|
TS. Cao Hào Thi.
|
Tại buổi nghiệm thu, hầu hết hội đồng phản biện cho rằng việc xây dựng mô hình dự báo nguồn nhân lực CNTT của TP.HCM theo mô hình chuỗi thời gian và mô hình nhân quả phù hợp hơn mô hình cân đối liên ngành I/O. Nguyên nhân do dữ liệu đầu vào về nguồn nhân lực CNTT thiếu chuẩn xác, còn nghèo nàn, dẫn đến kết quả nghiên cứu có thể sai lệch.
Theo Tiến sĩ Dư Quang Nam – Trưởng văn phòng đại diện Tổng cục Thống kê tại TP.HCM, Ủy viên Hội đồng phản biện, về mặt dữ liệu, nhìn chung các dữ liệu liên quan đến nguồn nhân lực CNTT thường được mô tả định tính, các số liệu đinh lượng có liên quan đến các mô hình dự báo thường rời rạc, không đồng bộ, thiếu tính hệ thống.
Về dự báo số tuyển sinh ĐH và CĐ của TP.HCM từ 2010 – 2020, mô hình theo thời gian là mô hình thích hợp nhất.
Theo kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Cao Hào Thi, Khoa Quản lý Công nghiệp (chủ nhiệm của nhóm nghiên cứu đề tài), kết quả của mô hình theo thời gian, đến năm 2020, số tuyển sinh ĐH và CĐ CNTT của TP.HCM là 31.119 sinh viên, nếu so với số tuyển sinh năm 2009 là 15.921 SV thì trong vòng 10 năm tới số sinh viên này sẽ tăng lên 100%, điều này cho thấy các cơ sở đào tạo ĐH và CĐ CNTT ở TP.HCM cần phải có kế hoạch cụ thể để đáp ứng nhu cầu này.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, đây là đề tài phù hợp với thời buổi hiện nay, bởi lẽ có dự báo tốt mới có thể đưa ra được hướng đi, hướng phát triển cụ thể không chỉ trong lĩnh vực công nghệ và còn ở nhiều lĩnh vực khác. Đề tài đạt loại khá, tuy nhiên cần bổ sung và hoàn thiện về số liệu.
Đề tài được tiến hành theo yêu cầu của Sở KHCN TP.HCM và Sở KHĐT nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước đối với sự phát triển ngành CNTT. Thời gian thực hiện đề tài từ tháng 6/2009 đến tháng 4/2011.
Theo www.pcworld.com.vn