Thứ năm, 16/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 25/12/2006
Số hóa nền hành chính công

Plug & Play là một thuật ngữ tin học được dùng để chỉ khả năng cắm một thiết bị số vào máy tính là đã có thể sử dụng được ngay.

Tác giả Lê Nguyễn Bảo Nguyên (Uỷ viên Ban chấp hành hội tin học Cần Thơ) đã xem Đề án Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước (Đề án 112) tương tự như một thiết bị Plug&Play.

Theo tác giả, việc "Plug" của Đề án 112 được xem là đã thành công, nhưng khi "Play" đã phát sinh một số vấn đề phức tạp vì nhiều nguyên nhân rất... Việt Nam. Sau đây là phần phân tích của tác giả tập hợp từ nhiều nguồn dữ liệu có độ tin cậy, đúc kết từ ý kiến đóng góp của nhiều người. Hy vọng rằng bài viết sẽ giúp quý độc giả có một cái nhìn toàn diện hơn về những chặng đường đã qua của hành trình E-Việt Nam…

Nhận thức về vấn đề "Số hóa nền hành chính công"

Đây chính là ẩn số phức tạp nhất, quyết định lời giải sau cùng của bài toán Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước. Khách quan mà nói, trong 5 năm qua, nhờ có Đề án 112 mà nhiều cán bộ công chức đã tỏ ra nề nếp, nghiêm túc và ý thức trách nhiệm tốt hơn đối với công cuộc cải cách hành chính lấy ICT làm động lực tăng tốc. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người “ngầm” bất hợp tác, thiếu nhiệt huyết hoặc có cái nhìn phản cảm vì cho rằng Tin học hóa là “robot” hóa. Sự xuất hiện của những chiếc máy tính cũng đồng nghĩa với việc họ bị mất việc do chúng đã làm thay tất cả?!

Trong lịch sử, các cuộc đại cách mạng về khoa học và công nghệ đều nhằm giảm thiểu sức lao động cơ bắp của con người và đem lại cuộc sống hạnh phúc và ấm no hơn. Cũng chưa có một máy móc nào có thể thay thế được khối óc của nhân loại. Song, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong tương lai không xa, Đề án 112 sẽ giúp tinh giản bộ máy công quyền, cắt giảm những công việc và nhân sự không cần thiết. Nhưng đó lại là quy luật phát triển tất yếu của xã hội, buộc tất cả chúng ta phải luôn vận động nếu như không muốn bị đào thải!

“Bệnh thành tích” cũng là một vấn đề không thể không xét đến. Nhiều địa phương đã gởi báo cáo thiếu chính xác về Trung ương, gây khó khăn trong việc phân tích và đánh giá đúng mức nhằm kịp thời điều chỉnh về mặt sách lược. Nên nhớ cho rằng, mục tiêu mà các địa phương cần phấn đấu không chỉ đơn thuần là thứ hạng, mà còn là việc làm thế nào để người dân càng sớm được tiếp cận chính phủ điện tử càng tốt!     

Số hóa hành chính công phải đến được tay tất cả mọi người!

Gần như trong suốt giai đoạn 1 của Đề án 112, các chủ đầu tư chính là người duy nhất phải vác trên vai gánh nặng tư vấn, xây dựng, triển khai kiêm luôn “chức danh” giám sát! Đến một mức độ nào đấy, khi không còn đủ lực, thì họ đã… “quẳng gánh” hoặc “chèo chống” theo cách của… bản thân?! Mãi cho đến năm 2005, công tác tư vấn ICT mới được trả về đúng nghĩa. Lần đầu tiên, bộ phận này đã được tách bạch ra khỏi nhà thầu nhằm đảm bảo tính khách quan. Ngoài ra, tiếng nói của những người có trách nhiệm thực thi đề án, giới chuyên môn và các nhà khoa học đã xuất hiện nhiều hơn trong các diễn đàn và hội nghị.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa huy động và tập hợp được trí tuệ của một đội ngũ tư vấn viên tình nguyện vốn rất đông đảo và cực kỳ quan trọng. Ý tôi muốn đề cập đến quần chúng nhân dân. Xuất phát từ những tầng lớp lao động khác nhau, mặc dù có trình độ chuyên môn không thể sánh bằng các nhà khoa học, song những gì mà họ đóng góp chính là kim chỉ nam đích thực bởi lẽ chính phủ điện tử là của dân, do dân và vì dân. Trên thực tế, từ đầu năm 2006, chúng ta đã bắt đầu chú tâm nhiều hơn đến đối tượng này. Việc mở các diễn đàn điện tử và đặt nhiều thùng thư để lấy ý dân phần nào đã minh chứng cho vấn đề vừa nêu. Có điều, những giải pháp ấy cần phải được cải tiến cả về hình thức lẫn nội dung thì mới đạt được hiệu suất cao nhất.

Kinh nghiệm của nhiều nước bạn cho thấy chúng ta nên triển khai tất cả dưới dạng cuộc thi. Nghĩa là có khen thưởng, biểu dương và phát động rộng rãi trong cộng đồng. Trên hết vẫn là việc phải thực hiện một cách đều đặn và thường xuyên hơn. Kết quả thu về chắc chắn sẽ mang đến vô số bất ngờ, góp phần đáng kể trong việc tạo nên chuyển biến và đột biến vượt cả mong đợi. Người dân chưa biết cách hoặc chưa quen góp ý theo kiểu hành văn, thì chúng ta phải xây dựng một hệ thống câu hỏi thăm dò với tỷ lệ nội dung đóng vượt trội. Nói chung, rất cần sự chủ động và linh hoạt.

Khó khăn về chuẩn cũng như kinh phí sử dụng phần mềm

Chắc chắn sẽ là bài toán nan giải nhất trong giai đoạn 2 của tiến trình số hóa nền hành chính công. Vất vả là vì ngay từ buổi đầu hoạch định Đề án 112, chúng ta đã không xem phần mềm (chủ yếu là những sản phẩm thương mại mang tính chất nền tảng) là một bộ phận thuộc hạ tầng ICT. Đa phần đã “gài” nó ở chế độ “mặc định” (được “tặng” kèm khi trang bị phần cứng). Còn bây giờ, khi chịu tác động trực tiếp của Luật Sở hữu trí tuệ và sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, thì nguồn kinh phí dành cho phần mềm gần như không biết đi tìm ở đâu?! Khó khăn ngày càng chồng chất bởi lẽ kiến thức và kỹ năng ICT mà chúng ta đã đào tạo cho cán bộ công chức trong giai đoạn 1 đều tập trung vào việc khai thác phần mềm nguồn đóng! Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, 2007 được dự báo sẽ là năm của những hội nghị về phần mềm mã nguồn mở.

Thời gian dành cho sự lựa chọn của chúng ta trong giai đoạn nhạy cảm này là không nhiều và rất cần đến tính quyết đoán trong hành động! Liên quan đến thách thức nói trên còn có vấn đề triển khai phần mềm dùng chung. (Hiện tại chỉ mới ứng dụng được 3 trong số 34 giải pháp thuộc Đề án 112!). Nên chăng chỉ yêu cầu sử dụng một bộ chuẩn chung để trao đổi dữ liệu, còn nhiệm vụ phát triển và ứng dụng phần mềm tác nghiệp thì trao lại quyền tự chủ cho từng địa phương, vừa đảm bảo tính bám sát thực tiễn, vừa thúc đẩy hoạt động sản xuất và gia công phần mềm của mỗi tỉnh/thành.  

Đánh giá của giới truyền thông: đôi khi bất nhất...

Trong vai trò cầu nối, báo chí, phát thanh và truyền hình đã nỗ lực đáng kể nhằm kịp thời cung cấp những thông tin nóng đến với người dân về mọi hoạt động có liên quan đến Đề án 112. Chất lượng tuyên truyền trong năm 2006 đã được cải thiện rõ nét. Tuy nhiên, đa phần lưu lượng chuyển tải đều thiếu chiều sâu, chỉ tập trung quá nhiều vào thành tựu (kết quả cuối cùng) mà không đặc tả được tiến trình số hóa nền hành chính công. Vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa các phương tiện truyền thông đại chúng, dẫn đến việc báo này nói đúng, đài kia nói sai! Đôi lúc còn xảy ra tình trạng diễn giải thiếu chính xác (thậm chí sai lệch) ý kiến của những người trong cuộc! Điều này vô hình trung gây hoang mang và làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với tâm huyết xây dựng chính phủ điện tử.

Theo Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT: “Sở dĩ có chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như trên, một phần là do chúng ta chưa thống nhất được bộ chuẩn dùng để đánh giá các dự án ICT. Thiết nghĩ, thay vì nói nhiều về việc bắt buộc dừng ngay các dự án do sợ lãng phí, tất cả nên cùng tìm cách tháo gỡ vướng mắc để đạt được mục tiêu chung”. Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2007 đối với công tác truyền thông đại chúng sẽ là rất lớn, đặc biệt là khâu phát hiện và biểu dương những điển hình đích thực nhằm thôi thúc cả cộng đồng cùng tham gia.

Kinh phí: nơi cần không có, nơi có... chưa thấy cần

Ngay từ đầu giai đoạn 2 của Đề án 112, nguồn kinh phí ICT đã được huy động và tăng cường đến mức có thể. Điều này thể hiện rõ nét tâm huyết của chính phủ hướng đến một Việt Nam điện tử. Thách thức đặt ra là nên sử dụng nó như thế nào cho thật sự hiệu quả và chống thất thoát. Đúc kết thực tiễn triển khai của những năm về trước, rõ ràng phương án trải đều cho tất cả tỉnh/thành là bất hợp lý. Nhu cầu giữa các địa phương là không giống nhau. Một số nơi đang khát vốn lớn để làm “chuyện lớn” (đủ năng lực) nhưng cũng có chỗ rất ngại tiếp nhận kinh phí vì chẳng biết dùng nó vào việc gì (sợ gánh trách nhiệm)?! Vậy là chỉ còn lại phương án khoán theo năng lực, buộc các địa phương phải đối ứng, chịu mọi trách nhiệm có liên quan đến việc sử dụng kinh phí và thường xuyên có văn bản báo cáo tiến độ gởi về Trung ương.  

Có phần lãng phí

Về lý thuyết, với số tiền bỏ ra gần 100 tỷ đồng, sau 5 năm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ICT, hầu hết các tỉnh/thành sẽ sở hữu một hệ thống mạng máy tính và trung tâm tích hợp dữ liệu hùng mạnh. Nhưng trên thực tế, không phải địa phương nào cũng đạt được mục tiêu này. Không ít nơi đã xảy ra tình trạng trang thiết bị mua về đã không sử dụng được hoặc khai thác kém hiệu quả so với những đòi hỏi của thực tế. Theo kiến nghị chung của lãnh đạo các sở Bưu chính Viễn thông khu vực Nam bộ, cần phải nghiêm túc đánh giá vấn đề này. Đầu tư công nghệ chưa tới ngưỡng hoặc vượt ngưỡng đều là lãng phí, không phải là tiền bạc thì cũng là thời cơ!

Còn nhiều vấn đề cần phải chuẩn hóa

Có khá đông cán bộ công chức đã được tập huấn chuyên sâu về kiến thức và kỹ năng tác nghiệp trên máy tính. Một tín hiệu rất vui nhưng cũng không kém phần âu lo! Phấn khởi là vì chúng ta đã có được một lực lượng nền để vận hành guồng máy 112. Nhưng cũng phải trăn trở vì nhiều khả năng phải tái đào tạo nếu như Việt Nam không còn cách nào khác hơn là chọn sử dụng phần mềm nguồn mở để tránh vi phạm bản quyền. (Hầu hết các máy tính được trang bị cho Đề án 112 đều chạy trên nền các sản phẩm thương mại). Mặc dù, thời lượng sẽ được giảm thiểu từ việc kế thừa kết quả học tập trước đó, song cũng phải thấy rằng, nếu không “tốc chiến, tốc thắng” trên mặt trận nóng bỏng này, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quy hoạch tổng thể.

2006 ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của công tác kiểm tra/giám sát các dự án ICT. Vì được thực hiện thường xuyên và đều đặn, mà tiến trình số hóa nền hành chính công đã diễn ra nhanh hơn, sâu mạnh hơn, đồng thời tránh để xảy ra hiện tượng lãng phí trong đầu tư, mua sắm trang thiết bị CNTT-TT. Hy vọng rằng, thành quả này tiếp tục được phát huy trong năm 2007 với sự chặt chẽ, liên tục và công khai hơn để người dân có thể an tâm, tin tưởng và cùng tham gia. 

Trước đây, vai trò phản biện các dự án công nghệ thuộc đề án 112  thường được ủy thác cho những đơn vị sát hạch chuyên nghiệp hoặc các viện trường danh tiếng. Nhưng nếu muốn có được một sự đánh giá công tâm hơn, thì rất cần đến những phản hồi từ phía người dân. Ngoài ra, vấn đề phản biện đối với các dự án về ICT phải diễn ra theo hướng mở rộng cho mọi tầng lớp trong xã hội. Đối tượng được mời phản biện cũng cần được công khai chọn lọc kỹ lưỡng, thật sự giàu kinh nghiệm và giỏi chuyên môn.

Một trong những điều đáng mừng nhất là chúng ta đang có được một môi trường pháp lý tuyệt vời, trải thảm đỏ cho mọi dự án ICT trong tương lai. Song, cũng phải khẩn trương hơn nữa trong việc ban hành những quy định hoặc hướng dẫn cụ thể nhằm giúp các địa phương thực hiện một cách chính xác và đồng bộ.

Sau đây là một vài số liệu minh họa

 

Theo Tuổi trẻ

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0