“Đào tạo thương mại điện tử (TMĐT) đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp: Thực trạng Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” là chủ đề hội thảo quốc tế do Cục TMĐT và CNTT, Bộ Công Thương chủ trì dự kiến diễn ra vào 27/5/2011 tại Trường Đại học Thương mại (Hà Nội). Tham dự hội thảo sẽ có đầy đủ đại diện của các khối đào tạo, nghiên cứu và doanh nghiệp, đặc biệt là sự tham gia của các diễn giả quốc tế đến từ Đại học RMIT, Microsoft, Visa…
Hội thảo sẽ tập trung thảo luận các vấn đề liên quan tới tình hình đào tạo TMĐT tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, chia sẻ một số mô hình đào tạo kết hợp giữa nhà trường - doanh nghiệp ở trong và ngoài nước; giới thiệu các giải pháp công nghệ mới ứng dụng trong TMĐT.
Đây là lần thứ 2 (lần đầu diễn ra vào tháng 12/2009) Cục TMĐT và CNTT, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo về chủ đề này nhằm thúc đẩy hoạt động đào tạo TMĐT đáp ứng tốt hơn nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và xa hơn là thúc đẩy TMĐT Việt Nam phát triển hơn nữa.
Báo cáo TMĐT 2010 của Cục TMĐT và CNTT đã rút ra nhận định “TMĐT đã trở thành bạn đồng hành không thể thiếu của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam”. Điều này dự báo nhu cầu nhân lực TMĐT thời gian tới sẽ tăng cao. Trong khi đó, cũng theo kết quả khảo sát của Cục TMĐT và CNTT đối với 125 trường ĐH, CĐ trên cả nước, đã có 2 trường thành lập khoa TMĐT, 14 trường thành lập bộ môn.
Tuy nhiên, vẫn chưa có một kết quả khảo sát nào công bố chính xác số sinh viên ngành TMĐT ra trường hàng năm. Bên cạnh đó, do TMĐT là môn học liên ngành kinh tế - CNTT nên tỷ lệ giảng dạy các môn học này ở mỗi cơ sở đào tạo cũng khác nhau. Nhìn chung ở Việt Nam, tỷ lệ này là 6:8 trong khi, ở Mỹ là 4:7, ở Canada là 5:5; ở Australia là 5:4… Vì vậy, ngoài chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia, hội thảo cũng là dịp để các doanh nghiệp thể hiện quan điểm đối với vấn đề đào tạo sao cho phù hợp với thực tế tuyển dụng tại đơn vị mình.
Dự kiến tại hội thảo lần này, bức tranh tổng quan về nhu cầu nguồn nhân lực TMĐT của doanh nghiệp/ngành/lĩnh vực sẽ lần đầu tiên được công bố.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Giám đốc 123 Mua: Thiếu nhân lực được đào tạo toàn diện cả công nghệ lẫn thương mại
Cũng như nhiều công ty khác trong lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua, 123mua gặp khá nhiều khó khăn trong vấn đề tuyển dụng nhân lực, nhất là vị trí kỹ thuật viên (technicans). 123mua là một sản phẩm đòi hỏi độ ổn định cao và khả năng mở rộng lớn khi có nhiều người dùng - nên đối với nhân sự ở vị trí này chúng tôi cần cả kỹ năng và kiến thức lõi căn bản về lập trình, khác nhiều so với yêu cầu tuyển dụng lập trình làm gia công phân mềm.
Tuy số lượng tuyển chỉ là 2 người có kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ lập trình PHP (Hypertext Preprocessor) nhưng suốt 6 tháng qua vẫn không tuyển được. Đa phần ứng viên hoặc là được đào tạo thành thợ (chủ yếu đến từ các trung tâm đào tạo như Aptech hay NIIT) thì lại thiếu kiến thức lõi căn bản, và ngược lại, người nắm được kiến thức lõi (đến từ các trường đại học) thì lại thiếu kỹ năng giải quyết thực tế công việc.
Ngoài vị trí kỹ thuật viên, lĩnh vực TMĐT, còn thiếu những nhân sự chuyên làm sản phẩm web. Nguyên nhân là do nhân lực làm việc trong ngành Internet còn rất mới và chưa có một trường lớp đạo tào bài bản. Nếu có người giỏi thì hoặc do đào tạo ở nước ngoài, hoặc là tự mày mò học hỏi và tự phát triển các sản phẩm web (thông thường đối tượng này sẽ gắn bó theo sản phẩm chứ ít khi chấp nhận đi làm thuê).
Để giải quyết bài toán thiếu nhân lực, chúng tôi phải áp dụng phương pháp hỗ trợ chéo giữa các nhóm làm việc đối với vị trí bị khuyết. Bên cạnh đó, chúng tôi chấp nhận mất thời gian đào tạo lại từ đầu đối với các nhân sự tuyển mới.
Bà Đào Lan Hương, Phó Tổng giám đốc Công ty Peacesoft, sở hữu chodientu.vn: Quan hệ cung cầu về nhân lực TMĐT đang mất cân đối
Tổng số nhân sự đang làm việc tại Chợ điện tử là gần 200 người, trong số đó nhân sự được đào tạo qua trường lớp về TMĐT chiếm 30%. Tình trạng phổ biến là những nhân sự chuyên về CNTT lại biết quá ít về thương mại và ngược lại. Dự kiến, trong năm 2011, công ty cần thêm 300 nhân sự trong lĩnh vực này.
Nếu xét chung trên mặt bằng thị trường, tôi cho rằng quan hệ cung - cầu hiện nay khá mất cân đối. Trong 2 năm gần đây, các doanh nghiệp ngày càng đầu tư nhiều vào hoạt động TMĐT, trong khi đó mới chỉ có duy nhất trường ĐHTM có khoa TMĐT, còn lại các trường khối kinh tế khác mới chỉ có bộ môn TMĐT.
Để giải quyết vấn đề nhân lực TMĐT, tôi nghĩ cần có sự tham gia của 4 nhóm đối tượng:
-
Sự quan tâm của nhà nước đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực TMĐT, có thể thông qua các dự án giáo dục đại học, cao đẳng đầu tư vào phần mềm đào tạo TMĐT, hạ tầng v.v...
-
Sự quan tâm và nhạy bén của các trường, trung tâm đào tạo trước nhu cầu ngày càng nhiều của thị trường và doanh nghiệp trong lĩnh vực này
-
Sự cổ vũ của các phương tiện truyền thông, khuyến khích thị trường nhân lực dịch chuyển vào những lĩnh vực mới, tiềm năng
-
Sự tham gia của các đơn vị TMĐT, các hiệp hội TMĐT nhằm đóng góp vào sự phát triển chung của ngành, lĩnh vực.
Theo www.pcworld.com.vn