Tấp nập các DN "ngoại"
Theo Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, thời gian qua có nhiều dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực điện tử tại Việt Nam với số vốn lên đến hàng tỷ USD.
Ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, tập đoàn Intel (Mỹ) đã nâng vốn đầu tư từ 600 triệu USD lên 1 tỷ USD; tập đoàn Nidec (Nhật Bản) rót vốn cho một dự án tại Bình Dương với số tiền 1 tỷ USD sản xuất đầu đọc quang học dùng cho đầu DVD, VCD và môtơ siêu nhỏ dùng trong máy ảnh, máy in...
Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) cũng đầu tư vào Việt Nam tổng vốn 5 tỷ USD, trong đó riêng sản xuất linh kiện điện tử khoảng 1 tỷ USD. Ngoài ra còn tập đoàn Meikom (Nhật Bản) bỏ 300 triệu USD cho sản xuất linh kiện điện tử tại Hà Tây...
Trước đó, năm 2008, tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã đầu tư nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh với số vốn 670 triệu USD. Mới đây, Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh cho biết, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho dự án Samsung Complex với nhiều ưu đãi đặc biệt. Đây là cơ sở quan trọng để chủ đầu tư tiến hành tăng vốn cho dự án này từ mức 670 triệu USD hiện nay lên mức 1,5 tỷ USD trong thời gian tới, biến Samsung thành nhà đầu tư dẫn đầu trong lĩnh vực điện tử, điện máy tại Việt Nam.
Đầu năm 2011, hãng điện thoại Phần Lan, Nokia đã ký đề nghị thỏa thuận thuê đất dài hạn với Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh để đặt nhà máy sản xuất điện thoại di động mới với số vốn 280 triệu USD ở Bắc Ninh.
Trước đó các tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới như Canon, Fujitsu (Nhật Bản) cũng đã đầu tư số vốn lớn để sản xuất lắp ráp các sản phẩm điện tử như máy in, máy fotocopy... tại Việt Nam.
Có thể nói Việt Nam đang trở thành một trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài lớn trong lĩnh vực điện tử. Rất nhiều các tập đoàn lớn với những dự án quan trọng, vốn đầu tư lớn đã đổ vào Việt Nam. Các doanh nhân trong lĩnh vực điện tử của Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đang đổ về Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Theo ông Trần Quang Hùng, Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, xu hướng chuyển các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử từ Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á sang Việt Nam vẫn đang diễn ra.
Lý do là Việt Nam hiện có quỹ đất lớn với nhiều vị trí đẹp, thuận lợi cho sản xuất điện tử và giá công nhân rẻ. Bên cạnh đó sản xuất điện tử được coi là lĩnh vực công nghệ cao nên Việt Nam có các chính sách ưu đãi lớn. Trong khi đó tại các nước như Trung Quốc, Malaysia... giá thuê đất, giá nhân công tăng vì vậy Việt Nam trở nên có lợi thế.
Cũng theo ông Hùng việc các tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào sản xuất linh kiện điện tử đáng ra phải là cơ hội tốt để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp điện tử của mình. Nhưng điều này đến nay không thành hiện thực.
Tuy đầu tư vào nhiều, nhưng chủ yếu các DN này chỉ sử dụng đất đai và lao động tại Việt Nam là chính. Việc sử dụng các nguyên vật liệu tại chỗ rất ít, chủ yếu vẫn nhập khẩu và chỉ gia công tại Việt Nam, vì vậy hiện tại giá trị gia tăng còn rất thấp. Năm 2010 xuất khẩu trong lĩnh vực điện tử đạt 3,4 tỷ USD, nhưng giá trị gia tăng chỉ từ 5-10%.
Để có được ngành công nghiệp điện tử thì ngoài việc sản xuất linh kiện, còn cần có đội ngũ các nhà thiết kế có chất lượng, mà Việt Nam lại rất yếu.
Theo điều tra của Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, thì trong hơn 10 năm qua, các DN đầu tư nước ngoài trong ngành điện tử hầu như không đào tạo đội ngũ thiết kế. Họ chỉ đào tạo lao động trông coi dây chuyền sản xuất, hoàn thiện sản phẩm và sửa chữa bảo hành. Bản thân các trường đại học của Việt Nam cũng chạy theo nhu cầu này của DN và gần như không có đào tạo về thiết kế. Nếu không có đội ngũ thiết kế, Việt Nam khó có sản phẩm của riêng mình.
Bức tranh tương phản
Trong khi các DN nước ngoài tấp nập đầu tư vào Việt Nam nhằm hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi và nhân công giá rẻ, thì các DN điện tử 100% vốn của Việt Nam hiện nay quá yếu kém.
Những tên tuổi vang bóng một thời như Viettronic Đống Đa, Tân Bình, Thủ Đức, Biên Hoà nay gần như đã mất dạng trên thị trường. Nhiều DN đang vật lộn để tồn tại bằng việc cho thuê mặt bằng kinh doanh, thậm chí là bán sim, card điện thoại, cho thuê dây chuyền lắp ráp...
Sản phẩm điện tử hoàn chỉnh không có, linh kiện sản xuất ra không có gì, chủ yếu là vỏ hộp carton, xốp chèn, sách hướng dẫn và vỏ nhựa cho tivi, máy tính... toàn những thứ đơn giản và giá trị không cao.
Các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines... đều có ngành công nghiệp điện tử phát triển mạnh. Trong đó, Malaysia, Philippines có kim ngạch xuất khẩu điện tử hàng năm chiếm tới 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia.
Cơ hội đã bị bỏ qua
Theo các nhà chuyên môn, Việt Nam cũng đã từng có cơ hội để phát triển ngành công nghiệp điện tử, gần đây nhất là vào thời điểm đầu năm 1990.
Khi đó, công nghiệp điện tử Việt Nam đã bắt đầu phát triển với một thương hiệu được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng là Viettronic. Các sản phẩm tivi, radio, cassette... do các công ty Viettronic Đống Đa, Tân Bình, Thủ Đức, Biên Hoà lắp ráp với linh kiện nhập từ các hãng điện tử Nhật Bản như Panasonic (có ký kết hợp đồng cung cấp linh kiện, nhưng không sử dụng thương hiệu của họ) có chất lượng tốt, với hệ thống phân phối, bảo hành, bảo dưỡng được quan tâm, thậm chí còn đánh bại cả những thương hiệu nước ngoài mới thâm nhập như Samsung... lúc bấy giờ.
Nhưng sau đó, với chính sách mở cửa, các DN điện tử nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam như Sony, Panasonic, Toshiba... mà chủ yếu là lắp ráp, hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu và thôn tính thị trường.
Với thương hiệu mạnh, chất lượng tốt, có kinh nghiệm quản lý, mở thị trường đã làm cho thương hiệu Viettronic không còn đất sống và thị trường điện tử Việt Nam nhanh chóng rơi vào tay các DN nước ngoài.
Một số chuyên gia nhận định rằng, nếu lúc đó không mở cửa ồ ạt, tạo điều kiện để thương hiệu Viettronic phát triển, thì đến nay ngành CN điện tử Việt Nam đã khác.
Việc mở cửa cho đầu tư ồ ạt mà không bắt họ cam kết phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng nội địa hoá (thậm chí như Sony còn không đầu tư gì mà thuê lại ngay dây chuyền lắp ráp tivi của Viettronic Tân Bình để nhập linh kiện về lắp ráp, sau khi Việt Nam gia nhập WTO thì họ rút lui khi đã xây dựng xong hệ thống phân phối, bảo hành bảo dưỡng trên toàn quốc để đưa sản phẩm từ nước ngoài vào bán), đã khiến cho ngành điện tử Việt Nam mất cơ hội.
Ngay thời điểm đó, các chuyên gia nước ngoài như Israel, Nhật Bản đã khuyên Việt Nam phải phát triển công nghiệp hỗ trợ trước, sau đó là lắp ráp, rồi tiến tới thiết kế sản phẩm, nhưng Việt Nam chỉ quan tâm đến lắp ráp, bỏ qua làm phụ tùng, coi lắp ráp là quan trọng, không có lắp ráp không có công nghiệp điện tử.
Bên cạnh đó, Nhà nước thì đầu tư cho ngành điện tử quá ít. Dự án lớn nhất mà Nhà nước đầu tư cho ngành điện tử là nhà máy Z181 của Bộ Quốc phòng đã ra đời cách đây hơn 30 năm và từ đó không có đầu tư nhiều.
Những năm qua đầu tư cho ngành điện tử hầu như không có gì, còn ít hơn đầu tư cho sản xuất giấy, mía đường...
Đến nay, khi các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là kiếm tìm lợi nhuận, còn các DN trong nước yếu kém, thì ngành công nghiệp điện tử cứ lẹt dẹt mãi.
Theo Hiệp hội Điện tử, các cơ quan chức năng hiện vẫn loạy hoay tìm hướng đi cho ngành công nghiệp điện tử nước nhà. Đi theo hướng truyền thống thì đã muộn, đi vào công nghệ cao thì đòi hỏi vốn lớn, không biết lấy đâu ra, trong khi các nước trong khu vực đã tiến một bước dài.
Nhiều ý kiến cho rằng 10 năm nữa ngành công nghiệp điện tử vẫn không có hy vọng, nếu không có chính sách đột phá mới.
Theo www.vef.vn