Thứ năm, 28/11/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 20/10/2011
“Trắng” hỗ trợ, cán bộ CNTT “bỏ chạy”

Các cơ quan Nhà nước (CQNN) đang phải “nuốt nước mắt” nhìn “chất xám” CNTT “chảy đi”. Chung quy cũng chỉ vì không đáp ứng được nhu cầu thu nhập.

1a.jpg
Hiện nhân lực CNTT đang đổ về các doanh nghiệp lớn vì có thu nhập cao hơn các địa phương. Ảnh: VT
Thiếu đãi ngộ, khó “giữ chân” cán bộ CNTT

Đề xuất xây dựng chính sách ưu đãi cho cán bộ CNTT đã được khởi xướng từ cách đây gần chục năm nhưng mới chỉ chú trọng tới cán bộ CNTT làm việc trong các doanh nghiệp phần mềm. Cụ thể, Nghị quyết 07 về phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000 – 2005 ban hành ngày 5/6/2000 đã quy định những người lao động chuyên nghiệp trực tiếp tham gia phát triển phần mềm sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, đối với các cán bộ CNTT trong khối CQNN thì vẫn chưa có cơ chế chính sách đãi ngộ thích đáng.

Trong Nghị định 64CP ban hành năm 2007, tại Điều 23 chỉ quy định: “Cán bộ chuyên trách về CNTT trong các CQNN được hưởng chế độ ưu đãi về điều kiện làm việc, gồm: Ưu đãi về sử dụng cơ sở hạ tầng thông tin và trang thiết bị; ưu đãi về đào tạo, nâng cao trình độ CNTT;… Khuyến khích các CQNN ban hành quy định ưu đãi về thu nhập cho nhân lực CNTT trong cơ quan mình”.

Chính vì chỉ dừng ở mức “khuyến khích” nên trên thực tế chưa có nhiều CQNN hiện thực hoá việc ban hành chính sách đãi ngộ cho cán bộ CNTT.

Khảo sát mới đây của Bộ TT&TT cho thấy, 100% các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chưa xây dựng văn bản, chính sách quy định chế độ ưu đãi cho nhân lực CNTT. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì chỉ có 20% tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách ưu đãi.

Nguyên nhân chưa ban hành chính sách được lý giải là do chưa có văn bản hướng dẫn từ Trung ương; hoặc chưa tuyển dụng được cán bộ chuyên trách CNTT (những cán bộ làm CNTT vẫn ở vai trò kiêm nhiệm).

“Trắng” chính sách đãi ngộ dẫn đến hệ quả các CQNN khó thu hút được nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu về trình độ cũng như nhiệt tâm. Ở cấp trung ương thì rất nhiều cán bộ CNTT “chạy” ra làm cho các doanh nghiệp, ngân hàng, còn ở địa phương thì cán bộ CNTT “đủ lông đủ cánh” sẽ tìm cách “bay” ra với trung ương.

Hệ quả kế tiếp là sự bất ổn định trong bộ máy nhân sự triển khai các hệ thống ứng dụng CNTT. Khi những cán bộ CNTT nắm vững về hệ thống “bỏ đi”, những người “thế chỗ” lại phải mất một thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu. Đây cũng là một trong những bất cập ảnh hưởng tới tiến độ và hiệu quả triển khai ứng dụng CNTT trong các CQNN thời gian qua.

“Có thực mới vực được đạo”

Trong số những địa phương đã ban hành chính sách đãi ngộ cho cán bộ CNTT, Lào Cai được đánh giá là một điển hình thành công.

Trao đổi với phóng viên Bưu điện Việt Nam, ông Tăng Văn Hạnh, Trưởng phòng CNTT, Sở TT&TT Lào Cai, cho biết trước kia Lào Cai cũng phải đối mặt với nạn “chảy máu chất xám” CNTT. Ngay cả tại cơ quan Sở TT&TT cũng có nhiều người “bỏ đi”, thậm chí có cả thạc sĩ CNTT. Để “giữ chân” nhân lực chất lượng cao, Sở TT&TT đã tham mưu lãnh đạo tỉnh ban hành quyết định áp dụng chính sách phụ cấp cho cán bộ CNTT từ năm 2009 theo 3 mức: cán bộ CNTT trình độ cao đẳng được nhận phụ cấp bằng 1,5 lần lương cơ bản, kỹ sư được 2 lần lương cơ bản, và thạc sĩ được 3 lần. Những cán bộ CNTT được hưởng phụ cấp đều có quyết định của lãnh đạo cơ quan phân công nhiệm vụ cụ thể liên quan tới CNTT như quản trị hệ thống, an ninh mạng…

“Hiện toàn tỉnh Lào Cai đang có 76 cán bộ CNTT được thụ hưởng chính sách ưu đãi này (trung bình mỗi huyện có 2 – 3 cán bộ làm việc tại huyện uỷ, uỷ ban nhân dân, phòng văn hoá thông tin). Phụ cấp được chi trả cùng với lương. Nguồn ngân sách để chi phụ cấp cho cán bộ CNTT được lấy từ ngân sách hàng năm của tỉnh”, ông Hạnh cho biết thêm.

Cũng theo ông Hạnh, chế độ đãi ngộ cho những người làm CNTT sẽ là điều kiện cần thiết đem lại thành công cho việc triển khai các ứng dụng CNTT tại các CQNN.

“Sở TT&TT không thể có đội quân hùng hậu vươn tay được tới từng cơ quan, đơn vị Nhà nước trong tỉnh. Khi triển khai các ứng dụng CNTT, Sở thường chỉ tập huấn cho một vài cán bộ CNTT đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị. Sự thành bại của các ứng dụng phần lớn phụ thuộc vào lực lượng cán bộ CNTT tại chỗ của các đơn vị, cơ quan đó”, ông Hạnh nói.

Một điểm đáng lưu ý, khi lãnh đạo tỉnh quyết định cho cán bộ CNTT được hưởng phụ cấp, nhiều sở ngành khác cũng ghen tỵ, cũng kêu thiếu người và muốn được hưởng phụ cấp tương tự. Tuy nhiên, cuối cùng, lãnh đạo tỉnh Lào Cai vẫn quyết định dành ưu đãi hơn cho cán bộ CNTT bởi ngành CNTT có đặc thù dễ “chảy máu chất xám” nhiều hơn các ngành khác. Đơn cử, sinh viên FPT ra trường làm cho doanh nghiệp phần mềm ít nhất cũng được nhận 3 triệu đồng/tháng, trong khi làm việc cho CQNN với hệ số 2,34 cũng chỉ được khoảng 1,9 triệu đồng. Với mức chênh lệch thu nhập quá lớn như vậy, không có gì khó hiểu khi nhân lực CNTT “bỏ qua” các cơ hội “cống hiến” cho CQNN.

Để thu hút được nguồn nhân lực CNTT cho các CQNN, Bộ TT&TT đang đề xuất Thủ tướng ban hành một quyết định về chính sách đãi ngộ cho cán bộ làm CNTT tại các cơ quan Nhà nước (Bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội). Kinh phí sẽ lấy từ nguồn tự chủ của các cơ quan, đơn vị được ngân sách Nhà nước giao hàng năm. Mức phụ cấp hỗ trợ sẽ được căn cứ theo lương tối thiểu.

Nếu đề xuất của Bộ TT&TT được hiện thực hoá, cán bộ CNTT trong các CQNN sẽ có thể yên tâm hơn về việc “mưu sinh”, toàn tâm toàn ý hơn cho sự nghiệp phát triển ứng dụng CNTT của cơ quan mình. Qua đó sẽ đẩy nhanh tiến trình Tin học hoá trong các CQNN.  

1a.jpg

Ông Phùng Bảo Thạch, Giám đốc Trung tâm Tin học Bộ Khoa học Công nghệ

Khi xây dựng và áp dụng chính sách phụ cấp cho cán bộ CNTT, không nên phân biệt cán bộ chuyên trách CNTT với cán bộ làm CNTT không chuyên trách. Những người là cán bộ làm CNTT không chuyên trách thì càng phải khuyến khích vì chính họ là nhân tố quan trọng nhất giúp các đơn vị chuyên trách CNTT phát triển ứng dụng CNTT cho các đơn vị phi CNTT.

1a.jpg

Ông Đặng Kim Giao, Giám đốc Trung tâm Thông tin Bộ Xây dựng

Nên để lãnh đạo các đơn vị chuyên trách CNTT chịu trách nhiệm phê duyệt danh sách cán bộ CNTT được hưởng ưu đãi. Vấn đề nan giải nhất là không biết sẽ lấy nguồn kinh phí ở đâu để chi phụ cấp cho cán bộ CNTT. Hiện Chính phủ đang bàn thảo việc nâng lương cơ bản cho cán bộ công chức nhưng cũng đang bí về vấn đề nguồn kinh phí.

Theo www.ictnews.vn 

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0