|
Việc Huawei đệ đơn lên tòa án các nước châu Âu để giải quyết tranh chấp khi sự kiện pháp lý này là hoàn toàn phù hợp và là sự bảo vệ quyền lợi chính đáng. |
|
|
Phía cơ quan tư pháp Đức vừa đưa thêm một số tình tiết mới về vụ việc Huawei kiện ZTE do có tranh chấp về bản quyền và thương hiệu tại thị trường Châu Âu. Theo tờ Finace times, tòa án Hambourg đã ra lệnh cấm tạm thời ZTE không được cung cấp một số các sản phẩm USB 3G vì vi phạm bản quyền về mẫu mã và logo thương hiệu.
Sự kiện hãng công nghệ viễn thông hàng đầu của Trung Quốc là Huawei Technologies khởi kiện ZTE Corp đã thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là giới công nghệ trong thời gian vừa rồi. Cũng có nhiều bình luận, suy đoán qua sự kiện này.
Theo nội dung khởi kiện mà Huawei gửi đến tòa án của Pháp, Đức và Hunggary, Huawei cho rằng ZTE đã xâm phạm bản quyền và thương hiệu của mình. Nhiều nguồn tin cho biết, bên cạnh việc đệ đơn lên cơ quan tòa án của các nước châu Âu, Huawei đã gửi thư cho ZTE về việc vi phạm bản quyền thương mại của ZTE trên một số sản phẩm USB 3G, ngoài ra Huawei cũng còn yêu cầu ZTE dừng bán các sản phẩm có in logo mà Huawei đã đăng ký và được cấp giấy chứng nhận tại Châu Âu.
Ban đầu, cũng có giả thuyết đưa ra, việc kiện tụng này có thể do giành ngôi dẫn đầu của 2 doanh nghiệp này tại thị trường Châu Âu. Tuy nhiên, tìm hiểu thì thấy, việc bùng nhùng giữa 2 doanh nghiệp hàng đầu này không phải là vấn đề thị phần, thị trường hay khách hàng mà đây là một tranh chấp về bản quyền và thương hiệu (một vấn đề rất dễ xảy ra đối với bất cứ doanh nghiệp nào trên thế giới khi cùng tham gia kinh doanh trên một lĩnh vực).
Quan điểm này trùng hợp với nhận định của Matt Walker - chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu thị trường viễn thông Ovum, thị trường viễn thông, công nghệ vẫn còn đủ khoảng trống cho cả Huawei và ZTE. Hơn nữa với tư duy đoàn kết, hợp lực của người Trung Quốc khi kinh doanh tại các thị trường bên ngoài, có thể nhận thấy “sự cố” ZTE và Huawei chỉ là một tranh chấp thương mại bình thường trong các vấn đề kỹ thuật và marketing.
Điều này cũng được ZTE thừa nhận. Về phía mình, Huawei cũng cho rằng luôn đề cao những nguyên tắc hợp tác kinh doanh đó là sự giao kết, thỏa thuận khi các doanh nghiệp sử dụng những sản phẩm sở hữu trí tuệ của nhau.
Như vậy một giả thuyết về sự tranh giành ngôi dẫn đầu của 2 doanh nghiệp này tại thị trường Châu Âu có vẻ như thiếu thuyết phục. Việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, thậm chí là khách hàng luôn là yếu tố sống còn của mỗi doanh nghiệp. Hơn nữa, không thể nói rằng trong thị trường phát triển như châu Âu, pháp luật các nước sở tại và khách hàng có thể chấp nhận một sự nhầm lẫn về bản quyền và thương hiệu.
Dưới góc nhìn pháp lý có thể thấy, những tranh chấp về bản quyền, sở hữu trí tuệ chính là sự tự bảo vệ của doanh nghiệp về uy tín, cam kết chất lượng sản phẩm dịch vụ mà họ cung cấp. Hơn nữa, đối với một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ cao, vấn đề sở hữu trí tuệ càng được đặc biệt quan tâm và bảo vệ như một loại tài sản cốt lõi.
Hơn nữa việc tuân thủ pháp luật trong sở hữu trí tuệ không chỉ đem lại lợi ích bền vững cho doanh nghiệp, một thị trường mà khách hàng sẽ là những chủ thể được lợi. Lợi ích của khách hàng đó chính là quyền được đảm bảo trong sáng, minh bạch về thương hiệu sản phẩm, dịch vụ mà họ sử dụng. Đặc biệt khi mà khách hàng sử dụng sản phẩm bị tranh chấp về bản quyền sẽ kéo theo sự tiềm ẩn những rủi ro khác. Đây là một điều không thể phủ nhận.
Do đó, việc Huawei đệ đơn lên tòa án các nước châu Âu để giải quyết tranh chấp khi sự kiện pháp lý này là hoàn toàn phù hợp và là sự bảo vệ quyền lợi chính đáng. Đây chính là nguyên nhân mà vụ việc này không thể giải quyết tại Trung Quốc và cũng không thể nói, hai doanh nghiệp “con đẻ” của Trung quốc “thiếu tin tưởng” vào hệ thống tòa án của nước mình.
Theo www.vnmedia.vn