Bạn biết thông tin về Hội Tin học Việt Nam thông qua?
Cập nhật: 27/06/2011
Sách điện tử: Còn nhiều rào cản
Thiết bị đọc sách điện tử (e-reader) và sách điện tử (e-book) đã nổi trội trên thế giới từ hơn 1 năm nay nhưng với thị trường Việt Nam dường như chúng vấp phải một rào cản vô hình nào đó.
maydocsach.vn hiện đang nhập Amazon Kindle và Nook Color bán tại VN, ngoài ra, họ còn đặt hàng gia công các phụ kiện kèm theo cho e-reader.
Tuy vậy, vài tháng qua, giới công nghệ VN cũng như những người mê sách có “máu” công nghệ đang tập trung vào thị trường này. Nhiều doanh nghiệp cũng đã quan tâm và kinh doanh thiết bị đọc sách điện tử. Dù thế, chưa có nhà phân phối nào được công nhận là nhà phân phối chính thức mặt hàng e-reader với những thương hiệu như Amazon, Sony, Barnes & Noble... mà chủ yếu là từ nguồn hàng xách tay hoặc mua lại từ nhà phân phối chính thức ở nước ngoài với số lượng lớn để bán lại tại VN. Dễ dàng nhận thấy đây là phương thức kinh doanh thường gặp với các dòng sản phẩm “hot” trên thị trường, đáp ứng được nhu cầu “chạy đua vũ trang” của dân mê công nghệ.
Tuy vậy, với sách điện tử, thực tế hiện đang có nhu cầu tại nước ta, khác với nhu cầu tìm hàng hiệu khác như iPad 2, iPhone 4... Nhiều người yêu thích đọc sách cảm thấy thiết bị đọc sách điện tử rất thuận tiện và dễ dùng, với trải nghiệm không khác gì nhiều so với đọc sách in nhờ công nghệ sản xuất, thiết kế ngày một cải tiến, thời gian dùng pin lâu hơn, thiết bị mỏng, nhẹ hơn, nhiều tính năng hơn bên cạnh khả năng đọc sách.
Gần đây, nhiều cửa hàng bán lẻ đa phần nhập về dòng máy Kindle của Amazon mà Amazon chỉ chính thức bán sản phẩm này qua hệ thống bán hàng của họ mà thôi và vẫn chưa đặt chân đến Việt Nam. Phiên bản mới nhất của Kindle là Kindle 3, với thiết kế trội hơn so với các sản phẩm cạnh tranh khác dùng công nghệ hiển thị E-ink và được nhiều người Việt đón nhận. Bên cạnh đó, một dòng sản phẩm khác đang lấn sang thị trường của thiết bị đọc sách điện tử là máy tính bảng. Vài tháng qua, hàng loạt máy tính bảng “đỉnh” xuất hiện từ các hãng lớn như Archos, Dell, HP, Samsung... nhưng đi đầu vẫn là iPad 2 của Apple. Tuy vậy, nét đặc trưng của e-reader chính là màn hình E-ink gần gũi, thân thiện như sách in hơn so với màn hình LCD, LED của máy tính bảng dễ gây mỏi mắt khi đọc lâu.
Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao các nhà sản xuất e-reader không chú trọng vào thị trường VN? PCWorld VN cũng đã nêu câu hỏi này với một số hãng như Sony, Acer... và câu trả lời nhận được vẫn rất mơ hồ rằng họ đang tìm hiểu thị trường. Dù vậy, cũng dễ dàng nhận ra sự e ngại chính là vấn đề sách điện tử (e-book) và vấn đề bản quyền. Hiện thời e-book được bày bán chính thức cho e-reader đều là sách ngoại văn nhưng việc mua sách qua mạng cũng không dễ vì các ràng buộc về phương thức thanh toán (như nhiều cửa hàng trực tuyến không chấp nhận thẻ tín dụng có nguồn gốc tại VN). Hiện thời, nhà sách Phương Nam (www.phuongnamvh.com) cũng mới chỉ lên kế hoạch thương mại hoá e-book Việt và hứa hẹn trong vài tháng tới sẽ có sách điện tử. Trong khi đó, một vài cửa hàng VN khi bán e-reader cũng “khuyến mãi” khá nhiều e-book tiếng Việt.
Khi nào VN mới là điểm đến cho các nhà sản xuất e-reader? Có thể chỉ khi tỉ lệ vi phạm bản quyền không còn nằm trong nhóm các nước có tỉ lệ vi phạm ở mức báo động (copyright watchlist). Nhìn chung, trên thực tế là đa số người dùng nước ta hiện vẫn chưa đặt nặng vấn đề bản quyền và có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà sản xuất vẫn đang ngoảnh mặt dù thị trường e-reader đang ngày một thịnh trên thế giới. Dù sao những động thái tiên phong như Phương Nam và một vài nhà bán lẻ e-reader cũng khiến người Việt yêu đọc sách nhen nhóm hy vọng về thị trường này tại VN.
8 điều cần biết khi dùng e-reader
1. Các e-reader đều có tích hợp tự điển nên rất tiện lợi nếu bạn thích đọc ngoại văn và dĩ nhiên bạn có thể bổ sung từ điển bằng cách... mua “e” từ điển.
2. Trên mạng cũng có vài tiện ích bổ sung tính năng mới cho e-reader nhưng trừ khi bạn thích khám phá, còn không hãy “an phận” vì rủi ro khá cao.
3. E-reader màn hình E-ink, thời gian dùng pin rất lâu, có thể vài tuần. Tuy vậy, nếu bạn tải lên máy quá nhiều sách thì sẽ làm thời gian dùng pin giảm rất nhiều vì máy phải mất năng lượng để tạo chỉ mục (index). Do vậy, hãy tải những cuốn cần đọc lên máy, còn thư viện sách của bạn nên lưu và tổ chức trên PC
4. Phông chữ tiếng Việt không là “vấn đề” lớn với e-reader dù vài thiết bị không hỗ trợ mặc định; bạn dễ dàng tìm được nhiều bài viết giải quyết vấn đề này.
5. Để chuyển đổi định dạng cho e-reader, không thể không nhắc đến Calibre (calibre-ebook.com) cho dù cũng có nhiều chương trình tương tự. Điểm mạnh của Calibre là: miễn phí và nhiều tính năng từ cơ bản đến chuyên sâu
6. Một số công ty khi bán sản phẩm có kèm theo sách (có bản quyền), như Kobo có sẵn 100 tựa sách cổ điển, Phương Nam tặng kèm 100 tựa sách...
7. Vài loại e-reader không có adapter nguồn kèm theo như Sony Reader, Kobo… và bạn phải sạc qua ngõ USB. Đương nhiên, bạn có thể mua adapter rời. Lưu ý với Nook Color, bạn phải sạc bằng chính cáp USB kèm theo, không sạc qua cáp USB thông thường được. Còn với Sony Reader, bạn có thể dùng chung adapter của PSP nhưng thời gian sạc đầy bằng adapter sẽ nhanh hơn so với sạc qua USB đối với bất kỳ e-reader nào
8. Nook và Kindle vừa thông qua chính sách “cho mượn sách”, bạn chia sẻ tài khoản của mình với người bạn cho mượn. Mỗi chính sách đều có vài khác biệt nhưng nhìn chung đều ràng buộc thời gian và số thiết bị bạn có thể cho mượn.
HỘI TIN HỌC VIỆT
NAM Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông
Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All
rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet
JSC) - Powered by MVC-Web CMS
2.0