mở rộng, xây dựng hệ thống vùng phủ sóng 3G và đảm bảo chất lượng vận hành mạng. Điều này đảm bảo cung cấp cho người dùng những dịch vụ tiện ích tối ưu nhất, tăng mức độ tối ưu mạng 3G, tăng doanh thu trên từng thuê bao (ARPU), nhằm đảm bảo cho xu thế thế giới tới năm 2016, lưu lượng dữ liệu di động sẽ tăng gấp 25 lần, chủ yếu là do video. Tới năm 2016, sẽ có 5 tỉ thuê bao băng rộng di động. Ericsson nghĩ rằng 4G sẽ dần đi vào hoạt động ở Việt Nam từ năm 2015.
Ông Bùi Quốc Việt - Phó Trưởng ban tổ chức cho biết, ngay sau khi VNPT có giấy phép thử nghiệm đã hợp tác với Công ty Alltech Telecom (Liên bang Nga) để hợp tác thành lập liên doanh RusViet Telecom, khởi động “con đường 4G”. "Năm 2010 chúng tôi đã được cấp phép 4G và là tập đoàn đầu tiên thử nghiệm LTE. Mạng di động MobiFone của chúng tôi cũng đang có kế hoạch nâng cấp mạng 3G lên công nghệ HSPA+ để đáp ứng tốc độ tốt hơn cho các thuê bao 3G. Bên cạnh đó, MobiFone cũng sẵn sàng chuẩn bị cho bước tiến lên 4G với công nghệ LTE. MobiFone sẽ đưa ra chính sách có gói cước 3G hấp dẫn cho khách hàng trẻ và các khách hàng VIP để tiếp tục kích cầu dịch vụ này. Kế hoạch của chúng tôi là thực hiện 4G tại các vùng đô thị, nơi mà có nhiều các tổ chức, công ty cũng như số lượng khách hàng lớn - các đối tượng luôn mong muốn các dịch vụ chất lượng tốt và tốc độ truyền dữ liệu cao. Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ 3G cũng như 3,5G và nó được xem như là quá trình thực hiện từng bước cho 4G. Điều này không chỉ giúp chúng tôi tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng, gia tăng số lượng khách hàng mà còn giúp thu hồi vốn đã đầu tư cho 3G. Với người dùng sẽ giúp chuyển dễ dàng sang công nghệ 4G", ông Bùi Quốc Việt nói.
Theo www.ictnews.vn