|
Kết nối thu thuế qua ngân hàng, người dân, doanh nghiệp không phải đến cơ quan nộp thuế tại cơ quan thuế. |
Hết thời chen lấn làm nghĩa vụ thuế
Theo Thông tư số 85/2011/TT-BTC hướng dẫn quy trình tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) giữa Kho bạc Nhà nước (KBNN) - Tổng cục Thuế - Tổng cục Hải quan và các ngân hàng thương mại (NHTM) vừa được Bộ Tài chính ban hành, từ ngày 10/8, người dân và DN có thể nộp thuế tại ngân hàng bằng hai phương thức nộp tiền mặt tại quầy giao dịch hoặc nộp qua thẻ hay sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử khác, như Internet Banking, Mobile Banking…
Điều đó có nghĩa, người nộp thuế sẽ không còn phải chầu chực để “làm nghĩa vụ” trong giờ hành chính và những ngày làm việc của cơ quan kho bạc mà có thể nộp thuế ngay tại nhà bất kỳ lúc nào nếu nộp qua thẻ ATM. Số liệu thu nộp thuế sẽ được kết nối nhanh chóng tới tất cả các cơ quan liên quan như Thuế - Kho bạc - Hải quan.
Chia sẻ thêm về hiệu quả của việc kết nối thu thuế với ngân hàng, đại diện Ngân hàng Quân đội (MB) minh chứng: Về cơ bản, thủ tục đã rút ngắn rất nhiều. Trước kia, DN phải mất vài ngày làm thủ tục, còn nay chỉ cần có tài khoản mở tại MB, thực hiện ra lệnh hoặc uỷ quyền cho ngân hàng ra lệnh phần thu thuế, lệnh đó được trực tiếp gửi sang phía hải quan và sẽ được thông quan ngay lập tức.
Cần lưu ý là khi chưa có “sáng kiến” kết nối thu thuế với các ngân hàng, “đến hẹn lại lên”, DN và người dân chỉ có địa chỉ nộp thuế duy nhất là kho bạc. Có những điểm thu có tới 18.000 đối tượng tập trung nộp thuế trong 2 - 3 ngày, rất khó tránh khỏi tình trạng hỗn loạn, gây phiền hà, tốn kém cho cả cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, người dân.
Đã từng có con số đáng giật mình là ước tính trung bình trong 1 năm, doanh nghiệp Việt Nam phải dành tới 1.050 giờ làm việc cho các thủ tục về thuế với 32 lần nộp thuế các loại, trong khi đó thời gian nộp thuế trung bình của doanh nghiệp trong khu vực chỉ là 227 giờ.
Cần hiện đại hoá triệt để
Ủy quyền thu thuế cho các ngân hàng là quyết định sáng suốt của Bộ Tài chính vì có thể tận dụng được hạ tầng công nghệ của ngân hàng (như ngân hàng điện tử, hệ thống xác thực chữ ký số…) để gia tăng tiện ích, đa dạng hoá các phương thức thu nộp thuế, đồng thời thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên hiện tại, việc uỷ quyền thu mới chỉ đang dừng ở các ngân hàng quốc doanh gồm Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển, và 3 ngân hàng thương mại cổ phần gồm Tiên Phong, Quân đội và Liên Việt. Hiện trạng này bắt nguồn từ quy định rằng muốn thu hộ ngân sách cho Bộ Tài chính thì ngân hàng buộc phải có tài khoản kho bạc.
Theo phản ánh của nhiều ngân hàng thương mại thì phạm vi kết nối như vậy mới chỉ đáp ứng nhu cầu của số lượng rất nhỏ người nộp thuế tại 6 ngân hàng nêu trên, và tạo ra sự cạnh tranh chưa bình đẳng giữa các ngân hàng.
Mặt khác, Bộ Tài chính mới chỉ uỷ quyền cho các ngân hàng theo từng quận, huyện, ví dụ, quận Ba Đình (Hà Nội) đã uỷ quyền cho Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thì người dân và DN tại Ba Đình chỉ có thể đến ngân hàng này để nộp. Hoặc quận Hoàn Kiếm chỉ “tín nhiệm” Ngân hàng Đầu tư & Phát triển. Nếu muốn nộp qua ngân hàng bất kỳ thì chỉ còn cách thông qua kênh chuyển khoản (vì các ngân hàng đã kết nối liên thông thẻ), trong khi các chỉ tiêu thông tin đang thiếu rất nhiều.
Nhấn mạnh vấn đề thiếu thông tin, cách đây ít lâu, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương cho biết: do Kho bạc Nhà nước chưa tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng nên vẫn còn những thông tin dữ liệu chưa “khớp”, chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, ngành Thuế đang nỗ lực tập trung hoá cơ sở dữ liệu nhưng một số đơn vị vẫn chưa thống nhất danh bạ người nộp thuế với Tổng cục và các đơn vị khác. Trong bối cảnh các ngân hàng như VietinBank đang đẩy mạnh việc thu thuế qua các kênh tự động, đòi hỏi thông tin phải hoàn toàn chính xác, thì những bất cập vừa nêu sẽ gây khó khăn lớn cho các ngân hàng.
Một khó khăn khác là “ngân hàng vẫn phải tự làm việc với từng đầu mối của thuế, kho bạc, hải quan để triển khai kết nối, và phải thực hiện rất nhiều thủ tục liên quan. Các cơ quan thu của Bộ Tài chính vẫn chưa có một đầu mối thống nhất nên còn khó phối hợp”, đại diện Ngân hàng Quân đội cho biết thêm. Một điểm cần lưu ý ở đây là khi các ngân hàng tự xây dựng hệ thống kết nối, không có thiết kế tổng thể ban đầu cho việc triển khai phối hợp thu NSNN giữa Thuế - Kho bạc – Hải quan – Ngân hàng thì sẽ không tốt cho sự phát triển lâu dài.
Được biết Bộ Tài chính cũng đang tích cực tháo gỡ khó khăn này. Mới đây, Bộ Tài chính đã đồng ý với phương án giao Tổng cục Thuế chủ trì vận hành cổng thông tin trao đổi của các cơ quan thu với các ngân hàng. Tất cả thông tin về người nộp thuế, các nghĩa vụ thu nộp của các đối tượng nộp trên cả nước sẽ tập trung ở Tổng cục Thuế, và Tổng cục Thuế có trách nhiệm đảm bảo thông tin đó phải chính xác, đầy đủ giúp các ngân hàng thương mại có thể kết nối, truyền qua Internet để tra cứu thông tin. Khi đó, các ngân hàng không phải xây dựng cơ sở dữ liệu riêng mà có thể sử dụng qua hệ thống của cơ quan thuế, hải quan để thực hiện thu tốt hơn.
Theo www.ictnews.vn