Chung kết toàn cầu ACM/ICPC từ 27-31/5/2011 tại Orlando Hoa Kỳ:
Sáng 29/5/2011 Lễ khai mạc Chung kết ACM/ICPC đã chính thức bắt đầu cho kỳ thi lập trình sinh viên lớn nhất thế giới:
Lễ khai mạc
105 đội tuyển với 315 sinh viên ưu tú đại diện cho tuổi trẻ sinh viên CNTT từ khắp các Châu lục sẽ chính thức tranh tài trong trận chung kết Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC lần thứ 35 tổ chức từ 28-31/5/2011 tại thành phố Orlando Hoa Kỳ để tranh 12 vị trí hàng đầu gồm: 1 CUP vô địch, 3 giải Nhất, 4 giải Nhì và 4 giải Ba. Thứ hạng từ 1 đến 105 sẽ được phân định và đó cũng là thứ hạng đào tạo sinh viên cho lĩnh vực lập trình với tiêu trí “tài năng - tập thể và hoàn thiện”. Việc có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng Chung kết ACM/ICPC sẽ là vinh dự cho bất kỳ trường Đại học đào tạo CNTT trên thế giới.
Chi tiết và danh sách 105 đội tuyển dự Chung kết toàn cầu ACM/ICPC năm 2011 trên : http://cm2prod.baylor.edu/welcome.icpc
Ông Chủ tịch ICM/ICPC phát biểu tại lễ khai mạc
Trong thời gian thi đấu chính thức trận Chung kết kéo dài 5 tiếng, các đội phải giải quyết được nhiều nhất trong số 10-12 bài thi do Hội đồng ra đề quốc tế tuyển chọn, mỗi bài sẽ đại diện cho các giải thuật ứng dụng thực tế khác nhau.… Để vượt qua những thách thức này, mỗi đội (gồm 3 sinh viên) sẽ phải phát huy tốt nhất khả năng phối hợp đồng đội để xác định chính xác yêu cầu của đề bài, lên kế hoạch xử lý và sử dụng một ngôn ngữ lập trình phần mềm giải quyết vấn đề. Mỗi đội được sử dụng một máy Lenovo ThinkPad W510, phần mềm gồm: Hệ điều hành Ubutu 10.04 linux, ngôn ngữ lập trình Java (version 1.6.0_20) hoặc C/C++ (GCC 4.4.3). Kết nối nộp bài và chấm trực tuyến bởi hệ PC^2 Contest Control System.
Các độii tuyển tự hình thành chiến thuật tập thể để chọn và giải 10-12 bài khác nhau (hoàn toàn bằng tiếng Anh), khi làm xong mỗi bài, nộp online sẽ được chấm đánh giá ngay. Nếu đúng, bài được chấp nhận (01 điểm) và thời gian sẽ bắt đầu tính lại từ 0 cho bài làm tiếp theo. Nếu sai, hệ thống chấm sẽ trả lại bài để đội nộp làm lại hoặc bỏ sang làm bài khác. Mỗi lần nộp lại bài bị cộng 20 phút thời gian. Hệ thống chấm tự động trực tiếp chỉ chấm điểm 1 (giải được) và 0 (sai) cùng cộng điểm thời gian. Đội có số bài làm nhiều nhất trong thời gian ít nhất sẽ được trao cúp vô địch. Đồng thời, thứ hạng của 12 đội dẫn đầu được chia làm ba nhóm: 4 vị trí đầu tiên nhận huy chương vàng, 4 đội tiếp theo huy chương bạc và 4 đội sau đó giành huy chương đồng. Đội đến từ châu lục nào có thứ hạng cao nhất trong bảng tổng sắp thì được trao danh hiệu vô địch châu lục đó. Kết quả và xếp hạng thứ hạng toàn cầu đầy đủ sẽ online vào ngày 30/05/2011 từ 19h00 (giờ Hà Nội) tại http://icpclive.com/
Ra mắt CUP vô địch ACM/ICPC 2011
Equanimity đại diện Việt Nam tham dự chung kết toàn cầu ACM/ICPC 2011
Việc lọt vào vòng chung kết đã khó khi các Đội tuyển Việt Nam phải “chọi” với các đội hùng mạnh từ các trung tâm đào tạo CNTT nổi tiếng từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Việc đội Equanimity Việt Nam vượt qua vòng loại Châu Á tại Hà Nội và Kuala Lumpur Malaixia đã khẳng định vị thế của Đại học KHTN - ĐHQG Tp HCM trong 150 đội, trường hàng đầu thế giới về CNTT. Nỗ lực tiếp theo của 3 bạn trẻ sẽ giành vị trí xứng đáng cho Viêt Nam trong bảng xếp hạnh về lập trình uy tín nhất thế giới này. Đây là năm thứ 6 liên tục Việt Nam có đội tuyển đại diện tham gia Chung kết toàn cầu ACM/ICPC đó là Đại học Bách khoa Tp HCM (năm 2006 tại Mỹ), Đại học Công nghệ ĐHQG Hà Nội (năm 2007, 2009), Đại học KHTN ĐHQG Tp HCM và Đại học Công nghệ ĐHQG Hà Nội (năm 2008 tại Canada), Đại học KHTN ĐHQG Tp HCM (năm 2010 tại Cáp Nhĩ Tân Trung Quốc và 2011 tại Orlando Hoa Kỳ).
Đoàn Việt Nam tới World Final ACM/ICPC là Đội tuyển Equanimity (Việt Nam) gồm 3 sinh viên: Phạm Tuấn Vũ, Trịnh Trần Đăng Khoa, Phan Duy Hùng do thầy Lương Vĩ Minh làm huấn luyện viên.
Đội tuyển Equanimity
Cả 3 thành viên Equanimility là sinh viên đã đoạt nhiều giải Quốc gia, Quốc tế Tin học, và Siêu CUP Olympic Tin học trong nhiều năm. Tại Olympic Tin học sinh viên Việt Nam năm 2008, Phạm Tuấn Vũ giành CUP vàng OLP và cùng đội tuyển Đại học KHTN đã có mặt tại Chung kết ACM/ICPC năm 2010 tại Trung Quốc.
Tại Chung kết toàn cầu ACM/ICPC 2011 tại Hoa kỳ còn có mặt một đội tuyển toàn sinh viên VIệt Nam đó là Đội tuyển NTU Pigeons Đại học Kỹ thuật Nanyang - Singapor gồm các thành viên : Khúc Anh Tuấn, Đoàn Tuấn Anh và Phạm Quang Vũ.
Đội tuyển Pigeons
Giới trẻ CNTT-TT Việt Nam trân thành chúc các bạn thành công, mang lại thứ hạng cao nhất cho tuổi trẻ Việt Nam và thương hiệu Đại học KHTN ĐHQG Tp HCM trong danh sách các trường đại học hàng đầu thế giới đào tạo CNTT-TT.
Chung kết ACM/ICPC 2011 tại Orlando Hoa Kỳ sẽ online trên trang Worrld Final ACM/ICPC tại địa chỉ http://icpclive.com/ và kết quả sẽ trực tiếp từ 19h00 (giờ Hà Nội) ngày thứ hai 30/05/2011.
Nguyễn Long, Giám đốc ACM/ICPC Việt Nam