Dự án do Sở Y tế TP HCM, Sở thông tin truyền thông TP HCM và một số bệnh viện tỉnh thành phía Nam phối hợp triển khai từ đầu tháng 7.
|
Những ca bệnh khó, cần cấp cứu khẩn ở các tỉnh xa sẽ có cơ hội được cứu chữa tại chỗ. Ảnh: Thiên Chương. |
Theo hình thức này, thay vì nhiều giờ đồng hồ nằm xe cứu thương lên thành phố, bệnh nhân chỉ cần nằm tại chỗ và được các bác sĩ ở TP HCM phối hợp chẩn đoán cùng các bác sĩ ở địa phương và hướng dẫn cách điều trị. Các làm này không chỉ cứu sống kịp thời những ca cấp cứu phức tạp cần xử lý nhanh mà còn tiết kiệm được chi phí điều trị.
Tại buổi thử nghiệm đường truyền ngày 29/6, đại diện bệnh viện ở các tỉnh thành phía Nam cho rằng, dự án thực sự có ý nghĩa vì trên thực tế, có quá nhiều trường hợp do chuyển từ tỉnh về TP HCM đã quá thời gian vàng điều trị.
Các tỉnh đầu tiên được đầu tư trang thiết bị để thử nghiệm dự án gồm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi (TP HCM), Bệnh viên đa khoa Gia Lai, Bến Tre, An Giang và Kiên Giang. Các bệnh viện tuyến trên nhận hỗ trợ là Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 1.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho rằng, ngoài chữa trị cho bệnh nhân, việc chẩn đoán và điều trị từ xa qua mạng internet còn giúp các bác sĩ đầu ngành có thể nhanh chóng tập huấn, cập nhật kiến thức phòng và điều trị bệnh cho bác sĩ tuyến dưới.
Theo tiến sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, để việc chẩn đoán và điều trị từ xa thực hiện hiệu quả, các bệnh viện hỗ trợ ở tuyến trên phải có bác sĩ trực 24/24. Bên cạnh đó, Sở sẽ tiếp tục xây dựng dự thảo về quy trình vận hành để trình UBND thành phố duyệt.
Tại miền Bắc, hình thức khám bệnh từ xa (chẩn đoán trực tuyến) cũng đã được thực hiện tại Bệnh viện Bạch Mai, Nhi trung ương nhằm hỗ trợ các bệnh viện tuyến tỉnh trong những ca khó và chuyển giao các kiến thức điều trị cho tuyến dưới.
Theo www.vnexpress.net