Thứ sáu, 17/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 29/07/2011
Dịch vụ công: Mới “trực tuyến” mức đơn giản nhất!

Hầu hết các dịch vụ công trực tuyến vẫn chỉ dừng ở mức 1 – 2 (mức đơn giản nhất), trong khi người dân và doanh nghiệp (DN) rất cần có những dịch vụ ở mức 3 – 4.

Giao-dich.jpg
Dịch vụ công trực tuyến giúp người dân, doanh nghiệp không phải đến cơ quan công quyền làm thủ tục trực tiếp.
Mới ở bước đầu

Theo phân loại của Bộ TT&TT, hiện có 4 mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Mức 1 - đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin về quy trình, thủ tục, hồ sơ, thời hạn, phí và lệ phí. Mức 2 - dịch vụ mức 1 cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Mức 3 - dịch vụ mức 2 cho phép người sử dụng điền rồi gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Mức 4 - dịch vụ mức 3 cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết dịch vụ công mới chỉ “trực tuyến” ở mức đơn giản nhất. Đến cuối năm 2010 mới có khoảng 60% cổng thông tin điện tử (portal)/ trang thông tin điện tử (website) của Bộ, cơ quan ngang Bộ và 55,6% của UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 2 cho người dân và DN. Tỷ lệ triển khai cung cấp dịch vụ mức 3 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ đạt 37,5%, và UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đạt 33,3%.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3 – 4 đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân và DN như tiết kiệm được thời gian, chi phí, giảm bớt sự phiền hà, tiêu cực khi thực hiện các thủ tục hành chính… Một khi đã biết đến những tiện ích của dịch vụ công mức 3 – 4, người dân và DN sẽ cảm thấy dịch vụ mức 1 – 2 không thoả mãn được nhu cầu của mình.

Từ năm 2010, “cuộc đua” triển khai dịch vụ công mức 3 – 4 giữa các cơ quan Nhà nước bắt đầu rục rịch chuyển động. Thống kê năm 2010 cho thấy, tại khối cơ quan Bộ, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt con số 27, tăng gấp 3 lần so với năm 2009. Bộ Công Thương là đơn vị đi đầu với 10 dịch vụ công mức 3 (Cấp giấy phép nhập khẩu tự động; Quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử Form A, Form D, Form E, Form AK, Form S, Form Ạ, Form AANZ, Form AI, Cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp).

Bộ TT&TT cũng là một điển hình về việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 3 dịch vụ mức 3 liên quan tới hàng chục triệu người sử dụng, đó là: Đăng ký tên miền tiếng Việt, Thông báo sử dụng tên miền quốc tế, Đăng ký cấp phép tần số vô tuyến điện.

Đối với các địa phương, năm 2010 đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về số lượng và số địa phương cung cấp dịch vụ mức 3. Đã có 38 địa phương cung cấp 748 dịch vụ mức 3 (năm 2008 chỉ có 6 địa phương, 2009 tăng gấp 3 lên 18 địa phương). 2 địa phương cung cấp nhiều dịch vụ mức 3 nhất là An Giang 139 dịch vụ trên tổng số 2.006 dịch vụ công; Đà Nẵng - 74 dịch vụ mức 3/1.353 dịch vụ.

Một số dịch vụ công mức 4 cũng đã bắt đầu được triển khai. Ví dụ như TP.HCM cung cấp 3 dịch vụ gồm Đăng ký chấp thuận họp báo, Đăng ký chấp thuận tổ chức hội nghị hội thảo có yếu tố nước ngoài, Nhập khẩu xuất bản phẩm (chưa thẩm định) tại địa chỉ http://www.ict-hcm.gov.vn/dich-vu-cong. Hoặc Bộ Công Thương “đi tiên phong” trong khối các Bộ ngành khi triển khai cấp xác nhận khai báo hoá chất tại website của Cục Hoá chất http://www.cuchoachat.gov.vn đạt tiêu chuẩn dịch vụ công mức 4.

Cần bắt buộc để tránh “ngại” ứng dụng CNTT

Trao đổi với phóng viên Bưu điện Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng Phòng Trang tin điện tử, đơn vị quản lý portal của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Bộ NN&PTNT hiện có 27 đơn vị trực thuộc Bộ gồm các Tổng Cục, Cục, Vụ và Trung tâm, hầu hết các đơn vị đều có website riêng. Năm 2009, Bộ NN&PTNT đã nâng cấp portal của Bộ trên nền tảng Microsoft sharpoint tại địa chỉ www.mard.gov.vn hoặc www.agroviet.gov.vn hoặc www.bonongnghiep.gov.vn, đến nay đã tích hợp được những thông tin cơ bản và dịch vụ công từ các website của các đơn vị trực thuộc. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT dự kiến sẽ triển khai một số dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3.

“Để thực hiện thành công việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cần đầu tư cho phát triển phần mềm và củng cố hạ tầng CNTT, đồng thời cần phải đào tạo nâng cao nhận thức cũng như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ. Hiện nay đa số cán bộ quen làm việc theo phương pháp truyền thống là giải quyết trực tiếp tại văn phòng một cửa, ngại ứng dụng CNTT, vì vậy cần phải có cơ chế khuyến khích hay bắt buộc, có lộ trình rõ ràng và phải có sự quyết tâm cao của các cấp lãnh đạo”, bà Hương nhận xét.

Một điểm đáng lưu ý khác, mỗi người dân và DN đều là đối tượng sử dụng rất nhiều dịch vụ công của các cơ quan công quyền khác nhau đang được hiển thị ở nhiều địa chỉ portal/website khác nhau. Với mỗi dịch vụ lại phải tạo lập một tài khoản (account) và mật khẩu (password).

Nhu cầu nảy sinh là cần có một cổng dịch vụ công trực tuyến chung của cả nước cung cấp tất thảy các loại dịch vụ công của các cơ quan khác nhau, người dân/DN chỉ cần đăng nhập một lần (single sign - on) cũng có thể sử dụng được các dịch vụ trong đó. Trước mắt, nếu chưa đủ khả năng làm “1 cổng” chung cho cả nước thì chí ít cũng dừng ở mức Bộ, ngành hoặc tỉnh, thành phố. Chẳng hạn chỉ cần truy cập portal của Bộ Tài chính có thể sử dụng dịch vụ khai thuế qua mạng của Tổng cục Thuế và dịch vụ thủ tục hải quan điện tử của Tổng cục Hải quan.

Cần có sự “tăng tốc” một cách đồng bộ

Theo Chương trình Quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao trên diện rộng cho người dân và DN, làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước minh bạch hơn, phục vụ người dân và DN tốt hơn. Định hướng đến năm 2020 hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau.

Thực tế hiện nay, mức độ hiện đại hoá dịch vụ công vẫn đang ở “lưng chừng”. Việc triển khai dịch vụ mức 3 – 4 khó khăn hơn rất nhiều so với mức 1 – 2. Cần có sự “tăng tốc” một cách đồng bộ từ Trung ương tới địa phương trên phạm vi cả nước. Song cũng sẽ rất nguy hiểm nếu cứ mặc định thời hạn 2015 hoặc 2020 để rồi đủng đỉnh, từ từ đầu tư cho hiện đại hoá trong khi nhu cầu của người dân và DN đang rất cấp thiết.

 

Theo www.ictnews.vn
  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0