Các nhóm tin tặc tấn công hoặc ăn cắp dữ liệu thông qua các hệ thống mạng đang là mối đe dọa nguy hiểm cho bất kỳ doanh nghiệp hay tổ chức nào. Tuy vậy, các mục tiêu tấn công, phương pháp tiến hành, và hậu quả do các nhóm này gây ra rất khác nhau.
Theo số liệu ước tính, hiện có khoảng 6.000 nhóm trực tuyến với “quân số” dao động thường xuyên lên đến 50.000 thành viên trên toàn thế giới.
Khi nổi giận, chúng sẵn sàng tấn công vào hệ thống của các doanh nghiệp và các tổ chức chính phủ nhằm ăn cắp dữ liệu mật và phơi bày thông tin về mục tiêu của chúng, hoặc đơn giản chỉ là để phá hoại với các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DoS). Đây là những tin tặc có cùng tôn chỉ, những "hacktivists" (từ để chỉ những tin tặc tấn công các hệ thống với mục đích chính trị) công khai như nhóm Anonymous hay nhóm “yểu mệnh” Lulz Security (tuyên bố chỉ có 6 thành viên và chỉ hợp lực với nhóm Anonymous).
Những năm qua, Anonymous thường mở các chiến dịch tấn công website của các cơ quan thuộc chính phủ các quốc gia có chế độ kiểm duyệt Internet chặt chẽ. Nhóm này cũng được cho là thường đăng tải các video khiêu dâm trá hình video dành cho trẻ em trên YouTube. Người ta cho là nhóm này đã tham gia vào các cuộc biểu tình của người dân Iran phản đối kết quả cuộc bầu cử tổng thống Iran vào tháng 6/2009.
Anonymous liên quan đến vụ đánh sập trang web của Thủ tướng Úc vào năm 2009 vì chính phủ nước này có kế hoạch bắt buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) kiểm duyệt nội dung khiêu dâm trên Internet. Nhóm này bắt đầu thực hiện mục đích chống luật bảo vệ bản quyền tác giả bằng cách tung ra các cuộc tấn công DoS nhằm vào các nhóm chống vi phạm bản quyền và các hãng luật. Anonymous cũng đã từng ra mặt hỗ trợ WikiLeaks, sau sự việc trang này cho xuất bản thông tin nhạy cảm, bao gồm các bức điện mật của Bộ Ngoại giao Mỹ bị rò rỉ từ quân nhân Bradley Manning thuộc quân đội Mỹ, người hiện đang ngồi trong tù chờ một phiên tòa quân sự.
Anonymous, có lẽ liên quan đến cả vụ tấn công Sony, đã phát động các cuộc tấn công DDoS làm ngưng trệ dịch vụ của Amazon, PayPal, MasterCard, Visa và những trang khác khi các nhóm thanh toán thẻ này từ chối xử lý các khoản tiền đóng góp ủng hộ WikiLeaks. Anonymous đã làm nổ bùng các cuộc xung đột, chẳng hạn như những cuộc nổi dậy trong năm nay ở Trung Đông, tấn công vào các website của chính phủ các nước Tunisia, Ai Cập và Libya. Nhóm này gần đây đã tuyên bố cho thế giới biết đang hành động chủ yếu nhắm vào chính phủ và các tập đoàn lớn.
Tuy nhiên, hacktivists kiểu như Anonymous chỉ là một dạng của tin tặc có tổ chức. Những nhóm khác lại đang nhắm tới lợi ích tài chính, được tổ chức bài bản để ăn cắp thẻ thanh toán với số lượng lớn và dữ liệu tài chính cá nhân, cũng như thông tin về các tài khoản ngân hàng. Và có những nhóm hướng tới đánh cắp tài sản trí tuệ hoặc thông tin có giá trị cho lợi ích quốc gia, hay tiền bạc, hoặc cả hai.
Dưới đây là vài nét về các nhóm tin tặc đáng chú ý và những hoạt động của chúng trong thời gian qua - bao gồm cả những nhóm có hoạt động “lặng lẽ”, hiếm khi gửi thông điệp "Tweet" để khoe khoang chiến tích.
Băng đảng Zeus
Malware (phần mềm độc hại) mang tên Zeus - chúa tể của các vị thần trên đỉnh Olympus, được thiết kế để đánh cắp thông tin tài chính trên máy tính của nạn nhân, và thực hiện các lệnh chuyển tiền phi pháp đối với các tài khoản ngân hàng của công ty/tổ chức, kết quả là chúng vét sạch tiền trong các tài khoản mà chúng chiếm được.
Tiếp theo
Theo www.pcworld.com.vn