|
Ông Nguyễn Tấn Định (bên trái), Phó trưởng Ban Quản lý các KCX và KCN TP.HCM. |
Hội thảo “Nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) TP.HCM trong giai đọan mới”, do Ban quản lý các KCN và Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, ngày 3/6/2011.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng Ban quản lý các KCX và KCN TP.HCM cho biết, hiện trên địa bàn TP.HCM có 3 KCX và 10 KCN đang hoạt động, với quy mô lao động khoảng 250.000 người, trong đó nhu cầu tuyển dụng thêm của các DN là 50.000 lao động.
Theo đề án nguồn nhân lực giai đoạn 2005 – 2010, đến năm 2010 sẽ thu hút 665.119 lao động vào làm việc trong các KCX – KCN trên cơ sở khai thác 2.730 ha đất thương phẩm cho thuê, trong đó lực lượng lao động thu hút tăng thêm trong 5 năm (2005 – 2010) dự báo là 338.976 người trên cơ sở diện tích đất thương phẩm đưa vào cho thuê là 1.926 ha.
Nhưng tính đến tháng 6/2010, các KCX, KCN mới thu hút 252.568 người làm việc (tăng thêm 111.568 lao động), trong đó lao động thuộc ngành nghề điện - điện tử là 44.200 người (10%). Lao động làm việc trong DN có vốn đầu tư nước ngoài là 184.374 người (tỷ lệ 73%), trong DN Việt Nam là 68.194 người (tỷ lệ 27%).
Ông Định cho biết thêm, trong 5 năm tới (2011 – 2015) có khoảng 500 ha đất thương phẩm trong các KCN, KCX được đưa vào hoạt động, thu hút khoảng 50 nghìn lao động (bình quân 100 lao động/ha đất). Số lao động này tập trung ở các ngành: điện - điện tử, công nghiệp cơ khí, công nghệ thông tin, hóa dược. Trong đó, riêng ngành điện - điện tử cần 10 nghìn lao động và công nghệ thông tin cần 5 nghìn.
Theo ông Định, để cung ứng lao động đã qua đào tạo cho các DN trong KCX, KCN trong giai đọan mới, Ban Quản lý các KCN TP.HCM cần phải quan hệ, phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề trên địa bàn TP.HCM, kể cả các tỉnh lân cận để làm cầu nối; thông tin đến các trường về nhu cầu cũng như định hướng nhu cầu của DN để các trường có kế hoạch đào tạo; làm cầu nối để sinh viên, học viên đến thực tập tại các DN, qua đó làm quen với máy móc và thiết bị tiên tiến, phương pháp quản lý hiện đại, từ đó tiếp cận được với DN, tạo thuận lợi cho việc tuyển dụng; xây dựng các trung tâm đào tạo nghề tại các công ty kinh doanh hạ tầng và sớm đưa vào hoạt động…
Theo www.pcworld.com.vn