Nhà báo Nguyễn Tiến Linh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ phóng viên CNTT viễn thông TP.HCM cho biết: Chủ đề của buổi tọa đàm rất rộng và là một trong những nội dung quan trọng nằm trong đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/09/2010. Buổi tọa đàm này tập trung trao đổi về những vấn đề nổi bật của các doanh nghiệp ứng dụng CNTT, các nhà tư vấn, các nhà cung cấp giải pháp CNTT, để từ đó có thể mở ra những đề tài cho việc thông tin tuyên truyền góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án theo như chỉ đạo, định hướng của Bộ TT&TT đối với báo giới.
Mở đầu buổi tọa đàm, ông Lê Văn Lợi – Viện trưởng Viện Tin học doanh nghiệp cho biết, trong năm 2010 có tới 44% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam chưa sử dụng email và chỉ hơn 2/3 doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng phần mềm kế toán… Điều đó cho thấy nhiều DN vừa và nhỏ chưa thấy được tiện ích mang lại hiệu quả kinh tế của các giải pháp ứng dụng CNTT. Theo ông Lợi, đa phần doanh nghiệp sợ phải bỏ ra chi phí khi chưa biết rõ được hiệu quả. Ông Lợi cũng cho biết, các ngành ngân hàng, viễn thông, thuế, hải quan… cũng như một số tỉnh, thành phố đã mạnh dạn ứng dụng CNTT và họ đã thu lại kết quả khá lớn, giảm thiểu phiền hà đối với người dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Ông Nguyễn Thu Phong - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Trẻ TP.HCM cho biết, khoảng 5 năm vừa qua tại các doanh nghiệp thuộc Hội, số lượt người dùng email xử lý công việc trong ngày tăng hàng chục lần, năng suất lao động tăng từ 3 đến 5 lần, giảm thiểu lao động dôi dư đáng kể. Tuy nhiên, khi người quản trị hệ thống đề xuất đầu tư một khoản nào đó cho việc ứng dụng CNTT thì người quản lý điều hành doanh nghiệp phải có khả năng hiểu biết nhất định với những đề xuất đó thì mới dám đầu tư. Theo nhìn nhận của ông Phong, đa phần các doanh nghiệp nhỏ ứng dụng CNTT thành thạo hơn so với một số doanh nghiệp lớn.
Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội tin học TP.HCM - nhà tư vấn độc lập về giải pháp doanh nghiệp khẳng định, muốn doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh có hiệu quả thì không có con đường nào khác là đầu tư cho ứng dụng CNTT, và phải được coi đó là công cụ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp mình. Bởi vì khi hoá quy trình quản lý nội bộ được hợp lý có thể giúp tiết kiệm từ 42% đến 76% chi phí quản lý. Theo ông, còn không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng CNTT quá phức tạp và quan trọng hóa việc ứng dụng CNTT; có khi họ còn cho rằng đó là một khoản tiêu tốn không kiểm soát được! Một điều bất cập nữa, hiện nay các doanh nghiệp tiếp cận quá nhiều thông tin đa chiều về ứng dụng CNTT dẫn đến không xác định rõ cho đơn vị mình phải đầu tư trang thiết bị gì, phần mềm nào, cách thức quản trị… ông Tuấn cho rằng, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể ứng dụng CNTT trong điều hành, sản xuất kinh doanh, giao dịch thương mại... nhưng khi triển khai ứng dụng cần làm theo kế hoạch, lộ trình, phải tập trung không nên dàn trải. Phải dựa trên trên một thiết kế tổng thể, có tính đồng bộ và tích hợp hệ thống hợp lý; khai thác tối đa tiện ích của mạng băng thông rộng, Internet trong giao dịch, thương mại.
Theo Ông Phạm Thiện Nghệ - Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, nhà sản xuất khi cung cấp thiết bị tới vùng sâu, vùng xa, cho nông dân, nông thôn phải thể hiện rõ sự tiện ích, dễ sử dụng bởi trình độ dân trí ở khu vực này còn rất hạn chế.
Đại diện Intel Việt Nam, ông Phạm An Dương - Giám đốc Marketing Intel Việt Nam đã giới thiệu tóm tắt chương trình “Máy tính cho cuộc sống” với những gói dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với tên gọi “Doanh nghiệp thông minh” sẽ được triển khai trong quý 3/2011. Được biết, chương trình được thực hiện với sự kết hợp giữa Intel, VCCI và các đối tác khác như: Misa, AOC, VNPT, VDC, IBM, Western Digital, Lạc Việt, PC Tools, HP, Acer, D-Link, Jetek, Strontium.
Tại buổi tọa đàm, các phóng viên các báo: Báo Sài gòn Tiếp thị, PC World; Doanh nhân Sài Gòn; Tuổi trẻ; Sài Gòn Giải phóng… đã trao đổi thẳng thắn về hiệu quả của ứng dụng CNTT trong thời “bão gía”, việc đầu tư cho CNTT lúc kinh tế đang lạm phát; các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương cần có những giải pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn để thực hiện đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” đạt được mục tiêu.
Theo www.mic.gov.vn