|
PPP có ưu điểm nổi trội về mặt thời gian thưc hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Thanh Hải |
Lợi cả đôi đường
Nhằm thu hút nguồn vốn và tham khảo trình độ công nghệ, kinh nghiệm quản lý của khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài cho việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công, từ tháng 11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 71 về thực hiện thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, tạo hành lang pháp lý cho việc đẩy mạnh hợp tác PPP ở Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Đặng Huy Đông, trước mắt, các dự án PPP của Việt Nam đang ưu tiên vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng “cứng” như đường bộ, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ, hệ thống thu gom xử lý chất thải, nhà máy điện, nước… Tuy nhiên, CNTT cũng là một trong những mối quan tâm lớn.
So với các hình thức đầu tư hiện hành, PPP có ưu điểm nổi trội về mặt thời gian thực hiện thủ tục hành chính và tính đơn giản của thủ tục hành chính do không phải trải qua nhiều cấp thẩm định như phương thức đầu tư sử dụng ngân sách Nhà nước. Chẳng hạn, rút ngắn được thời gian thực hiện các khâu có liên quan đến doanh nghiệp, nhất là thủ tục đấu thầu vì không gắn với chi tiêu công mà gắn với chi tiêu thuộc doanh nghiệp.
Vẫn còn cân nhắc
Gấp rút hiện thực hoá mô hình Chính phủ điện tử và tăng tốc đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT, các Bộ, ngành đang tích cực triển khai hàng loạt dự án CNTT-TT quy mô lớn với tổng kinh phí đầu tư khá “nặng đô”.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Nguyên Vũ, Phó Cục trưởng Cục Tin học & Thống kê tài chính, Bộ Tài chính cho biết, Hiện có 3 “lựa chọn” để triển khai các dự án CNTT-TT, gồm sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vay vốn ODA và PPP.
Trong đó, việc sử dụng vốn ngân sách đang có xu hướng phải hạn chế dần, nhất là sau khi có Nghị quyết 11 về cắt giảm chi tiêu; cộng thêm các quy định về chi tiêu ngân sách luôn phải tuân thủ trình tự chi tiết rất phức tạp, mất rất nhiều thời gian cho việc triển khai dự án CNTT-TT, không đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc sống. Còn triển khai theo cách PPP thì doanh nghiệp chịu trách nhiệm đầu tư hạ tầng, có khả năng sẽ đẩy nhanh được tiến độ và nâng cao chất lượng.
Với quan điểm ủng hộ PPP, Bộ Tài chính đang dự kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương áp dụng PPP trong đầu tư xây dựng hệ thống tự động hoá để cung cấp dịch vụ công Hải quan hướng tới cơ chế Một cửa quốc gia. Hiện đã có 1–2 doanh nghiệp lớn đề xuất được tham gia dự án này.
Nhấn mạnh rằng Bộ Tài chính đang rất nghiêm túc nghiên cứu vấn đề PPP trong phát triển ứng dụng CNTT-TT của ngành, song ông Trần Nguyên Vũ cũng thừa nhận rằng đây là vấn đề mới, cơ sở pháp lý vẫn chưa thực sự hoàn thiện, còn nhiều trình tự chi tiết thực hiện vẫn cần phải làm rõ hơn nữa (CNTT-TT không nằm trong số 8 lĩnh vực cụ thể được ưu tiên thí điểm PPP, mà nằm trong lĩnh vực thứ 9 là “Các dự án phát triển hạ tầng, cung cấp dịch vụ công khác theo Quyết định của Thủ tướng”).
Trao đổi với phóng viên Bưu điện Việt Nam, lãnh đạo các đơn vị hệ thống CNTT của ngành Tài chính đều cho biết chưa có kế hoạch cụ thể gì cho việc triển khai PPP.
Theo ông Bùi Thế Phương, Cục trưởng Cục CNTT, Kho bạc Nhà nước, một số lĩnh vực như Kho bạc, Dự trữ hiện chưa thể triển khai ngay PPP đối với các dự án phát triển ứng dụng CNTT bởi liên quan tới nhiều dữ liệu quan trọng, có tính nhạy cảm của quốc gia như quản lý ngân quỹ, hàng dự trữ… cần phải nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi triển khai để tránh rủi ro.
Bà Trương Thị Hải Đường, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT của Tổng cục Thuế cũng cho biết hiện Tổng cục Thuế chưa có nhóm nghiên cứu nào phân tích cụ thể để so sánh lợi điểm của PPP với phương thức đầu tư hiện tại. Bà Đường còn bày tỏ sự băn khoăn rằng chưa chắc triển khai PPP sẽ giúp giảm gánh nặng đầu tư của Nhà nước.
Theo nhận định chủ quan của phóng viên Bưu điện Việt Nam, một lý do khiến các cơ quan Nhà nước chưa thực sự sẵn sàng triển khai PPP là nguồn nhân lực CNTT còn yếu. Do đó, thay vì phải tăng đầu tư cho nhân lực thì “đẩy” các yêu cầu về nghiệp vụ cho doanh nghiệp đủ khả năng tự đầu tư và triển khai phần mềm ứng dụng rồi mua hoặc thuê lại. Khi đó có thể đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án CNTT-TT hơn là để cho nhân lực CNTT của cơ quan Nhà nước cùng tham gia xây dựng và phát triển phần mềm.
Rốt cuộc, sau gần nửa năm Thủ tướng ban hành Quyết định 71, các cơ quan quản lý Nhà nước của khối các Bộ, ngành vẫn chưa có được định hướng rõ ràng về lộ trình triển khai PPP trong phát triển ứng dụng CNTT-TT.
Theo www.ictnews.vn