Vùng Đông Nam Bộ với 8 tỉnh: Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng và Bình Thuận, vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp tích cực trong việc thực hiện thành công những mục tiêu Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam đến năm 2010.
Xã hội hoá đầu tư KH&CN
Thứ trưởng thường trực Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định: KH&CN là “hạt nhân”, là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Vì vậy, giai đoạn tới ngành KH&CN phấn đấu tổng đầu tư xã hội cho KH&CN đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và 2% GDP vào năm 2020.
Theo đó, giai đoạn tới, sẽ phấn đấu tăng tỉ lệ chi ngân sách hàng năm cho KH&CN, đảm bảo tốc độ tăng chi cho KH&CN cao hơn tốc độ tăng chi bình quân của ngân sách nhà nước. Cùng với việc tổ chức sử dụng có hiệu quả nguồn đầu tư 2% tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm cho KH&CN, tiến tới hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động cũng như thu hút các nguồn đầu tư khác của xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp cho phát triển KH&CN.
|
Toàn cảnh Hội nghị Giao ban vùng Đông Nam Bộ lần thứ XI. |
Để thu hút nguồn đầu tư, đẩy mạnh xã hội hoá công tác đầu tư cho KH&CN, ngoài việc sử dụng nguồn kinh phí do trung ương hỗ trợ cần có giải pháp cụ thể theo lợi thế của từng địa phương để vận động doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm thành lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, để sớm đưa quỹ phát triển KH&CN của tỉnh, thành phố hoạt động hiệu quả. Song song với việc xã hội hoá công tác đầu tư cho KH&CN cần đưa giải pháp liên kết các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ để tận dụng thế mạnh của từng địa phương, tạo lập mạng thông tin KH&CN chung, cùng với đội ngũ cán bộ KH&CN trong và ngoài vùng, áp dụng KH&CN để giải quyết các vấn đề của vùng.
Ông Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng, Trưởng ban KH&CN địa phương, Bộ KH&CN cho biết: Thấy được vai trò và tầm quan trọng của KH&CN trong quá trình phát triển kinh tế đất nước cũng như lợi ích của việc xã hội hoá đầu tư cho KH&CN. Vì vậy, trong thời gian qua, các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đã quan tâm đến công tác xã hội hoá đầu tư cho KH&CN.
Các địa phương đã hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KH&CN góp phần xã hội hoá trong hoạt động KH&CN; gắn kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, giữa nghiên cứu và ứng dụng... Việc đẩy mạnh xã hội hoá đã được một số địa phương triển khai tốt, đạt hiệu quả cao như: Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh.
Việc thành lập Quỹ Phát triển KH&CN đã được thực hiện tại 6/8 tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ gồm: Bình Dương, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước. Quỹ phát triển KH&CN bước đầu đã mang lại hiệu quả, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN vay để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, các dự án sản xuất thử nghiệm, đổi mới công nghệ, đầu tư ứng dụng công nghệ mới. Bên cạnh đó, các tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu đã hướng dẫn các doanh nghiệp, công ty dành 10% lợi nhuận trước thuế theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ. Như vậy, công tác xã hội hoá triển khai hiệu quả cùng với việc thu hút được nhiều doanh nghiệp thành lập Quỹ Phát triển KH&CN thì đây là một nguồn lực đáng kể lớn hơn nhiều so với nguồn ngân sách tỉnh, thành phố đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới công nghệ.
Huy động nguồn lực đầu tư KH&CN
Thứ trưởng thường trực Bộ KH&CN Nguyễn Quân nhấn mạnh: Với những nỗ lực và cố gắng của ngành KH&CN trong vùng Đông Nam Bộ, trong những năm gần đây, năng lực xây dựng các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển KH&CN của các địa phương đã từng bước được cải thiện nâng lên rõ rệt, thông qua số liệu của vùng thì tỉ lệ vốn đầu tư phát triển của các địa phương trong vùng sử dụng ngày càng cao hơn.
|
Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển nông nghiệp tại Lâm Đồng. |
Cùng với việc đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư cho KH&CN, trong giai đoạn này, các địa phương trong vùng tiếp tục đầu tư, chú trọng tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất cho ngành KH&CN, xây dựng và đầu tư chiều sâu cho các tổ chức KH&CN; đặc biệt là quan tâm đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Ứng dụng KH&CN và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Điển hình là tỉnh Bình Dương, đã đầu tư 55 tỉ đồng tăng cường cơ sở vật chất, năng lực cho các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh như: tăng cường năng lực cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN chuẩn bị chuyển đổi hoạt động theo Nghị định 115/NĐ-CP. Tương tự, tỉnh Bình Thuận cũng đầu tư cho Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN; Đầu tư trang thiết bị phòng thử nghiệm Đo lường - Chất lượng...
Điểm nhấn vùng Đông Nam Bộ là các địa phương đều hướng mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Ưu tiên phát triển công nghệ cao, công nghệ làm nền tảng cho phát triển kinh tế tri thức: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ cơ khí - tự động hoá... Bên cạnh đó là nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, tăng tỉ lệ các dự án sản xuất thử nghiệm và huy động tiềm lực của doanh nghiệp để thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu, đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các địa phương trong vùng ưu tiên tập trung nguồn lực để sẵn sàng tham gia thực hiện chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia; khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ hiện đại, công nghệ cao, trước hết là đối với các ngành, lĩnh vực chủ lực, mũi nhọn; tăng cường các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, làm chủ công nghệ then chốt, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, trong đó ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đảm bảo phấn đấu nâng tỉ trọng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 30% tổng giá trị công nghiệp đến năm 2015 và khoảng 40% đến năm 2020 cũng như phát triển mạnh thị trường công nghệ, đảm bảo mức tăng trưởng giá trị giao dịch mua bán công nghệ đạt trung bình 15%/năm.
Theo www.laodong.com.vn