Những cuộc rút lui âm thầm
“Nếu bạn được chứng kiến những gì đang diễn ra trong thế giới công nghệ ở Silicon Valley, bạn sẽ chẳng thể biết được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai”, một cựu nhân viên của Facebook (đề nghị giấu tên) phát biểu và ám chỉ đến tình trạng một vụ nổ bong bóng dotcom giống như những gì đã xảy ra cách đây trong 1 thập kỷ. Có điều, đến tận bây giờ các nhà đầu tư – kinh doanh tài chính của phố Wall và giới kinh doanh công nghệ ở Silicon Valley vẫn chưa kết thúc những cuộc tranh luận rằng có phải những quả “bong bóng dotcom 2.0” đang diễn ra hay không. Trong lúc này, các nhân viên của Facebook, Groupon lại chấp nhận ra đi để bán lại toàn bộ số cổ phần mà họ được hưởng và thu về hàng triệu USD bất chấp công ty của họ vẫn đang được định giá ngày càng cao chót vót.
Theo tiết lộ của một số nhân viên đã xin nghỉ việc ở Facebook, họ là những người gia nhập công ty từ những ngày đầu nên vẫn được phép bán lại cổ phần của mình dù Facebook chưa chính thức phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO). “Có vẻ như việc ở lại và nắm giữ số cổ phần trị giá hàng triệu USD của một công ty có độ rủi ro cao như thế này là điều không khôn ngoan lắm”, một cựu nhân viên khác của Facebook nêu quan điểm và đề nghị không nói tên để tránh “làm phiền lòng” Facebook.
Những cuộc rút lui âm thầm này không chỉ diễn ra ở Facebook mà còn ở hàng loạt các hãng công nghệ mới nổi và đang rất “hot” khác khiến cho thị trường cổ phiếu sơ cấp của Mỹ được bơm thêm hàng trăm triệu USD chỉ trong vòng vài tháng qua. Theo tiết lộ của một quan chức thuộc SecondMarrket – thị trường giao dịch cổ phiếu hàng đầu dành cho các công ty tư nhân ở Mỹ thì Facebook đã chiếm tới 45% tổng số giá trị giao dịch và rất nhiều thương vụ có người bán là một trong số 200 nhân viên đầu tiên của Facebook. Những nhân viên gia nhập Facebook sau năm 2007 vẫn được nhận những khoản cổ phiếu thưởng nhưng không được phép giao dịch trước khi công ty này IPO. Một số nguồn tin nội bộ còn cho biết khoảng 100 nhân viên thuộc thế hệ đầu tiên của Facebook đã rút lui dù lãnh đạo hãng từ chối bình luận về vấn đề này. “Tôi đã quyết định bán đi khoảng 10% số cổ phiếu mà mình có để đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra”, một nhân viên khác của Facebook nói.
Rút lui có cơ sở
Sự lo sợ này của các nhà đầu tư và nhân viên không phải là không có cơ sở. Hãy nhìn vào Groupon, dù đến nay hãng này vẫn tiếp tục hoạt động chưa có lãi nhưng một số người trong hãng đã bắt đầu trở nên khá giàu có. Trong số 946 triệu USD mà Groupon huy động được từ các nhà đầu tư hồi cuối năm ngoái, 810 triệu USD đã chảy vào túi của các lãnh đạo hãng. Trước đó, hồi tháng 4/2010, chính những lãnh đạo này đã bỏ túi khoảng 120 triệu USD. Ông Mason và ông Lefkofsky – những chủ tịch của Groupon đã từ chối trả lời khi được hỏi về vấn đề này với lý do Groupon đang trong thời kỳ “im lặng trước khi IPO”.
Việc các nhà sáng lập hay những nhà đầu tư ban đầu quyết định bán cổ phiếu của họ tại các hãng công nghệ non trẻ đã diễn ra từ lâu nay nhưng thời gian gần đây, khối lượng giao dịch đột nhiên gia tăng với một tốc độ đáng ngạc nhiên. Các chuyên gia tài chính cho rằng, khi các hãng càng chậm trễ trong việc IPO thì các nhân viên của họ càng muốn nhanh chóng tẩu tán tài sản. Để phần nào làm hạ nhiệt vấn đề này, Facebook và một số hãng đã phải nới lỏng lệnh cấm và cho phép các nhân viên bán đi một tỷ lệ cổ phiếu nhất định thường là 5% để tránh tình trạng chảy máu chất xám khi họ chỉ còn con đường duy nhất là xin thôi việc để được quyền bán cổ phần của mình. Nhưng tỷ lệ đó vẫn là chưa đủ để họ sắm sửa hành trang cho một cuộc di tản.
“Thậm chí nếu tôi có thể bán đi 20% thì vẫn còn lại tới 80% tài sản “chết cứng” một chỗ và khoản này sẽ chẳng đủ mua áo chống đạn khi chẳng may thế giới này nổ tung”, một cựu nhân viên của Facebook nói với đầy sự ẩn ý. Nhiều “cựu chiến binh”, những người đã trải qua vụ nổ bong bóng dotcom hồi năm 2001 cho rằng hiện tại, họ chưa dám chắc Silicon Valley có đang tạo bong bóng hay không nhưng rõ ràng là có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại đang diễn ra.
“Chúng tôi không chắc những định giá này sẽ tồn tại lâu dài”, ông Kenneth B. Sawyer – người sáng lập và hiện là giám đốc điều hành của quỹ đầu tư Saints Capital phát biểu và cho rằng: “Giá trị của một hãng công nghệ còn do nhiều yếu tố khác quyết định chứ không đơn giản như họ đang nghĩ hiện nay”.
Theo www.ictnews.vn