Đây là nội dung Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử và chữ ký số trong hoạt động của cơ quan nhà nước đang được Bộ TT&TT soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Chỉ thị đã được xây dựng bản dự thảo lần thứ 3 và được họp lấy ý kiến ngày 27/10/2011. Trước đó, ngày 12/7/2011, Văn phòng Chính phủ đã đề xuất ban hành chỉ thị này trong văn bản số 4729/VPCP-TTTH. Ngày 5/8/2011, Bộ TT&TT được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng dự thảo Chỉ thị. Ngày 28/9/2011, Bộ đã hoàn thành dự thảo lần 1 và xin ý kiến các cơ quan.
Nội dung chính của chỉ thị gồm 5 phần. Phần Mở đầu phân tích những tồn tại của ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành công việc và trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước. Phần 2 xác định trách nhiệm các cơ quan trong việc sử dụng văn bản điện tử và chữ ký số bao gồm các nhiệm vụ tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, bảo đảm các điều kiện sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước, thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá, báo cáo tình hình sử dụng văn bản điện tử của cơ quan nhà nước các cấp. Phần 3 xác định trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan nhà nước các cấp. Phần 4 xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước các cấp. Phần 5 xác định trách nhiệm của một số Bộ có chức năng đặc thù trong việc thực hiện chỉ thị.
Theo nội dung dự thảo Chỉ thị, trong năm 2012, các loại văn bản bắt buộc phải gửi hoàn toàn qua mạng, không sử dụng văn bản giấy còn bao gồm: văn bản để biết, để báo cáo, văn bản dự thảo xin ý kiến, văn bản sao y, tài liệu cần trao đổi trong quá tình xử lý công việc, thông báo chung của cơ quan. Chỉ thị còn bắt buộc tăng cường trao đổi hoàn toàn qua mạng các loại văn bản, tài liệu khác giữa các cơ quan nhà nước ở tất cả các cấp; khi gửi hoặc phát hành văn bản giấy (trừ văn bản, tài liệu mật) các cơ quan phải gửi kèm theo bản điện tử qua mạng. Các loại tài liệu, văn bản hành chính đã được ký bằng chữ ký số và gửi qua mạng thì không phải gửi thêm văn bản giấy; văn bản quy phạm pháp luật phải đưa lên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của đơn vị để phục vụ việc nghiên cứu, tham khảo; không sao chụp ra bản giấy để gửi đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc hoặc cá nhân; triển khai việc số hóa các văn bản, tài liệu lưu trữ để phục vụ việc tra cứu, tìm kiếm và xử lý thông tin của cán bộ, công chức, viên chức qua môi trường mạng, công khai địa chỉ thư điện tử hoặc hệ thống thông tin dùng để gửi nhận văn bản điện tử của cơ quan để phục vụ việc gửi, nhận văn bản điện tử.
Được biết, trong thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực từng bước ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành công việc và trao đổi văn bản giữa các cơ quan nhà nước. Khoảng 90% cán bộ công chức các bộ, cơ quan ngang bộ đã được trang bị máy tính; tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên 60% . Tỷ lệ máy tính được kết nối với mạng Internet là 90%. 95% các bộ, cơ quan ngang bộ sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng, ở ủy ban nhân dân tỉnh là 98%, ủy ban nhân dân cấp huyện là 54%. Hệ thống thư điện tử cũng phát triển nhanh. Trên 80% cán bộ công chức được cấp hộp thư điện tử.
Trong quá trình hoàn thiện dự thảo, cho đến nay, Bộ TT&TT đã nhận được ý kiến đóng góp của 15 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo www.mic.gov.vn