Từ tháng 5/2011, tốc độ truy nhập tối đa dịch vụ FiberVNN của VNPT được điều chỉnh nâng lên đến 100Mbps, tốc độ truy nhập tối thiểu tăng từ 512Kbps lên đến 2Mbps tùy theo gói cước khách hàng sử dụng.
Cụ thể, tốc độ truy nhập tối đa của 6 gói cước là 100Mbps/100Mbps. Tốc độ truy nhập tối thiểu của gói cước 1 là 512Kbps/512Kbps; gói cước 2 là 640Kbps/640Kbps; gói cước 3 là 768Kbps/768Kbps; gói cước 4 là 1Mbps/1Mbps; gói cước 5 là 1,5Mbps/1,5Mbps và gói cước 6 là 2Mbps/2Mbps.
Theo chính sách này, gói cước thấp nhất của FiberVNN sẽ trong khoảng từ 700.000đồng - 900.000 đồng phù hợp cho đối tượng khách hàng thuộc khối giáo dục đào tạo. Với các khách hàng là doanh nghiệp và cơ quan Đảng, Nhà nước sẽ được miễn cước 01 địa chỉ IP tĩnh.
Đặc biệt, đối với dịch vụ MegaVNN, lần này cũng có sự điều chỉnh lớn. Cụ thể, gói MegaBasic tốc độ truy nhập tăng từ 1.536Kbps/512Kbps lên 2.560Kbps/512Kbps; gói MegaEasy tốc độ truy nhập từ 3.072Kbps/512Kbps tăng lên 4.096Kbps/512Kbps, tương ứng với gói MegaFamily hiện tại.
Còn gói MegaFamily sẽ có tốc độ truy nhập lên 5.120Kbps/640Kbps; gói MegaMaxi sẽ tăng tốc độ truy nhập lên bằng gói MegaPro hiện tại, tức là từ 6.144Kbps/640Kbps tăng lên 8.192Kbps/640Kbps. Đặc biệt, gói MegaPro sẽ có tốc độ truy nhập lên đến 10Mbps/640Kbps.
Các khách hàng sử dụng dịch vụ trước ngày 01/5/2011 sẽ được điều chỉnh nâng tốc độ truy nhập theo gói cước sử dụng.
Việc VNPT/VDC tăng tốc độ mà vẫn giữ nguyên giá cước với hai dịch vụ, nhất là với ADSL được các chuyên gia phân tích, thực chất, đây cũng chính là một hình thức giảm giá mà doanh nghiệp dành cho khách hàng.
Bởi từ đầu năm tới giờ, không chỉ có VNPT/VDC mà các ISP khác như FPT, Viettel… đều cùng phải chịu sự chi phối bởi tỷ giá, sức tăng giá của nhiều mặt hàng trên thị trường song chỉ có VNPT/VDC đưa ra chính sách ưu đãi như vậy để đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Trước thời điểm này hai tháng, FPT Telecom đã có thông báo về việc điều chỉnh chính sách của một số gói dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao ADSL, nâng tốc độ truy cập trong nước tối đa lên đến 8Mbps (tuỳ theo gói dịch vụ khách hàng sử dụng) và miễn phí dịch vụ iTV xem trên máy tính. Song tỷ lệ thuận với nâng tốc độ là giá cước thuê bao cũng được điều chỉnh tăng thêm từ 25 nghìn đồng/tháng - 30 nghìn đồng/tháng (tuỳ theo gói dịch vụ). Động thái này của FPT ngay lập tức đã mắc phải sự phản đối khá mạnh của người dùng.
Còn Viettel, một trong số ba ISP lớn nhất thị trường hiện nay thì vẫn ở tình trạng “án binh bất động”. Chưa có động thái gì để người dùng Internet Viettel thấy sẽ được hưởng các ưu đãi về dịch vụ ở thời điểm này.
Việc VNPT/VDC vẫn giữ nguyên mức giá cho khách hàng dù nâng tốc độ lên ở tất cả các gói dịch vụ được giải thích, doanh nghiệp đã thực hiện tốt nhất việc điều chỉnh, tối ưu các chi phí sản xuất, tối ưu lợi nhuận, doanh thu đồng thời tôn trọng nhu cầu và cùng chia sẻ khó khăn để đem lại lợi ích cho khách hàng. Đây vốn là quan điểm kinh doanh đã được VNPT/VDC xuyên suốt trong thời gian qua đối với dịch vụ ADSL.
Trước sức ép cạnh tranh của nhiều dịch vụ Internet băng rộng khác, đặc biệt là FTTH, hiện nay, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ADSL đang phải không ngừng nghiên cứu cũng như xây dựng các chính sách ưu đãi của mình. Chẳng hạn như nhà mạng sẽ không khuyến mại ào ạt nữa mà tập trung vào các thị trường trọng điểm. Với số lượng thuê bao hiện có, dù vẫn chưa tới thời điểm bão hoà song cũng đã cần được quan tâm hơn để giữ chân.
Với VNPT/VDC, năm nay, ngoài việc đầu tư phát triển thuê bao mới, mục tiêu bảo toàn các thuê bao hiện được đặt lên hàng đầu, doanh nghiệp sẽ tập trung ưu đãi để đánh thức các thuê bao “ngủ” của mình dậy bằng cách đưa ra hàng loạt các ưu đãi như tặng modem, tặng cước sử dụng... Và giờ, là tăng tốc độ truy nhập cho dịch vụ mà giá cước vẫn được giữ nguyên.
Trước quá nhiều sự lựa chọn, người dùng Việt đang ngày một khắt khe hơn với dịch vụ ADSL cũng như với chính nhà cung cấp dịch vụ. Động thái của VNPT/VDC chắc hẳn sẽ được khách hàng đón nhận nồng nhiệt, giúp doanh nghiệp có thêm một lượng thuê bao kha khá trong thời gian tới. Và lẽ dĩ nhiên, các ISP khác khó có thể ngồi yên mà sẽ phải có chính sách để làm sao kích cầu người dùng, không để khách hàng của mình “thua chị, kém em”.
Theo www.vnmedia.vn