Thứ hai, 22/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 17/08/2011
NetNam tự tin tìm hướng đi mới

Chỉ còn chiếm giữ 1% thị phần dịch vụ truy nhập Internet, nhưng hiện NetNam lại đang dẫn đầu mảng cung cấp dịch vụ, giải pháp cho thị trường khách hàng cao cấp.

netnam-moi.jpg

Bắt đầu xâm nhập thị trường ngách từ năm 2003

Trao đổi với phóng viên báo BĐVN, ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần NetNam cho biết, ngày 7/12/1994, NetNam – mạng thư tín điện tử đầu tiên tại Việt Nam ra đời từ phòng Hệ thống mạng máy tính của Viện Công nghệ thông tin – Trung tâm Khoa học Tự nhiên & Công nghệ Quốc gia (nay là Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam). Sau đó, đến năm 1997, khi Internet chính thức vào Việt Nam, NetNam trở thành một trong 4 nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đầu tiên bên cạnh VNPT, FPT và SPT. Khi đó, mạng Internet mới chỉ ở dạng dial-up thông qua mạng điện thoại cố định của VNPT.

Năm 2003, VDC/VNPT bắt đầu cung cấp dịch vụ ADSL đầu tiên, báo hiệu cho sự thoái trào của dial-up. NetNam cũng phải chuyển hướng sang phát triển ADSL ở Hà Nội và TP.HCM để giữ một lượng khách hàng nhất định và có những thời điểm NetNam đạt đến gần 10.000 thuê bao ADSL tại 2 thành phố trên.

Bên cạnh đó, NetNam cũng đã tập trung khởi động xâm nhập vào một số mảng thị trường ngách cao cấp. Mặc dù vậy, phải đến năm 2006, định hướng này mới thực sự rõ nét và cho đến nay, đơn vị này chiếm được vị trí số 1 trong mảng thị trường cung cấp dịch vụ Internet cho khối khách sạn 5 sao, các căn hộ cao cấp, công ty đa quốc gia…

Đối với thị trường ngách này, NetNam không chỉ cung cấp đường truyền Internet mà còn cung cấp tất cả các giải pháp kỹ thuật như thiết kế, triển khai hệ thống mạng, tích hợp hệ thống quản trị… hay cử người thường trực chăm sóc hỗ trợ, có giải pháp backup đường truyền, thiết bị để đảm bảo chất lượng cao nhất cho khách hàng.

Thậm chí, đối với các gói cước FTTH công ty cung cấp, NetNam cũng cung cấp giải pháp tổng thể như domain, hosting, website, email, quét virus… thay vì chỉ có duy nhất một đường truyền thông thường. “Nếu như các ISP lớn khác tập trung mở rộng số lượng thuê bao thì NetNam lại hướng đến việc khai thác nguồn thu nhiều nhất trên một thuê bao”, ông Bình nhấn mạnh.

Chính vì không tập trung cung cấp dịch vụ Internet cho đại chúng, nên số lượng người sử dụng mạng của NetNam ngày càng giảm. Năm 1997-1998, thị phần số lượng người sử dụng Internet của NetNam vào khoảng 30%. Sau đó, thị phần của NetNam thấp dần xuống còn 6% (vào năm 2000) và 2% (vào năm 2006). Hiện tại, theo số liệu VNNIC tính đến tháng 6/2011, NetNam chỉ chiếm khoảng 1,03% thị phần.

Tuy nhiên, ông Bình cho biết: “Doanh số 10 tháng năm 2010 của chúng tôi đạt trên 60 tỷ (trong khi vốn điều lệ khoảng 4 tỷ) với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 15-20%. Vì thế, tôi cho rằng đây là một kết quả không quá tệ với quy mô và nguồn lực của NetNam”.

Dần chuyển hướng sang MSP

Ông Bình cho rằng, lý do quyết định tấn công thị trường ngách cung cấp dịch vụ, giải pháp kỹ thuật tổng thể gần như là sự lựa chọn duy nhất, do tại thời điểm đó, NetNam không đủ nguồn lực để tham gia vào cuộc chơi phát triển hạ tầng Internet như các ISP lớn (VDC/VNPT, Viettel, FPT….). Thậm chí, có một vài thời điểm khó khăn, NetNam còn không có tiền để trả lương cho nhân viên.

Bởi vì, NetNam những năm trước đây, với tư cách một công ty trực thuộc Viện nghiên cứu và không được sự đầu tư của Nhà nước nên không thể có tiềm lực cạnh tranh với các nhà cung cấp khác. “Ngoài ra, bản thân NetNam ra đời với mục đích ứng dụng Internet cho cộng đồng, cho đất nước và không có ý định trở thành một nhà mạng viễn thông hoặc nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng truy nhập Internet lớn”, ông Bình chia sẻ.

Cũng theo ông Bình, thị trường truy nhập Internet rồi sẽ giống như bức tranh di động hiện giờ khi mức cước ngày càng rẻ và 3 “đại gia” VinaPhone, MobiFone, Viettel chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị phần. Do đó, các ISP nhỏ sẽ gần như không có “cửa sống” trong mảng cung cấp truy nhập và buộc phải chuyển sang phát triển nội dung, ứng dụng và giải pháp. Trên thị trường sẽ chỉ còn khoảng 3,4 ISP phát triển hạ tầng cho truy nhập Internet.

Hiện NetNam đang trong giai đoạn chuyển dần từng bước từ một ISP (Internet Service Provider) có dính dáng đến hạ tầng sang MSP (Managed Service Provider) hoàn toàn chỉ cung cấp các dịch vụ và ứng dụng cho khách hàng. “Phát triển dịch vụ sẽ có sự uyển chuyển cao hơn so với hạ tầng vì hạ tầng có thể thay đổi từ 3G sang 4G, ADSL sang FTTx”, ông Bình khẳng định.

Khi được hỏi trong thời gian tới, nếu các ISP nhỏ chuyển hướng sang phát triển dịch vụ và giải pháp, NetNam sẽ gặp phải khó khăn gì? Ông Bình cho biết, khác với công nghệ và hạ tầng, dịch vụ không dễ dàng cạnh tranh hay copy lẫn nhau, như với một nhà hàng, nếu khách hàng đã thích nhà hàng đó vì một điểm riêng biệt và cho dù sau này có nhiều nhà hàng khác mở ra cạnh tranh thì nhà hàng đó vẫn sẽ đông khách. “Thị trường còn rất rộng mở và Netnam hoàn toàn tự tin dù có thể gặp sự cạnh tranh mạnh hơn nữa trong tương lai”, ông Bình kết luận.

Theo www.ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0