|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Ông Phạm Bá Dục, Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Hà Nội (HATAP) chia sẻ như vậy với phóng viên ICT News bên lề Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2011 của HATAP.
Trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động làm giả, làm nhái các mặt hàng điện tử, CNTT không có lãi bằng những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày (bởi phải đầu tư lớn hơn, khó có lãi lớn, nhất là trong bối cảnh các mặt hàng điện tử, CNTT rất nhanh giảm giá). Vì thế, thời gian gần đây, hiếm khi phát hiện được những vụ việc làm giả, làm nhái hàng điện tử, CNTT.
Tuy nhiên, “không thể khẳng định trong các siêu thị tại Hà Nội hoàn toàn không có những mặt hàng điện tử - tin học thuộc diện hàng giả, hàng nhái”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lưu ý khi trao đổi với phóng viên ICT News.
Theo ông Phú, các siêu thị hiện nay thường không có bộ phận kiểm tra, giám định chất lượng các mặt hàng cụ thể mà chỉ mua hàng dựa trên hợp đồng, giấy tờ.
Điều đó đồng nghĩa việc phát hiện hàng giả, hàng nhái tùy thuộc vào nhận thức và “quyết tâm” của người tiêu dùng là chính. Trong khi người Việt Nam vốn dĩ không ưa kiện tụng, khiếu nại.
Chưa phát hiện được hàng giả, hàng nhái nhưng người tiêu dùng đang bắt đầu phản ứng với hiện tượng hàng kém chất lượng, hàng lỗi mốt vẫn được bán giá cao tại siêu thị điện máy. Đơn cử như sự kiện Pico giảm giá khuyến mại nhân dịp khai trương cơ sở mới vừa diễn ra mới đây, theo phản ánh của nhiều “cư dân mạng” thì giá “giảm cực sốc” tại Pico vẫn cao hơn giá thị trường và nhiều mặt hàng được giảm giá chỉ là hàng thanh lý.
Ông Vũ Vinh Phú gợi ý nếu người tiêu dùng “băn khoăn” về mức độ giảm giá thì có thể báo với Sở Công Thương xuống kiểm tra xem các mặt hàng mà Pico đăng ký giảm giá có chênh lệch thế nào so với giá gốc ban đầu và so với giá thị trường.
Lý thuyết thì như vậy nhưng thực tế chắc chẳng người tiêu dùng nào muốn mất thời gian tới Sở Công Thương để làm việc này.
Đề cập tới người tiêu dùng, ông Phú cho biết không đồng tình với khái niệm “người tiêu dùng thông thái”, mà theo ông, cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng.
“Hà Nội có khoảng 200 siêu thị nhưng chỉ có 50 siêu thị chân chính, còn 150 siêu thị không đảm bảo tiêu chuẩn (diện tích chỉ nhỏ khoảng 20m2, hoặc vẫn cố tình lừa khách hàng, hoặc không niêm yết giá theo đúng quy định…). Chế tài xử phạt về hàng giả, hàng nhái cần phải mạnh hơn, hiện chúng ta vẫn đang dùng phất trần để xử phạt trong khi thực tế cần phải dùng roi mây”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận xét.
Theo www.ictnews.vn