|
Ảnh: Phát triển Chính phủ điện tử là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay trong các cơ quan Nhà nước. |
Thưa Thứ trưởng, hoạt động ứng dụng CNTT-TT có vai trò, vị trí thế nào trong việc sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT?
Theo Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg, hoạt động ứng dụng CNTT-TT là một trong các mục tiêu, nội dung quan trọng trong việc sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT.
Theo nội dung Đề án, mục tiêu đến năm 2015 sẽ cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tới người dân và doanh nghiệp mức độ 2 và 3 (nhận mẫu hồ sơ trên mạng và trao đổi thông tin, gửi, nhận hồ sơ qua mạng). 80% doanh nghiệp và tổ chức xã hội ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh. Phổ cập ứng dụng CNTT trong hệ thống giáo dục, y tế. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quốc phòng, an ninh. Bước đầu ứng dụng CNTT để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng, phạm vi ảnh hưởng rộng, bao gồm: ứng dụng CNTT trong quản lý giao thông đô thị, ứng dụng CNTT trong công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm, ứng dụng CNTT trong công tác dự báo thời tiết,…
Đến năm 2020, Chính phủ điện tử Việt Nam thuộc loại khá trên thế giới. Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 nước dẫn đầu trong bảng xếp hạng của Liên hiệp quốc về mức độ sẵn sàng Chính phủ điện tử. Hầu hết các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trên mạng cho người dân và doanh nghiệp ở mức độ 4 (thanh toán phí dịch vụ, nhận kết quả dịch vụ qua mạng). 100% các ngành công nghiệp then chốt của đất nước, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh.
Như vậy, có thể nói hoạt động ứng dụng CNTT-TT là thành tố quan trọng trong việc đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Mặt khác, đây cũng là nhiệm vụ liên quan mật thiết đến việc triển khai các nhiệm vụ khác trong Đề án. Cụ thể, để phát triển ứng dụng CNTT-TT cần phát triển hạ tầng viễn thông, phổ cập thông tin, mặt khác đẩy mạnh ứng dụng CNTT-TT lại tạo điều kiện, thị trường cho công nghiệp CNTT phát triển.
Một nước mạnh về CNTT-TT thì cần phải xây dựng được Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Hoạt động này đang diễn ra thế nào tại Việt Nam, thưa Thứ trưởng?
Phát triển Chính phủ điện tử là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay trong các cơ quan Nhà nước nhằm cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động. Để đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước, chúng ta nên tập trung vào những nội dung gồm: Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành; Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp; Hạ tầng ứng dụng CNTT; Nguồn nhân lực ứng dụng CNTT.
Về ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành, một số ứng dụng CNTT cơ bản đã được triển khai, tiết kiệm thời gian và chi phí, đã từng bước chuyển đổi phương thức làm việc thủ công dựa trên giấy tờ sang phương thức làm việc dựa trên môi trường điện tử. Phần lớn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai sử dụng hệ thống thư điện tử trong xử lý công việc, tỷ lệ cán bộ, công chức có hộp thư điện tử tương đối cao (trung bình đạt khoảng 80%); Nhiều cơ quan đã được trang bị các phần mềm liên quan đến chức năng quản lý văn bản và điều hành (đạt trên 90%). Ngoài ra, nhiều cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức qua mạng. Các phần mềm quản lý nhân sự, quản lý tài chính - kế toán được sử dụng khá hiệu quả ở hầu hết các cơ quan nhà nước.
Về ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, nhiều ứng dụng CNTT đã được triển khai nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan Nhà nước hoạt động công khai, minh bạch, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, đa số các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử nhằm cung cấp thông tin, dịch vụ trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp (với các Bộ, cơ quan ngang Bộ đạt tỷ lệ 21/22; với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt tỷ lệ 62/63). Ngoài ra, ứng dụng CNTT đã bắt đầu được ứng dụng tại Bộ phận một cửa, một cửa liên thông của một số địa phương.
Hạ tầng ứng dụng CNTT đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ cán bộ, công chức có máy tính sử dụng trong công việc tương đối cao (đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ đến cấp đơn vị trực thuộc khoảng 86%, với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện khoảng 64%). Tỷ lệ các đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mạng cục bộ (LAN) cao (trên 95%).
Còn về nguồn nhân lực ứng dụng CNTT, tỷ lệ cán bộ, công chức có thể sử dụng máy tính khoảng 80%. Hàng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã tổ chức các lớp học nhằm bồi dưỡng kiến thức cơ bản và nâng cao về CNTT.
Riêng về hoạt động xây dựng môi trường làm việc điện tử liên cơ quan thì đã và đang được tiến hành như thế nào? Vai trò của Bộ TT&TT trong việc thúc đẩy hoạt động này ra sao?
Mặc dù ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực như đã nêu trên, tuy nhiên các ứng dụng CNTT chủ yếu ở quy mô nhỏ, trong nội bộ các cơ quan. Hiện chỉ có số ít các ngành có những hệ thống thông tin kết nối rộng như tài chính, kho bạc, thuế, hải quan, ngân hàng… Chính vì vậy có thể nói môi trường làm việc điện tử liên cơ quan chưa được phát triển mạnh.
Để xây dựng môi trường làm việc điện tử liên cơ quan, trước hết cần phát triển hạ tầng CNTT kết nối rộng khắp, đồng thời phát triển các hệ thống thông tin chuyên ngành quy mô quốc gia. Các nội dung này đã được xác định rõ trong Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011-2015. Trong đó, Bộ T&TTT trực tiếp tổ chức triển khai một số dự án CNTT, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử trên quy mô quốc gia, cụ thể như: Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước; Trung tâm thông tin dữ liệu điện tử Chính phủ; Hệ thống xác thực quốc gia; Trung tâm kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương; Hệ thống thông tin quản lý văn bản tích hợp trong toàn quốc cho các cơ quan Chính phủ; Hệ thống thư điện tử quốc gia;… Các Bộ khác được giao triển khai các dự án xây dựng các hệ thống thông tin chuyên ngành tương ứng.
Để xúc tiến triển khai các dự án quy mô quốc gia theo Quyết định 1605/QĐ-TTg, Bộ TT&TT đã có những buổi làm việc với các Bộ chuyên ngành. Mới đây, ngày 22/6/2011, Bộ đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và triển khai các dự án qui mô quốc gia để tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cũng như những kinh nghiệm thực tế trong quá trình quản lý, xây dựng và triển khai các Dự án ứng dụng CNTT qui mô quốc gia của các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì triển khai.
Một yếu tố quan trọng khác nữa để xây dựng được nước mạnh về CNTT-TT đó là phải có được các địa phương mạnh về CNTT-TT. Thứ trưởng có thể chia sẻ thêm về tiến độ xây dựng các địa phương mạnh về CNTT-TT?
Thực hiện Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”, Bộ đã có văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án tại địa phương mình trên tinh thần tập trung chủ yếu cho nhưng lĩnh vực địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển mà không dàn trải tất cả các mặt. Hiện nhiều địa phương đã phê duyệt kế hoạch và đang nỗ lực triển khai các mục tiêu, nội dung của Đề án.
Ngày 25/2/2010, Bộ TT&TT đã có Công văn số 491/BTTTT-ƯDCNTT hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2011-2015. Đến nay, trên 40 tỉnh/thành phố đã xây dựng và phê duyệt Kế hoạch của mình.
Để định hướng triển khai ứng dụng CNTT trong năm 2012 tại các địa phương, ngày 20/6/2011, Bộ TT&TT cũng đã có Công văn số 1804/BTTTT-ƯDCNTT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó xác định rõ nội dung chi tiết cần ưu tiên khi triển khai các ứng dụng CNTT là Hệ thống thư điện tử; Hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện; Cổng/trang thông tin điện tử; Ứng dụng CNTT tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông; Triển khai ứng dụng các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin.
Theo www.ictnews.vn