Nhiều chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ cho rằng, chữ quốc ngữ, chữ viết chính thức ở Việt Nam hiện nay được sáng tạo dựa trên việc sử dụng các ký tự Latin để ghi âm tiếng Việt. Hiện tại, nó đã bóp méo một cách không cần thiết bảng chữ cái Latin, khiến cho việc viết chữ Việt trở nên khó hơn và khó hòa nhập quốc tế hơn. Các chữ cái trong bảng chữ cái Latin bị lãng phí trong tiếng Việt gồm có chữ F, J, W, Z. Để bù lại cho sự lãng phí đó là sự phức tạp hóa bằng các chữ kép. Chữ PH được sử dụng để thay cho F... Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần cải tổ lại chữ quốc ngữ.
Theo dự thảo thông tư hướng dẫn về tiếng Việt trên môi trường SGK và máy tính đang được Bộ GD-ĐT xây dựng, bảng chữ cái tiếng Việt chính thức có thêm các ký tự vốn dĩ không sử dụng với tiếng Việt là F, J, W và Z. Là người trực tiếp xây dựng thông tư này, TS Quách Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục CNTT của Bộ cho biết, thực ra là các ký tự đó đã trở nên quen thuộc với cộng đồng người sử dụng máy tính (chủ yếu để phục vụ chức năng bỏ dấu và gõ ra các ký tự riêng của tiếng Việt như Ă, Â, Ê, Ơ, Ư). Vì thế, việc thừa nhận nó trong bảng chữ cái tiếng Việt là điều phải làm. Ông cũng nhắc lại, việc ban hành thông tư này là nhằm thống nhất sử dụng về chuẩn chính tả tiếng Việt trên môi trường máy tính và SGK. Cụ thể là về quy phạm bỏ dấu, giãn cách giữa các chữ…
Viết đúng chính tả luôn là vấn đề phải thực hiện nghiêm túc và ngành giáo dục cần đi đầu. Trong thời đại CNTT, thống nhất về một chuẩn chung là điều không quá khó vì chỉ cần có chuẩn là phần mềm sẽ tự động đưa về. Tuy nhiên, việc bỏ dấu đang tồn tại 2 cách thức như với chữ “hoà” và “hòa”. Đúng chuẩn theo sự thừa nhận của các chuyên gia ngôn ngữ thì phải là “hoà” mới là chính xác để đồng nhất với “hoàn” và “hoàng”. Hơn nữa, theo đúng nguyên tắc và qua phân tích vật lý thì dấu phải được đánh vào trọng âm.
Dự thảo thông tư còn một vấn đề phải làm rõ xung quanh chữ “y” và “i” trong những trường hợp phát âm giống. Việc quy về “i” trong những trường hợp đó (“kí tự” thay vì “ký tự”, “kĩ thuật” thay vì “kỹ thuật”) xem ra không được nhiều người chấp nhận. TS Quách Tuấn Ngọc cho biết, ban soạn thảo đang chờ đợi sự đóng góp ý kiến chính thức của ngành ngôn ngữ học. Sau khi hoàn chỉnh nốt vấn đề này, dự thảo chính thức được công bố và Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức một cuộc họp với sự tham gia của đại diện các ngành CNTT và ngôn ngữ học để thông qua và ban hành. TS Quách Tuấn Ngọc hy vọng, việc này thực hiện được từ năm học 2011 – 2012.
Theo www.ictnews.vn