|
Ngành TT&TT mới chỉ chiếm 2% tổng vốn FDI vào Việt Nam (Ảnh minh họa). Nguồn: Internet. |
Đầu tư cho ngành TT&TT mới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (2%) trong tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam, thấp hơn rất nhiều so với ngành công nghiệp chế biến - chế tạo (49%), kinh doanh bất động sản (23%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (6%), xây dựng (6%)…
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư về tình hình FDI đến tháng 9/2011, TT&TT đứng thứ 3 trong số 10 chuyên ngành chính về tổng số dự án FDI nhưng lại chỉ đứng thứ 6 về tổng vốn đầu tư đăng ký.
Cụ thể, TT&TT có 679 dự án FDI, chỉ đứng sau chuyên ngành công nghiệp chế biến – chế tạo (7.849 dự án) và xây dựng (778 dự án), nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký lại tụt xuống vị trí thứ 6, chỉ đạt hơn 4,8 tỷ USD, sau các ngành công nghiệp chế biến – chế tạo (hơn 100 tỷ USD), kinh doanh bất động sản (hơn 46 tỷ USD), xây dựng (gần 12 tỷ USD), dịch vụ lưu trú và ăn uống (hơn 11,8 tỷ USD), sản xuất/phân phối điện, khí, nước, điều hòa (gần 7,4 tỷ USD).
Ông Nguyễn Bá Cường, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1617 về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý FDI. Theo đó, trong giai đoạn 2011 – 2020, CNTT sẽ là một trong những lĩnh vực được ưu tiên thu hút FDI, cùng với một số lĩnh vực khác như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp – dịch vụ có lợi thế và hàm lượng tri thức cao. Chính phủ sẽ ưu tiên phát triển các dự án có sản phẩm lợi thế cạnh tranh hoặc có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt, sẽ không cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Tính từ trước đến nay (tháng 9/2011), cả nước đã có 13.243 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 202,2 tỷ USD. Riêng 9 tháng năm 2011, vốn đăng ký và cấp mới đạt 9,9 tỷ USD. Những con số này cho thấy môi trường đầu tư tại Việt Nam vẫn tương đối hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo www.ictnews.vn