Vài thiết bị tin học cần thiết kết hợp với công nghệ Wi-Fi sử dụng sóng radio truyền dẫn dữ liệu có thể giúp máy tính kết nối dễ dàng tới mạng Internet toàn cầu mà không cần dây dẫn.
Công nghệ đó đã và đang mang lại nhiều thuận tiện cho người sử dụng máy tính. Song song với những lợi ích thì cũng chính Wi-Fi lại là một trong những “vũ khí lợi hại” giúp những kẻ “ưa quậy phá” trong thế giới ảo tha hồ tung hoành mà hầu hết những nạn nhân “non nghề” tin học lại phải gánh chịu hậu quả thật.
Anh Nguyễn Thanh Sơn, 31 tuổi, Phó phòng kinh doanh một công ty tư vấn kinh tế tại Hà Nội, sống trên tầng hai khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính. Để thuận lợi hơn cho công việc, anh đăng ký sử dụng mạng Internet tốc độ cao ADSL tại gia đình với gói cước trả theo dung lượng sử dụng.
Anh Sơn cho biết đã đăng ký gói cước này với nhà cung cấp dịch vụ (ISP) vì cho rằng như vậy là rất kinh tế đối với những người sử dụng Internet ít như anh, chủ yếu là để gửi nhận thư điện tử (email) nên hàng tháng số tiền cước luôn dưới 150.000 đồng, vả lại tại thời điểm đăng ký Internet cũng chưa có nhiều gói dịch vụ rẻ hơn như hiện nay để khách hàng lựa chọn.
Thế nhưng cái sự “kinh tế” đó hoàn toàn thay đổi cho đến khi anh lắp đặt chiếc router Wi-Fi tại gia để tha hồ vác chiếc máy tính xách tay online “lê la” khắp nhà.
Những tháng tiếp theo, số tiền cước anh Sơn phải thanh toán cho ISP cứ tăng vòn vọt từ hơn 500.000 đồng cho đến tháng thứ ba thì “kịch tường” ở mức cước sử dụng tối đa là 750.000 đồng tròn trĩnh.
Đi lại khiếu nại lên xuống cả tuần lễ cuối cùng sau một buổi chiều xác minh, nguyên nhân được chuyên gia tin học khẳng định là do cục router Wi-Fi “sành điệu” nằm im lìm góc nhà kia chưa được ông chủ của nó thiết lập chế độ bảo mật cần thiết, nên có kẻ xấu tính trong tầm phủ sóng Wi-Fi cứ việc bật máy tính “xài ké”.
“Cũng may là chỉ mất tiền chứ mấy ông hacker xài net chùa đó mà phá phách gì ảnh hưởng tới xã hội, chuyên gia an ninh mạng lần theo dấu vết trên Internet đúng chỉ có tôi là chết dở, biết kêu ai, chứng minh được trình độ mù tin học để phá thì cũng hết hơi”, anh Sơn than thở.
Chiêu dùng ké này, theo từ ngữ của giới sinh viên được gọi là “Wi-Fi vỉa hè”. Băng đảng xài ké Internet thường xuyên chia sẻ cho nhau trên các diễn đàn mạng (forum) những điểm có sóng Wi-Fi có thể dễ dàng “câu ngoắc”.
Trước đây các “đạo tặc Wi-Fi” nhiều lúc cũng “vất vả” vác cả cái máy tính xách tay lượn lờ phố phường tìm "HOT SPOT" (nơi có phủ sóng Wi-Fi) thì ngày nay đơn giản hơn khi chúng trang bị một chiếc máy dò Wi-Fi bé bằng ngón tay, nó sẽ kêu bíp bíp hay bật đèn xanh lè khi phát hiện ra có sóng radio Wi-Fi với giá vài chục ngàn đồng.
Công nghệ Wi-Fi sử dụng sóng radio tầm ngắn, cho phép phát sóng ra xung quanh bán kính lên tới cả trăm mét, dễ dàng xuyên qua một số vật cản. Vì vậy nếu một quán café hay tư gia nào có lắp đặt Wi-Fi phủ sóng ra xung quanh và không hề cài đặt yêu cầu bảo mật khi kết nối thì bất kỳ ai đó hoàn toàn có thể ngồi vào quán trà đá vỉa hè bên cạnh hay dưới tầng nhà, mở máy tính xách tay ra lướt net vô tư, có thêm ông hàng xóm mê công nghệ lại thiếu tự trọng nữa thì nhất, “mỡ để miệng mèo”.
Theo tìm hiểu của PV, phần lớn những người dùng tư nhân lắp đặt sử dụng Wi-Fi đều không thiết lập yêu cầu mật mã xác thực khi kết nối, một phần do không hiểu biết nhiều về kỹ thuật tin học, cứ mua thiết bị về lắp vào dùng được là xong, đơn giản như cái tủ lạnh, một khía cạnh khác cũng là để giảm phiền toái trong khi sử dụng.
Đối với những hàng quán café hi-tech, vì họ trả phí Internet hàng tháng theo gói cước dùng không hạn chế dung lượng nên việc bị dùng “chùa” sóng Wi-Fi cũng chẳng thiệt hại gì về kinh tế.
Nhưng đôi khi những người kinh doanh này cũng phải khóc dở mếu dở vì tình trạng “nghẽn” mạng do những kẻ “ẩn danh” câu trộm Internet không dây rồi dùng chương trình tải dữ liệu chuyên dụng hay phần mềm chia sẻ ngang hàng P2P như Bittoren, Kazza để tải về những file dung lượng lớn như phần mềm lậu, phim ảnh đồi trụy… từ nhiều website “bẩn” nhan nhản trên mạng Internet.
Lại có chuyện một cô thư ký trẻ đoan trang, chưa chồng làm việc trên tòa nhà 63 Lý Thái Tổ, đi làm cả năm chẳng điều tiếng gì. Thỉnh thoảng cô cũng vác máy tính ra hàng café Wi-Fi gần cơ quan làm việc cho thay đổi không khí. Thời gian gần đây lại luôn nhận được những nụ cười tủm tỉm đầy bí hiểm của các chàng nhân viên cùng văn phòng.
Gạn hỏi mãi cuối cùng cô mới được “bật mí” và tá hỏa khi biết trong thư mục chia sẻ tài liệu (Full sharing folder) với đồng nghiệp trên máy tính của mình đầy ắp dữ liệu ảnh “nóng bỏng”, nạn nhân vụ này khẳng định những thứ “văn hóa phẩm” bậy bạ đó có nguồn gốc do hacker “gửi gắm” vào máy tính qua mạng không dây ở quán café Wi-Fi, có người tin có người không tin, một điều chắc chắn là không hề dễ dàng có thể thanh minh cho tình huống “nhạy cảm” như vậy.
Các chuyên gia tin học từng cảnh báo nhiều về nguy hiểm tiềm ẩn từ Wi-Fi đối với người sử dụng máy tính. Kẻ xấu có thể lợi dụng những hớ hênh “chết người” đó để làm chuyện phi pháp, trộm cắp thông tin cá nhân hay phá hoại trên mạng Internet kiểu “ném đá giấu tay”.
Khoa học kỹ thuật không ngừng phát triển, nhiều thiết bị tin học ứng dụng cuộc sống đến với người sử dụng máy tính đơn thuần ngày càng phổ biến do giá thành rẻ so với nhiều năm trước. Thế nhưng sử dụng chúng như thế nào an toàn nhất cũng như tránh rủi ro không cần thiết thì lại hoàn toàn cần sự hiểu biết về bảo mật tin học.
Khi sử dụng các loại thiết bị công nghệ cao không dây nói chung, đừng ngần ngại xin lời tư vấn hay giúp đỡ từ các chuyên gia, nhân viên bán hàng hay người am hiểu về lĩnh vực nói trên để có được giải pháp “khóa cửa an toàn” tối đa cũng như tránh đi vài chuyện “dở khóc dở cười” thời @
Theo Dân trí