|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Sự hợp tác giữa Bưu chính Việt Nam với Ngân hàng Liên Việt sẽ góp phần thực hiện tốt chính sách “Tam nông”. |
Mô hình "PostBank" đầu tiên tại Việt Nam
Tối 29/7/2011, Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) đã tổ chức Lễ ra mắt tên gọi mới: Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Đây là kết quả của hợp tác giữa Tập đoàn VNPT, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) và LienVietBank. Sự kiện này cũng chính thức đưa VNPost trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, đồng thời đưa Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) trở thành thành viên chính thức trong “mái nhà chung” LienVietPostBank. Lần đầu tiên VNPost, một Tổng công ty nhà nước tham gia góp vốn, hợp tác với LienVietBank, một doanh nghiệp cổ phần để đưa đến sự ra đời của một mô hình ngân hàng mới, mô hình Ngân hàng Bưu điện đầu tiên tại Việt Nam.
Đến nay, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt có khoảng 1.500 nhân sự, tổng tài sản đạt trên 51.000 tỷ đồng và lợi nhuận lũy kế qua gần 3 năm hoạt động đã là hơn 2.500 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại, tổng vốn điều lệ của ngân hàng là 6.010 tỷ đồng, trong đó có 360 tỷ đồng là vốn góp của VNPost, tương đương với giá trị của Công ty VPSC. Tới đây, theo lộ trình hai bên đã thống nhất, Bưu chính Việt Nam sẽ tiếp tục góp vốn vào LienVietPostBank bằng tiền mặt để tăng lượng vốn thuộc sở hữu VNPost đạt 997 tỷ đồng, tương đương với 14,999 % cổ phần.
Từ sau ngày 1/7/2011, khi quá trình chuyển giao VPSC về ngân hàng đã hoàn thành, LienVietPostBank sẽ thông qua các phòng giao dịch Bưu điện cung cấp toàn bộ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam, đặc biệt là vùng nông thôn, những địa bàn ít hoặc chưa có ngân hàng phục vụ. Đồng thời, các phòng giao dịch Bưu điện sẽ cung cấp các dịch vụ tiết kiệm có kỳ hạn, tiết kiệm cá nhân, dịch vụ chuyển tiền (chuyển tiền giữa hai tài khoản tiết kiệm cá nhân, chuyển tiền từ nước ngoài vào tài khoản tiết kiệm cá nhân), dịch vụ trích chuyển tự động, dịch vụ nhờ thu, dịch vụ nhận trả, dịch vụ tiết kiệm bưu điện qua điện thoại; dịch vụ đại lý…
Phát biểu tại lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhận định, việc Tập đoàn VNPT thông qua VNPost góp vốn vào Ngân hàng Liên Việt bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện và bằng tiền mặt có thể coi là sự hợp tác đặc biệt nhất của Việt Nam trong năm 2011. Đây là sự liên kết giữa một thương hiệu lớn là Bưu điện Việt Nam, có bề dày 66 năm phát triển với một ngân hàng còn non trẻ song đã phát triển mạnh mẽ, quản lý hiện đại và có định hướng hoàn toàn sâu sắc.
“ Sự kiện này mở ra cơ hội cho Ngân hàng Liên Việt khai thác hơn 10.000 điểm giao dịch, góp phần thực hiện tốt chính sách “Tam nông” của Đảng. Ngân hàng Liên Việt đã đặt ra mục tiêu trở thành một ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Đây là mục tiêu lâu dài và khó khăn, song với việc kết hợp giữa Ngân hàng Liên Việt với Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện thì mục tiêu này càng trở nên khả thi”, Phó Thủ tướng nói.
Sắp cung cấp sản phẩm “Ví Việt”
Ông Đỗ Ngọc Bình, Tổng giám đốc VNPost cho rằng việc hợp tác, liên kết giữa VNPost với ngân hàng sẽ mang lợi ích cho cả ba “nhà”, bao gồm: Nhà nước, nhà dân, và nhà doanh nghiệp. Về phía Nhà nước, việc phát triển, mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ ngân hàng tại bưu cục, điểm BĐVHX sẽ tăng nguồn thu cho VNPost, góp phần giảm gánh nặng hỗ trợ công ích của Nhà nước cho Bưu chính Việt Nam.
Còn với ngân hàng, hợp tác với VNPost đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong chặng đường phát triển, tạo cơ hội cho LienVietBank mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ của ngân hàng. Hiện Ngân hàng Liên Việt Bưu điện có hơn 60 điểm giao dịch, trong khi Ngân hàng Nông nghiệp, với 2.500 điểm giao dịch, đang là ngân hàng có mạng lưới rộng nhất.
Song nếu Liên Việt khai thác tốt mạng lưới bưu chính hơn 10.000 điểm phục vụ, hệ thống điểm cung cấp dịch vụ của Liên Việt có thể vượt xa so với Ngân hàng Nông nghiệp. Lãnh đạo LienVietPostBank đặt mục tiêu dịch vụ của ngân hàng sẽ “phủ” tới toàn bộ 10.000 điểm phục vụ của VNPost vào năm 2018. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, với sự kết hợp này, thông qua hệ thống điểm phục vụ VNPost, các dịch vụ tài chính, ngân hàng của LienVietPostBank sẽ đến được với đông đảo người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
|
Ông Đỗ Ngọc Bình, Tổng giám đốc VNPost (thứ 3 từ trái sang) vừa được Đại hội cổ đông bất thường Ngân hàng Bưu điện Liên Việt bầu bổ sung vào HĐQT. |
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho rằng, Bưu chính kết hợp, góp vốn vào ngân hàng đã dấn đến việc định hướng kinh doanh của ngân hàng phải điều chỉnh, thay đổi. Giai đoạn trước, định hướng của LienVietBank là đầu tư, kinh doanh đa năng, kết hợp bán buôn và bán lẻ dịch vụ. Nhưng sau khi VNPost góp vốn, trở thành cổ đông chiến lược, HĐQT Ngân hàng Liên Việt đã xác định lại định hướng kinh doanh của ngân hàng giai đoạn tới là tập trung bán lẻ dịch vụ, phấn đấu để trở thành ngân hàng bán lẻ có mạng lưới rộng nhất.
Trao đổi với phóng viên ICTnews về kế hoạch hoạt động thời gian tới, ông Hưởng cho biết, việc “cấy thêm” các dịch vụ ngân hàng tại các bưu cục, điểm BĐVHX chỉ thực hiện khi đủ điều kiện. Bên cạnh đó, Liên Việt cũng đang thực hiện một đề án cấp quốc gia về thanh toán không dùng tiền mặt với đối tượng nông dân VN.
Trước mắt, LienVietPostBank sẽ phối hợp với VNPost triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt cho nông dân, thông qua việc cung cấp sản phẩm “Ví Việt” cho các hộ nông dân trên toàn quốc, trước hết ưu tiên các khách hàng gửi tiền tiết kiệm bưu điện. Sản phẩm “Ví Việt” đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho triển khai cung cấp, hiện đã được ngân hàng đưa vào sử dụng nhưng vẫn chỉ thử nghiệm trong nội bộ. Sắp tới, có thể ngân hàng sẽ tặng cho mỗi nông dân 1 điện thoại di động kèn một tài khoản. Với tài khoản đó, khách hàng có thể thực hiện các dịch vụ chi trả, chuyển tiền bằng cách thao tác trên điện thoại mà không phải đến ngân hàng.
Theo www.ictnews.vn