Thứ sáu, 17/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 03/11/2011
Chữ ký số “nội” chưa thể “phất”

Toàn thị trường đã có 8 doanh nghiệp (DN) được Bộ TT&TT cấp phép triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số (CKS) công cộng. Tuy nhiên, số lượng CKS được sử dụng trong thực tế vẫn còn rất hạn chế.

1a.jpg
Hiện chưa có nhiều cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ công dưới dạng điện tử dùng CKS công cộng.
Ít người dùng

Hiện vẫn chưa có nhiều cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp dịch vụ công dưới dạng điện tử dùng CKS công cộng, dẫn tới hệ lụy đa số người dân và doanh nghiệp không thực sự cảm thấy cần thiết phải sử dụng CKS. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho số lượng CKS được sử dụng còn khiêm tốn.

Một trong những ‘‘miền đất hứa’’ cho ứng dụng CKS hiện nay là lĩnh vực thuế. Ông Phạm Quang Toàn, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Tổng cục Thuế cho biết Tổng cục Thuế đã phối hợp với 5 nhà cung cấp dịch vụ CKS công cộng (gọi tắt là CA) đang hoạt động trên thị trường Việt Nam (gồm Nacencomm, VNPT, Viettel, FPT, Bkav) để tích hợp CKS vào ứng dụng khai thuế qua mạng. Hiện CKS của VNPT-CA vẫn đang đứng đầu danh sách về số lượng sử dụng (16.044), tiếp đến là BKAV-CA (15.015), FPT-CA (7.753), VIETTEL-CA (5.709), NACENCOMM-CA (5.022). Sắp tới ứng dụng khai thuế qua mạng sẽ tích hợp thêm CKS của Công ty CK. Tổng số 6 CA nêu trên hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng CKS tại thị trường Việt trong tương lai.

Thế nhưng quay lại thực tế, số lượng CKS được sử dụng chưa nhiều. Tính đến ngày 11/10/2011, cả nước mới có gần 38.000 doanh nghiệp sử dụng CKS để khai thuế qua mạng. Con số này quá nhỏ so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên phạm vi cả nước (chỉ riêng nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có khoảng 500.000 doanh nghiệp).

Lý giải việc CKS chưa hiện diện phổ biến trong đời sống, ông Phạm Quang Toàn nêu một loạt nguyên nhân, trong đó nhấn mạnh nhất tới sự chưa hoàn thiện của hành lang pháp lý. Đơn cử các doanh nghiệp vẫn đang lúng túng với quy định ‘‘CKS của DN tương đương với cả con dấu và chữ ký của người đại diện pháp luật của DN. Rất nhiều trường hợp trong hồ sơ khai thuế vẫn dùng cả 2 CKS (chữ ký của DN và chữ ký của người đại diện pháp luật). Mặt khác, để thuận tiện cho việc kiểm soát nội bộ doanh nghiệp, trước đây, trên hồ sơ khai thuế bằng giấy thường có chữ ký của người lập, kế toán và đại diện pháp luật, nay áp dụng hồ sơ điện tử, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về CKS cho những đối tượng này, bởi vậy, doanh nghiệp ‘‘lo xa’’ sắm luôn CKS cho tất cả những đối tượng cần phải ký (như ký hồ sơ giấy), gây tốn kém chi phí.

Theo thời giá thị trường, doanh nghiệp phải chi 500.000 đồng/thiết bị ký CKS cá nhân (CKS doanh nghiệp có mức giá khác), cộng thêm phí duy trì dịch vụ khoảng 1 triệu đồng/năm. CKS này chỉ dùng để thực hiện 1 dịch vụ duy nhất là khai thuế qua mạng, quy ra mỗi tháng mất 100.000 đồng/chứng thư số.

‘‘Đa phần doanh nghiệp chỉ sử dụng CKS 1 tháng/lần cho kê khai thuế, đây là một sự lãng phí lớn. Để phát triển thị trường, Nhà nước cần đưa ra nhiều dịch vụ công sử dụng CKS. Và các quy định triển khai dịch vụ công sử dụng CKS cần sớm được Bộ TT&TT ban hành’’, ông Phùng Huy Tâm, Phó Giám đốc công nghệ thẻ Nacencomm, đề xuất.

CA than khó

Khó khăn lớn nhất của các CA công cộng Việt Nam hiện nay chính là thị trường. Các CA đều cho rằng số lượng CA hiện nay quá đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa. Những CA ‘‘sinh sau’’ hơn một chút đã cảm thấy khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng.

Tại một hội thảo về CKS mới đây do Bộ TT&TT tổ chức, Giám đốc Bkav-CA Ngô Tuấn Anh bức xúc đề xuất cơ quan quản lý cần có biện pháp giúp CA công cộng gỡ bỏ những ‘‘rào cản mềm’’. Dẫn chứng minh họa cụ thể được ông Tuấn Anh nêu ra là trường hợp Bkav-CA đã tiếp cận được một doanh nghiệp chứng khoán và sẵn sàng cung cấp CKS cho doanh nghiệp này dùng để khai thuế qua mạng. Thế nhưng giao dịch điện tử trong ngành Chứng khoán chỉ công nhận CKS của CA đã ký hợp tác với ngành (cụ thể là VNPT-CA - PV). Rốt cuộc, doanh nghiệp chứng khoán nọ đành ‘‘nói không’’ với CKS của Bkav-CA.

Nhìn nhận một cách công bằng thì trong bối cảnh hiện tại, vẫn chưa có tiêu chuẩn đánh giá các CA để doanh nghiệp và người sử dụng CKS có thể tham khảo, so sánh, cân nhắc. Người sử dụng vẫn đang ‘‘tù mù’’ lựa chọn nhà cung cấp CKS, và đương nhiên những tên tuổi lớn sẽ được ưu tiên hơn bất kể năng lực cung cấp có thực sự nổi trội hơn hay không.

Có thể thấy đang ngấm ngầm diễn ra một cuộc ‘‘tranh giành’’ thị phần giữa các CA nội. Cuộc chiến đang có dấu hiệu ngày càng ‘‘căng thẳng’’ khi nhiều đơn vị thuộc các ngành Tài chính, Ngân hàng đang manh nha xin phép Bộ TT&TT cho phép tự xây dựng CA. Có ý kiến cho rằng quy hoạch CA cần sớm được Bộ TT&TT công bố để ‘‘trấn an’’ dư luận.

Chưa gỡ được khó khăn nêu trên, khó càng thêm khó đối với các CA khi thời hạn cấp phép cho 1 CA công cộng chỉ được 5 năm. Theo ông Phùng Huy Tâm, thời hạn này quá ngắn. Bởi các gói sản phẩm chữ ký số cung cấp cho khách hàng đa phần 5 năm cộng với khuyến mại 3 - 6 tháng. Nghĩa là chỉ sau 1,5 năm hoạt động, các CA sẽ khó có thể cung cấp gói sản phẩm đầy đủ cho khách hàng. Để gỡ vướng cho CA, ông Tâm đề xuất Bộ TT&TT gia hạn cho CA 10 năm.

 

1a.jpg

Ông Nguyễn Trần Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan

Theo quy định thì các doanh nghiệp có thể dùng 1 CKS cho việc kê khai thuế và kê khai hải quan. Song thực tế phần nhiều DN vẫn sử dụng 2 CKS bởi 2 mảng việc khai thuế và khai hải quan lại do 2 bộ phận khác nhau đảm trách, không ai dám cho mượn CKS bởi sợ phải gánh trách nhiệm nếu có sai sót, rủi ro. Đây là quy trình quản lý nội bộ của doanh nghiệp nên cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp.

1a.jpg

Ông Lê Việt Cường, Phó Giám đốc FPT-CA

 “Việc áp dụng CKS công cộng trong lĩnh vực ngân hàng là thu nhập chủ đạo của CA công cộng tại Việt Nam nhưng thực tế áp dụng chưa được như mong đợi. Dự kiến CKS công cộng cho lĩnh vực ngân hàng sẽ phát triển mạnh vào nửa đầu năm sau. Riêng FPT đã nhận được khá nhiều yêu cầu của Sacombank, Techcombank, VIB”.

Theo www.ictnews.vn 

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0