|
Đại diện các nước thành viên tham gia Hội nghị thường niên SPA 2010 tại Malaysia. |
Đây không chỉ là dịp để quảng bá hình ảnh ngành CNTT Việt Nam mà còn là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp phần mềm, CNTT trong nước.
CVPM Quang Trung với Liên minh SPA
Tại Diễn đàn CVPM khu vực năm 2007 tại BangKok (Thái Lan), các thành viên tham gia đã có ý tưởng tạo ra một sự liên kết, hợp tác gắn bó lẫn nhau giữa các CVPM, từ đó Liên minh SPA đã được thành lập với 23 thành viên là các CVPM đến từ 13 nền kinh tế trong khu vực như: Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore… Một năm sau, đại diện các CVPM này đã ký kết biên bản ghi nhớ chính thức thành lập Liên minh SPA tại Trung Quốc vào ngày 8/9/2008 với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các CVPM nói riêng cũng như ngành CNTT nói chung.
Những năm sau đó, các chương trình giao lưu, hội nghị đã liên tục diễn ra tại các nước thành viên nhằm tạo ra cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp thành viên, và thông qua các diễn đàn này, SPA cũng đã tìm ra hướng đi cho ngành công nghiệp phần mềm cũng như các CVPM trong tương lai.
Lần gần đây nhất, tại Hội nghị thường niên SPA được tổ chức ở Malaysia vào năm 2010, CVPM Quang Trung (QTSC) đã chính thức được bầu làm Chủ tịch Liên minh nhiệm kỳ 2011 sau hai năm tham gia Liên minh. Sự kiện này đã ghi dấu ấn cho nhiều năm phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp phần mềm nói riêng, ngành CNTT nói chung của Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Với cương vị Chủ tịch Liên minh SPA, CVPM Quang Trung đã góp phần quảng bá hình ảnh của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam ra quốc tế và tạo ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển cho các doanh nghiệp thành viên của các CVPM khác trong Liên minh. Bên cạnh đó, CVPM Quang Trung còn thông tin về SPA đến với các CVPM trong nước nhằm nhận được sự ủng hộ của các CVPM với Liên minh và cùng nhau hợp tác tạo nên một hình ảnh mới mẻ về ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam đang vươn lên nhanh chóng, phấn đấu sánh ngang với các cường quốc phần mềm trên thế giới.
Trong thời gian qua, những biến động của nền kinh tế toàn cầu đã đặt các doanh nghiệp phần mềm trước những thách thức to lớn. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển liên tục của ngành công nghiệp phần mềm thế giới buộc các CVPM phải tìm cách thay đổi nhanh để phù hợp. Vì thế trong năm 2011, với vai trò Chủ tịch SPA, CVPM Quang Trung đã đứng ra tổ chức Diễn đàn “Công viên phần mềm: Định hướng 2020” nhằm rút ra mô hình, bài học về công tác quản lý các CVPM cũng như khả năng thích ứng của ngành CNTT trước những biến động đó. Ngoài ra, diễn đàn cũng sẽ nêu ra những xu hướng phát triển CVPM tại các nước trong 10 năm tới để từ đó thúc đẩy sự phát triển của các CVPM trong khu vực châu Á và châu Đại Dương nói riêng cũng như ngành CNTT nói chung.
Cơ hội cho các doanh nghiệp CNTT
Diễn đàn SPA 2011 thực sự là nơi để các CVPM trong nước giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các CVPM đến từ những nước trong Liên minh, và cũng là cơ hội dành cho các nhà quản lý, những nhà đầu tư trong và ngoài nước có ý định xây dựng và phát triển CVPM trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, đây còn là dịp để các doanh nghiệp phần mềm, doanh nghiệp CNTT trong nước tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng, tạo ra cơ hội hợp tác kinh doanh với hơn 30 doanh nghiệp đến từ các nước thành viên của Liên minh SPA.
Theo thông tin từ ban tổ chức Diễn đàn SPA 2011, các lĩnh vực mà doanh nghiệp CNTT các nước đến tham dự diễn đàn quan tâm, cần sự hợp tác, đó là các giải pháp thương mại điện tử, giải pháp điện toán đám mây; các hệ thống tích hợp và gia công phần mềm; phát triển các ứng dụng, dịch vụ trên di động; các giải pháp truyền thông qua Internet; các dịch vụ về viễn thông - Internet…
Tham gia giao lưu hợp tác trong diễn đàn lần này, đoàn doanh nghiệp từ Cục xúc tiến thương mại Hồng Kông (HKTDC) có số lượng nhiều nhất với 18 doanh nghiệp. Bà Tina Phan, Giám đốc khu vực Đông Dương của HKTDC cho biết, đến với Diễn đàn SPA 2011, các doanh nghiệp CNTT - Viễn thông của Hồng Kông mong muốn tìm kiếm nhiều đối tác trong hầu hết các lĩnh vực ứng dụng CNTT-TT. Thông qua buổi giao lưu này, CVPM Quang Trung và HKTDC sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp Hồng Kông và Việt Nam cùng chia sẻ thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
Ông Andy Huỳnh, Giám đốc công ty BTM Global Consulting, đến tham gia diễn đàn chia sẻ: “Hiện công ty chúng tôi đang có chiến lược mở rộng thị trường sang các nước khu vực châu Á và châu Đại Dương, vì thế, thông qua buổi giao lưu này, chúng tôi mong sẽ tìm được đối tác trong lĩnh vực phát triển thị trường bán lẻ, thương mại điện tử và lưu trữ dữ liệu…”.
Rõ ràng đây không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có dịp gặp gỡ, giao lưu với các nước phát triển về CNTT trên thế giới, mà tham gia diễn đàn, các doanh nghiệp còn có thể tìm hiểu rõ xu hướng phát triển của ngành phần mềm trong những năm tiếp theo. Qua đó tìm ra hướng đi đúng cho doanh nghiệp, bắt kịp với sự phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo www.ictnews.vn