|
Đội tuyển VN dự Olympic Tin học quốc tế 2011 tại Thái Lan. Ảnh: H.Th. |
Tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 52 trong năm nay, mặc dù cả 6 học sinh VN đoạt huy chương (huy chương đồng) nhưng toàn đoàn xếp thứ 31/90. Đây là thứ hạng thấp nhất của Việt Nam tại sân chơi này từ trước tới nay.
Việt Nam tham dự kỳ thi này từ năm 1974 và thường đứng trong top 10, thành tích cao nhất là thứ 3 toàn đoàn. Nhưng năm ngoái, chúng ta xếp thứ 12, còn năm nay là thứ 31. “Đó là điều không thể tưởng tượng nổi”, ông Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng trường THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia HN) thốt lên như vậy.
Những nước trong khu vực ASEAN lâu nay vẫn ở phía sau và lấy VN là hình mẫu, thì năm nay có thành tích tiến bộ vượt bậc: Singapore đứng thứ 3; Thái Lan đứng thứ 5. Trong khi đó, tại cuộc thi Olympic Sinh học Quốc tế lần thứ 22 chỉ có 3 học sinh được huy chương đồng và 1 học sinh được bằng khen. Đội tuyển Hóa học mang về 2 huy chương bạc và 2 huy chương đồng…
Đáng lưu ý, trong thành phần đội tuyển Toán năm nay vắng bóng các học sinh của các trường chủ lực trong đội tuyển Olympic Toán quốc tế như: THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG HN), THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội. Đó cũng là vấn đề được ông Nguyễn Vũ Lương đưa ra: Chúng ta chưa lựa chọn đúng người đi thi; những học sinh đã từng được huy chương bạc năm trước đã bị loại khỏi đội tuyển.
Theo ông Đặng Đình Tới, Chủ nhiệm bộ môn Vật lý, trường THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG HN), phụ huynh và học sinh ở các thành phố không còn mặn mà với việc học hành để vào lớp chuyên, đội tuyển để đi thi quốc tế.
“Đó không chỉ là cái oải của nhân tài ở HN và TPHCM, mà ngay học sinh giỏi của các tỉnh, thành cũng không muốn về HN học đội tuyển nữa. Vì học sinh giỏi quốc gia không được vào thẳng ĐH như những năm trước. Như thế, các đội tuyển quốc tế kiếm đâu ra nguồn tuyển chất lượng”.
Nhiều năm theo chân đội tuyển Olympic Tin học quốc tế và gặt hái nhiều vinh quang, ông Hồ Sĩ Đàm (Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia HN) cũng xin rút khỏi đoàn do bất đồng về chính sách đào tạo học sinh chuyên. “6 huy chương đồng cho Toán và không có huy chương vàng nào cho môn học vua này là một cú ngã ghê gớm của VN”, ông Đàm nói. “2.300 tỷ xây dựng phát triển trường chuyên là khoản đầu tư lớn. Nhưng có câu: "Không thầy đố mày làm nên".
Theo ông Đàm, cơ sở vật chất có lớn đến đâu nhưng lương “ba cọc ba đồng” thì giáo viên dạy chuyên khó mà tâm huyết. Các thầy sẽ tập trung vào làm đề tài khoa học và dễ “thu hoạch” 500-700 triệu đồng/năm, rồi viết báo đăng tạp chí nước ngoài… ngọt hơn đào tạo người tài rất nhiều.
Theo www.tienphong.vn