Diễn ra trong 1 ngày theo hình thức hội nghị truyền hình với 65 điểm cầu, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai, Hội nghị đã dành trọn buổi sáng để lắng nghe những ý kiến, đề xuất của các sở TT&TT.
Vấn đề “nóng” đầu tiên được nhiều địa phương tập trung kiến nghị là cơ chế chính sách tài chính. Hiện chưa rõ cơ chế tài chính nên nhiều chương trình, đề án liên quan đến CNTT-TT vẫn chưa được phê duyệt. Ngay cả Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT cũng chỉ nói là các địa phương sẽ có phần vốn hỗ trợ từ Trung ương nhưng không nói rõ phần vốn này chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số kinh phí thực hiện.
Dù đã được đề cập tại rất nhiều hội nghị, hội thảo, song nhân lực chuyên trách CNTT-TT vẫn đang tiếp tục là “bài toán chưa có lời giải” của các địa phương. Thực trạng chung, lực lượng cán bộ chuyên trách CNTT-TT ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa còn mỏng, chưa thể đảm bảo triển khai thông suốt hoạt động CNTT-TT ở các sở, ban, ngành, quận, huyện, đặc biệt chưa có cán bộ chuyên trách để hỗ trợ vận hành ứng dụng CNTT-TT đến cấp xã. Đã thế, lại chưa có chính sách phù hợp về thu nhập cho những người làm CNTT-TT nên khó thu hút và giữ được người làm được việc.
Một vấn đề nổi cộm khác là sử dụng chung hạ tầng viễn thông. Có địa phương cho rằng Bộ TT&TT cần có chính sách về việc hình thành doanh nghiệp (DN) chuyên đầu tư hạ tầng viễn thông dùng chung, và khi đó, ngay từ khâu xây dựng kế hoạch đã có sự tính toán nhằm đảm bảo hiệu quả cho việc dùng chung, chứ không phải theo hướng để các DN tự xây dựng hạ tầng rồi sau đó mới kêu gọi dùng chung.
Lĩnh vực đặc biệt có nhiều kiến nghị, vướng mắc, đề xuất từ phía các sở TT&TT tại Hội nghị hôm nay là ứng dụng CNTT-TT. Trong đó, một số địa phương than khó triển khai mã nguồn mở khi đồng thời phải triển khai cả việc mua bản quyền phần mềm Microsoft. Một số địa phương khác đề nghị “nới lỏng” chính sách để có đủ kinh phí triển khai các dự án CNTT-TT (thời gian qua, với Nghị quyết 11 của Chính phủ, các địa phương đều phải tiết giảm chi tiêu, dẫn đến thiếu kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng hạ tầng CNTT-TT.
Cũng liên quan tới ứng dụng CNTT-TT, các địa phương đề nghị Bộ TT&TT sau khi đã ban hành các khung theo tiêu chuẩn quốc tế, cần hướng dẫn thống nhất để các DN là đối tác triển khai dự án CNTT-TT của địa phương có thể thiết kế hệ thống phần mềm đáp ứng đúng các chuẩn.
Một số lĩnh vực khác cũng đang tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập như triển khai phần mềm dùng chung; sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng; xác định sản lượng trong hoạt động viễn thông công ích; đào tạo triển khai chương trình đưa thông tin về cơ sở; quản lý hoạt động tuyên truyền quảng cáo trên các phương tiện thông tin điện tử; đảm bảo an toàn an ninh mạng tại các trung tâm tích hợp dữ liệu, các cổng thông tin điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp tại các địa phương; quản lý thuê bao di động trả trước; quy hoạch khu CNTT tập trung; thí điểm trung tâm thông tin phục vụ cộng đồng; phân cấp quản lý CNTT-TT cho địa phương; cấp phép tạp chí, đặc san; cấp thẻ nhà báo…
Tất cả những kiến nghị, đề xuất nêu trên đã được lãnh đạo Bộ cùng các Vụ, Cục thuộc Bộ TT&TT tiếp nhận. Ngay cuối buổi sáng nay, đại diện một số Vụ, Cục đã có những hồi âm tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương.
Chiều nay, các đại diện của Vụ, Cục cùng một số địa phương khác sẽ tiếp tục đề xuất, thảo luận nhằm “khơi thông” những vướng mắc phát sinh từ thực tế.
Theo www.ictnews.vn