Tham dự buổi tọa đàm về phía Bộ TT&TT có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng; đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ. Về phía Tập đoàn Fujitsu gồm có: ông Hiroaki Yoshida, Giám đốc khối giải pháp chính phủ; ông Matsuura Taro – Tổng giám đốc Fujitsu Việt Nam; ông Masahiko Yamada, Chủ tịch Bộ phận máy tính công nghệ tiên tiến cùng các đối tác của Tập đoàn Fujitsu tham dự buổi tọa đàm.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết, ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phát triển Chính phủ điện tử là định hướng và mục tiêu quan trọng của Chính phủ Việt Nam nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chính phủ, cung cấp đầy đủ thông tin, dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Để thực hiện các mục tiêu này, trong năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 và Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT. Thứ trưởng cũng cho biết Fujitsu là một trong ba tập đoàn hàng đầu thế giới và thời gian qua Fujitsu đã thực hiện nhiều chương trình về Chính phủ điện tử. Thông qua buổi tọa đàm này, Thứ trưởng mong muốn hai bên sẽ có những trao đổi, chia sẻ để hiểu biết lẫn nhau tốt hơn, từ đó tìm ra những điểm đột phá có thể hợp tác để thúc đẩy công tác ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, cũng như trong lĩnh vực phát triển dịch vụ CNTT.
Tổng giám đốc Fujitsu tại Việt Nam ông Matsuura Taro cho biết trước đây Fujitsu đã có nhiều kinh nghiệm về xây dựng chính phủ điện tử, khách hàng của Fujitsu hầu hết là những cơ quan chính phủ, các Bộ, Ngành của Nhật Bản. Ông Matsuura Taro bày tỏ mong muốn được chia sẻ, hợp tác với Bộ TT&TT về những kinh nghiệm thực tế đó. Thông qua buổi tọa đàm này, Tập đoàn Fujitsu muốn biết những vấn đề liên quan đến Chính phủ điện tử mà Bộ TT&TT quan tâm nhất để có sự hợp tác thuận lợi và đồng nhất.
Đại diện Cục ứng dụng CNTT đã có báo cáo về kế hoạch triển khai chương trình chính phủ điện tử ở Việt Nam. Theo đó, việc triển khai CPĐT ở Việt Nam trong thời gian qua đã đạt một số thành công. Năm 2010 đã cung cấp gần 100% dịch vụ công trên mạng mức 2 cho người dân, doanh nghiệp. Cũng trong năm 2010, theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam xếp hạng 90/183 về chỉ số sẵn sàng về Chính Phủ điện tử. Tầm nhìn của Chính Phủ Việt Nam hướng tới Chính phủ kết nối làm việc không giấy tờ và người dân có thể tham gia các hoạt động của Chính phủ. Lộ trình phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam từ 1994 qua 4 giai đoạn: IT 2000 giai đoạn 1996 - 1998 (cung cấp trang thiết bị máy tính), Đề án 112 giai đoạn 2001 - 2006 (ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước), Chương trình Ứng dụng CNTT trong CQNN, 2011 - 2015 Kế hoạch Tổng thể phát triển CPĐT. Kế hoạch Ứng dụng CNTT trong các CQNN hướng tới Chính phủ điện tử 2011 – 2015 cũng đã được Thủ tướng phê duyệt trong Quyết định 1605 ngày 27/8/2010. Mục tiêu đến 2015 xây dựng hoàn thiện hạ tầng tạo nền tảng CPĐT, ứng dụng rộng rãi CNTT; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức cao để hoạt động của CQNN minh bạch hơn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Đối tượng tác động là các CQNN, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị xã hội, các CQNN địa phương; triển khai sâu rộng tới các xã phường trên cả nước.
Chương trình tập trung 3 nội dung chính: Phát triển hạ tầng; Phát triển ứng dụng để nâng cao hiệu quả hoạt động của các CQNN; Phát triển ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Một số dự án quan trọng như: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật; Xây dựng hệ thống thông tin; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia. Trong kế hoạch 2011 - 2015 các giải pháp như: Quản lý điều hành (tăng cường vai trò của Ban Điều hành; nâng cao trách nhiệm của các lãnh đạo trong CQNN; quy trách nhiệm về hiệu quả ứng dụng CNTT cho người đứng đầu CQNN như Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố); Đảm bảo ứng dụng CNTT đồng bộ (đưa ra hướng dẫn quy mô quốc gia cho các địa phương triển khai đồng bộ; xác định các mô hình điển hình để nhân rộng toàn quốc); Tăng cường công tác giám sát; Nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực (tập trung 2 nhóm đối tượng cán bộ CQNN; người dân và DN sử dụng máy tính, Internet hiệu quả để sử dụng các dịch vụ công); Hoàn thiện môi trường pháp lý (xây dựng cơ sở pháp lý để thúc đẩy ứng dụng CNTT hiệu quả, ví dụ quy định về an toàn thông tin, sử dụng thư điện tử, trao đổi văn bản...); Học tập kinh nghiệm quốc tế…
Ông Hiroaki Yoshida, Giám đốc khối giải pháp chính phủ cũng đã chia sẻ những chiến lược của Nhật Bản về xây dựng hệ thống Chính phủ điện tử. Trong đó, chiến lược mới nhất của IT Nhật Bản có mục tiêu để người dân Nhật Bản đều được Chính phủ điện tử phục vụ, lấy người dân làm chủ thể chính. Xây dựng chính phủ mở, một cửa hoạt động 24/24h trong suốt 365 ngày/năm là điều Chính phủ Nhật Bản muốn hướng đến. Phổ cập để có thể sử dụng ở bất cứ đâu, kể cả các cửa hàng trong các khu phố, hoặc các cửa hàng tiện ích. Người dân có thể làm chủ các thông tin của mình, mọi thông tin của Chính phủ được công khai trên Internet (các thủ tục hành chính được tin học hóa và được thể hiện rõ ràng).
Ông Hiroaki Yoshida cũng chia sẻ những kinh nghiệm giải pháp về CPĐT mà Fujitsu đã làm được như: Hệ thống EDINET của Tổng cục Tài chính (Bộ Tài chính Nhật Bản). Thực hiện điện tử hóa các báo cáo chứng khoán; thực hiện nộp - nhận đơn và thẩm tra công khai các báo cáo tài chính. Sử dụng ngôn ngữ XBRL chuyên sử dụng trong ngành kế toán, thống nhất các tiêu chuẩn kế toán trên toàn thế giới. Ngân hàng TW Nhật Bản và các sở giao dịch chứng khoán Tokyo đều sử dụng hệ thống và ngôn ngữ này của Fujitsu. Fujitsu đang cố gắng để ngôn ngữ này ngày càng phổ biến trên toàn thế giới; Xây dựng hệ thống xây dựng bảng dự toán ngân sách của Nhà nước hàng năm, đây là hệ thống mà các Bộ, ngành có thể viết được bảng dự toán, quyết toán hàng năm, phân tích được nội dung bảng dự toán, quyết toán của mình (Các ban ngành của Nhật Bản trước đây có hệ thống riêng)
Ngoài việc thống nhất các Bộ ngành, Fujitsu còn giúp Bộ Tư pháp xây dựng hệ thống đăng ký bất động sản; Bộ Lao động - hệ thống đăng ký việc làm; các đoàn thể - xây dựng các hệ thống quản lý riêng. Hiện tại, Fujitsu cũng đã phát triển vận hành rất nhiều hệ thống của các cơ quan Chính phủ Nhật Bản. Đồng thời cố gắng xây dựng hệ thống xã hội do con người làm chủ.
Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng đã có nhiều trao đổi, thảo luận để chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp để xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam.