Vietnam Mobile Day (Ngày hội Di động Việt Nam) 2011 cung cấp khá toàn diện về những công nghệ mới nhất, hướng ứng dụng và phát triển công nghệ di động (mobile) trên các nền tảng Android, iPhone, Window Phone 7, Samsung Bada, thông qua các báo cáo phân tích của các thuyết trình viên đến từ nhiều đơn vị khác nhau trong ngành di động. Bên cạnh đó là những thông tin, nhận định về xu hướng đào tạo lập trình di động tại Việt Nam.
Một trong những vấn đề rất được quan tâm tại hội thảo là khả năng phát triển của các ứng dụng thuần Việt trên smartphone. Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, đại diện FPT - FMA, thị trường di động trong những năm qua đang có những biến đổi không ngừng, trong đó có mối quan hệ giữa các nhà mạng (MNO) và các nhà sản xuất thiết bị (OEM) về việc cung cấp sóng, thiết bị, hệ điều hành, và kho ứng dụng. Trong mối quan hệ đó, các ứng dụng thuần Việt dành cho smartphone hoàn toàn có khả năng thích ứng và phát triển.
Theo ông Quỳnh, các ứng dụng của FPT sẽ được cung cấp theo 2 cách: hoặc tích hợp sẵn trên thiết bị, hoặc người dùng tự tải trên kho ứng dụng F-store. Ông cũng cho biết thêm, hiện tại F-store có khoảng 1.000 ứng dụng và sẽ được thương mại hóa vào quý 3/2011. Mục tiêu của FPT là mở rộng kho ứng dụng cho khoảng 10 triệu người dùng với hơn 50.000 ứng dụng vào năm 2014.
|
(Nguồn: FPT, tháng 5/2011). |
Trong khi đó, nói về dịch vụ giá trị gia tăng cho ĐTDĐ (VMAS), theo diễn giả Nguyễn Minh Quang (Galaxy Mobile), thị trường này đang mở ra cơ hội rất lớn các nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam khi ngành viễn thông có tốc độ phát triển khá nhanh trong 5 năm gần đây với một thị trường khá mở đối với ứng dụng trò chơi (game), mạng xã hội, và tiếp thị trên di động.
Cùng với đó, sự phát triển của công nghệ 3G đang mở ra một kỷ nguyên mới cho dịch vụ Mobile Internet cũng như khả năng thanh toán tiện lợi trực tuyến và qua di động. Theo số liệu từ Telcos, thị trường VMAS hiện tại chủ yếu có nguồn thu từ tin nhắn SMS/MMS (nhắn tin xổ số, tải nhạc chờ, hình nền, nhắn tin bóng đá, tin nhắn làm công cụ thanh toán). Riêng dịch vụ nhắn tin này chiếm đến 90% của thị trường. Phần còn lại là doanh thu từ các ứng dụng, game…
Dự báo về thị trường VMAS trong 3 năm tới đây, ông Quang cũng khẳng định, doanh thu vẫn tập trung chủ yếu vào dịch vụ SMS. Tuy nhiên, xu hướng xã hội hóa cung cấp nội dung cho mobile cũng sẽ phát triển với các nội dung như GO online, Go-social… mang tính cá nhân hóa nhiều hơn…
|
VMAS sẽ là kỷ nguyên của Mobile Web và Mobile Apps. |
Ngoài ra, Vietnam Mobile Day 2011 còn đề cập các vấn đề rất được các lập trình viên quan tâm lập trình trò chơi (game) trên iPhone, Android, Bada, cũng như việc phát triển các ứng dụng thuần Việt khác như Tim!Books lập trình giao diện, khả năng tùy biến, kế thừa trên các nền tảng di động đang được ưa chuộng như Android, iOS, hay Samsung Bada; giải pháp in ấn trên Android…
Đây cũng là lần đầu tiên Vietnam Mobile Day được tổ chức với sự tham dự của Trường đào tạo lập trình viên quốc tế AiTi – Aptech, ISB Vietnam, CNC Mobile, FPT – FMA, Galaxy Mobile, eXo Platform SEA, ĐH Xây Dựng, Microsft Vietnam, MISA, PTT Solution, VNG, V.N.E.X.T Software cùng hàng trăm lập trình viên mobile, kỹ thuật viên và sinh viên các công ty, trường ĐH tại Hà Nội.
Theo www.pcworld.com.vn