Ông là Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khóa 7,8; là Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa 9; là Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa 10 ,1997-2002. Ông đã được tặng thưởng nhiều huân chương: Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (công trình tập thể); Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng nhất.
Tôi được biết GS từ những năm 60 của thế kỷ trước,khi GS đang làm nghiên cứu sinh ở ĐH Lômônôxôp.Về nước thì mãi đến năm 1990, tôi mới có dịp làm việc cùng GS trong chương trình Điện tử-Tin học –Viễn thông (KC-01) do GS làm chủ nhiệm.Ấn tượng sâu sắc mà GS ghi đậm trong lòng tôi là sự ham mê nghiên cứu khoa học,tinh thần trách nhiệm cao và sự gần gũi, trao đổi thẳng thắn.GS mong muốn gắn các lĩnh vực điện tử,tin học và viễn thông vào một hướng tạo ra các sản phẩm công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.Thông qua chương trình này mà Tin học tiếp tục xâm nhập sâu vào bộ máy cơ quan nhà nước từ Văn phòng Quốc hội,Văn phòng chính phủ,Văn phòng Trung ương Đảng, đến các Bộ ,ngành,các địa phương. Chẳng hạn,đề tài “Xây dựng hệ thống thông tin tư liệu các dữ liệu về khoa học,công nghệ và môi trường “(cuả Quốc hội) ,mã số KC-01-03 NH11, do Ông Vũ Minh Mão- văn phòng Quốc hội làm chủ nhiệm cũng đã xây dựng được một cơ sở ban đầu cho hệ thống thông tin khoa học,công nghệ,môi trường của quốc hội,chuẩn bị cho việc triển khai một dự án được đầu tư lớn hơn cho hệ thống này.Một số ý tưởng ứng dụng Tin học táo bạo như Hội chẩn bệnh từ xa rồi phát triển cho phẫu thuật từ xa mà gần đây nhất truyền hình có đưa tin phẫu thuật ở Trường sa với sự trợ giúp trực tuyến của đất liền cũng phôi thai từ chương trình này.
Vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Tin học Việt nam (17/12/1988-17/12/2008),GS đã gửi gắm tâm tình của mình trong bài “20 năm ICT gian nan mà anh dũng” mà những dự báo của GS về một số xu hướng phát triển ICT đến năm 2020 cũng đã thể hiện phần nào đó trí tuệ của GS về khả năng đột phá của máy tính lượng tử,sự tích hợp điện thoại di động và máy tính bỏ túi ,sự phát triển internet,tính toán lưới,tính toán mây,sự tích hợp ICT với công nghệ sinh học,công nghệ nano,công nghệ vật liệu tiên tiến tạo ra những sản phẩm mới. GS dự báo dung lượng thông tin khổng lồ mà loài người tạo ra đến năm 2020 sẽ bằng 115 exabytes và sức sáng tạo trung bình của mỗi người sẽ là 15GB. Một nhận xét khá hóm hỉnh mà lại sâu sắc của GS: Vì sự “vô giá” của thông tin,tri thức nên sự phát triển của ICT chỉ sinh ra nhiều tỷ phú mà chậm làm cho thế giới “phẳng ra”.
Tưởng nhớ đến GS Vũ Đình Cự, CNTT nước ta sẽ cố gắng làm những điều mà GS đã gửi gắm trong dịp kỷ niệm 20 năm Thành lập Hội Tin học:ICT cho năm 2020 phải là một bước tiến mạnh mẽ vượt qua được các thách thức,chắc chắn rất ghê gớm,để kịp bước của tương lai;dựa vào nguồn lực trong nước đồng thời liên doanh để có thêm nguồn lực nước ngoài;đào tạo nguồn lực chuyên gia với cách làm đa dạng,nhiều chiều;tăng dịch vụ thiết kế trong lĩnh vực ICT ;có khuyến khích đặc biệt và quỹ rủi ro cho các loại máy vạn năng bỏ túi;tiếp cận sớm với máy tính rẻ cho mẫu giáo và tiểu học;có ngay các xí nghiệp chế tạo vật liệu mới,linh kiện phụ trợ nhằm vào một loạt máy móc hoặc xuất khẩu,dựa vào thế mạnh về vật liệu sẵn có mà lại cần cho ICT…
Trước sự mất mát đau thương này, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình GS và đồng nghiệp!
Nguyễn Lãm