Thứ hai, 13/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 28/10/2011
Hệ lụy bùng nổ các trường đại học- Bài 1: Thừa trường, thiếu học sinh

Vài năm trở lại đây, việc mở trường đại học, mở ngành ồ ạt, tăng chỉ tiêu tuyển sinh… đã khiến chất lượng đại học xuống dốc. Điều này thể hiện rõ trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) 2011: Nhiều trường ĐH công lập “top giữa”, ĐH vùng, ĐH địa phương, ĐH ngoài công lập có những ngành liên tục vài năm không tuyển được thí sinh nên buộc phải “đóng cửa”.

“Hụt hơi” chạy theo thí sinh

Năm nay, ĐH Đà Nẵng thông báo phải đóng cửa bốn ngành học của trường ĐH thành viên là ĐH Sư phạm vì không đủ thí sinh trúng tuyển. ĐH Sư phạm xét tuyển gần 200 chỉ tiêu nguyện vọng 3 (NV3) vào 4 ngành thì ngành: Sư phạm giáo dục Chính trị 41 chỉ tiêu NV3 nhưng chỉ có 3 hồ sơ xét tuyển, Văn hóa học chỉ có 1 hồ sơ/42 chỉ tiêu NV3. Còn hai ngành Kinh tế chính trị và Thống kê tin học thì không có thí sinh nào trúng tuyển.

Để thu hút thí sinh, nhiều trường đại học tổ chức giới thiệu quảng bá cho thương hiệu của mình. Ảnh: Lê Phú

Phải tuyển đến NV3 nhưng chung cảnh không có thí sinh nộp hồ sơ, ĐH Đồng Tháp cũng phải đóng cửa bốn ngành học bao gồm: Sư phạm kỹ thuật công nghiệp, Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, Khoa học thư viện và Công nghệ thiết bị trường học.

ĐH Đà Lạt cũng phải tạm ngưng tuyển sinh một số ngành: Công nghệ sau thu hoạch (khối A/B), Văn hóa học (khối C/D1), Việt Nam học (khối C/D1), Công tác xã hội (khối D1), Đông Phương học (khối D1).

ĐH An Giang cho biết sẽ phải đóng cửa một số ngành như: Sư phạm hóa, Sư phạm địa lý, Sư phạm lịch sử. Chia sẻ về điều này, ông Hoàng Xuân Quảng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH An Giang nhận định: Mấy năm gần đây chúng tôi nhận thấy sức hút của các ngành xã hội và sư phạm giảm mạnh, nhưng năm nay thể hiện rõ qua việc không tuyển được thí sinh. Điều này đáng lo ngại vì nếu cứ tiếp diễn thì ngành giáo dục sẽ thiếu giáo viên trầm trọng, nhất là trong bối cảnh ngành cần những giáo viên giỏi để thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. “Nhu cầu xã hội vẫn rất cần trong khi các trường lại không tuyển được thí sinh. Điều này sẽ gây lãng phí và nếu kéo dài thì giáo viên phải nghỉ việc” – ông Quảng cho hay.

Còn ông Đào Hữu Hòa, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho biết, trường đã tuyển đủ chỉ tiêu được giao (2.100 chỉ tiêu) nhưng vẫn có tình trạng đóng cửa ngành Kinh tế Chính trị và Thống kê Tin học bởi số thí sinh đăng ký vào học hai ngành này rất ít. Thấy được tình trạng này trong vài năm trở lại đây, trường buộc phải tạm ngưng đào tạo.

Nhiều trường cho biết, xét tuyển đến NV3, nhưng kết quả không khả quan. Nhiều ngành chỉ nhận được duy nhất một hồ sơ hoặc không có hồ sơ nào cả. Có những trường sau khi xét tuyển xong NV2, đã khước từ việc xét tuyển NV3 và tạm ngưng đào tạo vì lo ngại chất lượng nguồn tuyển NV3 không đạt. Điều đáng nói, năm nay, hầu hết các trường ngoài công lập đều thông báo xét tuyển NV3 với hàng nghìn chỉ tiêu nhưng cũng phải “cạnh tranh” với một lượng lớn các trường công lập tham gia xét tuyển NV3. Theo nhận định của GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH dân lập Hải Phòng thì đây là “cuộc đua không cân sức”.

Sau khi kết thúc xét tuyển NV3, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đang dự thảo kiến nghị gửi Bộ GD – ĐT xem xét kéo dài thời gian tuyển sinh đến hết tháng 12. Thông tin này được GS. TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội đưa ra chỉ sau 1 tuần kết thúc việc xét tuyển NV3 (cơ hội cuối cùng của thí sinh trong mùa tuyển sinh 2011). Lý giải về điều này, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng, năm nay nhiều trường công lập lấy điểm chuẩn NV1 bằng với điểm sàn của Bộ nên hầu hết các trường ngoài công lập gặp khó khăn trong tuyển sinh.

Không ngừng tăng quy mô đại học

Theo báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ năm 1998 đến năm 2009 có 312 trường ĐH, CĐ thành lập, trung bình cứ 2 tuần lại có 1 trường ĐH, CĐ ra đời. Tính đến tháng 9/2009, cả nước có 440 trường ĐH, CĐ… Điều bất hợp lý là trong khi quy mô đào tạo ở các bậc học và hệ đào tạo tăng lên thì những điều kiện cơ bản để các trường vận hành tốt như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, giáo trình cơ bản… lại chưa được nâng cấp, hoặc còn ít được quan tâm.

Bên cạnh đó, rất nhiều trường CĐ lại đua nhau nâng cấp thành ĐH. Các trường CĐ sư phạm trực thuộc địa phương đến nay hầu hết đã được nâng lên thành ĐH. Còn những trường CĐ trực thuộc các Bộ khác cũng không “kém cạnh”, phải có bằng được mác “ĐH”. Phải kể đến các trường như: ĐH Hóa chất, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh, ĐH Nguyễn Tất Thành (Bộ Công Thương), ĐH Tài chính Kế toán (Bộ Tài chính); ĐH Công nghệ Giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải)...

Việc mở rộng quy mô các trường ĐH tương ứng với việc mở rộng ngành đào tạo, tăng chỉ tiêu. Năm 2009 cả nước có hơn 4.300 ngành học, năm 2010 là hơn 4.500 ngành học. Đầu năm 2011, Bộ GD – ĐT thông báo về chỉ tiêu mới của ĐH, CĐ chính quy tăng 6,5%, TCCN tăng 10%.

Trước dư luận về chất lượng tuyển sinh của các trường, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện nay các đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT đang đi kiểm tra các trường theo tinh thần Nghị quyết 50 của Quốc hội khóa XII về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học. Bộ GD - ĐT sẽ kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường. Qua đó sẽ có những biện pháp nhất định cứng rắn đối với các trường không đảm bảo được điều kiện cam kết khi làm hồ sơ thành lập trường. Nếu các trường được thành lập từ lâu nhưng cơ sở vật chất nhiều năm vẫn còn phải thuê mướn hoặc giáo viên khi kê khai thì đầy đủ giờ chỉ còn vài người… thì Bộ GD-ĐT sẽ đề xuất biện pháp xử lý. Ví dụ như có thể ngừng tuyển sinh một số ngành hoặc giảm bớt chỉ tiêu tuyển sinh để đảm bảo cơ sở vật chất…

Theo www.baotintuc.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0