Kính thưa GS. Nguyễn Văn Hiệu, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, cũng là dịp tựu trường của năm học mới, xin Giáo sư cho biết cảm nghĩ của mình về những ngày này?
Xem truyền hình, thấy cảnh các buổi lễ khai trường thật vui vẻ, học sinh mặc đồng phục đẹp, xếp hàng trên sân các ngôi trường khang trang, hồi tưởng lại thời thơ ấu gian khổ, chưa từng dám mơ ước có được một buổi lễ khai trường như thế, tôi cảm thấy rất thấm thía rằng suốt từ khi đất nước ta giành được độc lập cho đến nay nhân dân cả nước lúc nào cũng hết lòng chăm lo cho sự học hành của con cháu.
Tôi còn nhớ như in lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu trong bức thư Người gửi cho học sinh vào năm học đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám. Bác Hồ đã đặt nhiều kỳ vọng vào ý chí phấn đấu học tập của các em học sinh để đưa nước nhà tiến lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Nhưng cho đến nay ở một số vùng sâu, miền núi còn rất thiếu trường học, trong lúc đó việc sử dụng ngân sách giáo dục còn lãng phí. Tôi mong sao các cấp chính quyền và các cơ quan quản lý giáo dục khắc phục tốt hơn sự lãng phí để có tiền xây dựng trường học cho trẻ em khắp mọi miền đất nước.
Là một Nhà khoa học trưởng thành từ Cách mạng Tháng Tám, đã gắn bó cả cuộc đời mình với sự nghiệp khoa học, chắc rằng Giáo sư chưa vui và còn những trăn trở về thực trạng nghiên cứu KHCN hiện nay?
Không hẳn là chưa vui, mà là có buồn, nhưng cũng có vui. Buồn vì thấy sự đầu tư của nhà nước và xã hội còn nhỏ bé so với yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ, mà ở nhiều nơi sự đầu tư đó lại không được sử dụng có hiệu quả, nhiều thiết bị quý, có giá trị lớn, rất hiếm khi được sử dụng; hàng loạt đề tài nghiên cứu sau khi được nghiệm thu đúng thủ tục đã chẳng đem lại kết quả gì, bởi vì không có đủ giá trị khoa học để công bố mà cũng không thể áp dụng vào thực tiễn, lại cũng không được coi là một công việc dở dang và được làm tiếp cho đến cùng, cho nên đã chấm dứt không dấu vết.
Điều rất đáng buồn là nhiều cán bộ khoa học, kể cả các nhà khoa học đầu đàn, cũng không có ý định làm khoa học một cách nghiêm túc, chỉ cốt đăng ký hết đề tài này đến đề tài khác để có kinh phí mà hoạt động và tăng thêm thu nhập nhờ các “khoản chi mềm”.
Có buồn nhưng cũng có vui vì vẫn còn có những con người đam mê khoa học, khó khăn đến mấy vẫn nghiêm túc nghiên cứu khoa học. Giáo sư Võ Quý và giáo sư Phan Nguyên Hồng là những người đã đi tiên phong nghiên cứu về môi trường ở châu Á. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh đã được vinh danh trong Lễ trao Giải thưởng Nobel vì hòa bình vì những đóng góp vào việc nghiên cứu biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây khoa học tự nhiên nước ta có sự khởi sắc theo hai hướng: một là thực hiện việc đánh giá các kết quả nghiên cứu theo các chuẩn mực quốc tế, hai là quyết tâm tập trung lực lượng nghiên cứu cơ bản theo định hướng nhằm sáng tạo ra những kỹ thuật và công nghệ mới có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn lớn. Tôi hy vọng rằng trong thời gian sắp tới khoa học Việt Nam sẽ phát triển nhanh, nỗi buồn sẽ giảm đi, niềm vui sẽ ngày càng tăng.
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu
Theo Giáo sư, những nguyên nhân chủ yếu nào dẫn tới tình trạng hạn chế việc phát huy động lực phát triển của khoa học đối với đời sống xã hội?
Hai nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến việc khoa học chậm phát triển và kém hiệu quả là những sai lầm của các cơ quan quản lý và những khuyết điểm của chính những người làm khoa học. Có quá nhiều sai lầm và khuyết điểm, trong một bài phỏng vấn không thể kể ra hết được. Tôi chỉ dẫn ra vài thí dụ.
Trước hết nói về sự lãng phí trong việc sử dụng vốn đầu tư của nhà nước: nhiều thiết bị quý, thậm chí có cả một phòng thí nghiệm hiếm khi được sử dụng. Có một nguyên nhân là quyết định sai lầm của người lãnh đạo cơ quan chủ đầu tư, nhưng cũng còn một nguyên nhân nữa là chính nhà khoa học lập đơn hàng mua thiết bị đó thiếu tinh thần trách nhiệm.
Bây giờ nói về việc quá nhiều đề tài nghiên cứu nhằm mục tiêu ứng dụng rất cụ thể sau khi kết thúc tốt đẹp thì lại chẳng ứng dụng vào đâu được. Một nguyên nhân là cơ quan quản lý không có được một Hội đồng khoa học đáng tin cậy và có đủ năng lực đánh giá được rằng với tiềm lực khoa học ở nước ta hiện nay mục tiêu của đề tài có khả thi hay không. Thường là không khả thi. Về phía nhà khoa học nhận nhiệm vụ thực hiện thì dù biết rằng không làm được nhưng cứ đăng ký bừa đi, chẳng mất gì mà lại chỉ được kinh phí thôi. Rất đáng tiếc rằng tình trạng này hiện nay vẫn còn đang tiếp diễn.
Hai nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến việc khoa học chậm phát triển và kém hiệu quả là những sai lầm của các cơ quan quản lý và những khuyết điểm của chính những người làm khoa học. Có quá nhiều sai lầm và khuyết điểm, trong một bài phỏng vấn không thể kể ra hết được. Tôi chỉ dẫn ra vài thí dụ.
|
Còn nói về tình trạng “lạm phát” các công trình khoa học những năm gần đây các báo cáo tại các Hội nghị khoa học gọi là quốc tế được chấm điểm khi xét công nhận giáo sư hoặc phó giáo sư. Thế là các viện nghiên cứu và các trường đại học đua nhau tổ chức hội nghị. Những đại biểu Việt Nam đến dự Hội nghị sẵn sàng nộp tiền để được đăng báo cáo của mình trong Proceeding. Có trường hợp chất lượng báo cáo quá kém nhưng vì Ban Tổ chức đã nhận tiền Hội nghị phí nên đành phải đăng.
Có lần khi tham gia xét duyệt các báo cáo để đăng trong Proceeding tôi đã phát hiện ra rằng thường xảy ra trường hợp vài ba báo cáo thực ra chỉ là từng đoạn của cùng một báo cáo, được các tác giả tách ra thành nhiều báo cáo để được nhiều điểm. Cơ sở của việc tính điểm công trình để xét phong giáo sư và phó giáo sư là thế đấy. Vẫn có cả hai nguyên nhân: sự sai lầm của những người quản lý và sự thiếu lòng tự trọng của chính những người khoa học.
Đại hội lần thứ XI của Đảng một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng hàng đầu của giáo dục và đào tạo cũng như khoa học và công nghệ... Vậy để đưa tinh thần đó của Nghị quyết vào cuộc sống, trước mắt, cần tập trung thực hiện những biện pháp gì, theo Giáo sư?
Thầy Nguyễn Ngọc Hải cùng các học sinh nghiên cứu đề tài “Thu giữ dầu loang bằng thảm vỏ tràm”. (Ảnh: Lao Động)
Trước hết cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện hai biện pháp đã được tiến hành một vài năm gần đây. Để khuyến khích giới khoa học nghiên cứu đạt trình độ quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, đánh giá các kết quả nghiên cứu khoa học theo các chuẩn mực quốc tế và đãi ngộ thỏa đáng những nhà khoa học đạt được các kết quả nghiên cứu trình độ quốc tế. Đó là một biện pháp quyết liệt tạo ra một bước tiến đột phá trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu.
Tiếp theo việc thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ lại vừa có một chủ trương mới rất đúng đắn và kịp thời: Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học đạt trình độ quốc tế quy mô lớn và có triển vọng được ứng dụng để tạo ra tiến bộ vượt bậc trong một số lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ ở nước ta.
Trong bối cảnh hiện nay của các viện nghiên cứu và các trường đại học muốn thực hiện thành công chủ trương này phải tiến hành việc kiểm tra, đôn đốc một cách thường xuyên và kịp thời để khắc phục các khó khăn thiếu sót xảy ra trong quá trình thực hiện các đề tài. Lĩnh vực khoa học đa ngành Khoa học và Công nghệ nanô là một trong các lĩnh vực khoa học được chọn để thực hiện bước đột phá thứ hai này.
Giới Khoa học vật liệu tiên tiến nước ta đang hăm hở thực hiện chủ trương mới của Bộ Khoa học và Công nghệ với hoài bão sớm làm cho Việt Nam được xếp vào tốp 2 – 3 nước dẫn đầu về Khoa học vật liệu tiên tiến ở Đông Nam Á.
Để đạt được mục tiêu này còn phải thực hiện quyết liệt một biện pháp đột phá thứ ba: Xây dựng một số Trung tâm xuất sắc và đảm bảo cho những người làm việc trong các Trung tâm xuất sắc có thu nhập đủ sống và nuôi con, để mọi người toàn tâm toàn ý hoàn thành nhiệm vụ chính của mình. Việc xây dựng các Trung tâm xuất sắc nên kết hợp với việc tổ chức sử dụng có hiệu quả các phòng thí nghiệm với các thiết bị hiện đại đã được nhà nước đầu tư xây dựng trong những năm qua. Viện Toán học cao cấp do giáo sư Ngô Bảo Châu đứng đầu là Trung tâm xuất sắc đầu tiên ở nước ta.
Trên đây mới chỉ là các biện pháp phát triển khoa học. Để đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhất thiết phải đối mới toàn diện và triệt để giáo dục và đào tạo.
Là một nhà khoa học đầu đàn, cũng là Người Thầy của nhiều thế hệ sinh viên và nghiên cứu sinh, xin Giáo sư cho những lời khuyên và nhắn nhủ tâm huyết với các thế hệ học trò của mình.
Tôi vô cùng lo lắng trước nguy cơ “tuyệt tự” của nền khoa học Việt Nam, một nền khoa học đã được nhà nước và nhân dân ta dày công vun đắp hơn sáu mươi năm qua, vì gần như trong số những thí sinh thi đại học đạt điểm rất cao của khối A không có ai theo học các ngành khoa học tự nhiên.
Tôi rất mong các em hãy tin rằng 9 năm sau, khi các em có trình độ Tiến sĩ, nước ta sẽ có nhiều Trung tâm xuất sắc giống như Viện Toán học cao cấp của giáo sư Ngô Bảo Châu để đón các em vào làm việc với những điều kiện nghiên cứu khoa học tuyệt vời. Thu nhập của mỗi người trong các Trung tâm xuất sắc cũng sẽ không kém thu nhập của những người đi làm ở các công ty, mà việc nghiên cứu khoa học lại hết sức lý thú và rất vẻ vang.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Theo www.dantri.com.vn