Theo kết quả một cuộc khảo sát do hãng ComScore thực hiện, tính đến hết quý I năm 2011, toàn bộ thị trường Mỹ đã có khoảng 72,5 triệu chiếc smartphone đang hoạt động trong đó 34,7% là các thiết bị chạy trên nền hệ điều hành Android – tăng 6% so với quý IV của năm 2010 (quý IV, Android chiếm 28,7% trong tổng số 63,2 triệu smartphone). Như vậy, việc thị phần của Android tăng tới 6% trong khi tổng số thiết bị trên thị trường đã tăng thêm gần 10 triệu chiếc cho thấy “sức bật” của Android lớn như thế nào.
Trái ngược với đà tăng của Android là đà giảm liên tiếp của hệ điều hành BlackBerry – kẻ thống trị thị trường di động Mỹ suốt nhiều năm qua. Trong quý IV năm 2010, BlackBerry có thị phần đạt 31,6% nhưng đến hết tháng 3/2011, hệ điều hành này chỉ còn chiếm 27,1% trong tổng số các smartphone tại Mỹ, báo cáo của comScore cho biết.
Tuy iPhone 4 vẫn đang thắng lợi trên hầu hết các thị trường mà nó có mặt, mẫu smartphone này lại không giúp được gì nhiều cho thị phần của Apple trên thị trường Mỹ khi iPhone chỉ chiếm 25,5% số smartphone, tăng 0,5% so với quý trước.
Trong lúc này, tỷ lệ các thiết bị chạy trên hệ điều hành mới ra mắt của Microsoft là Windows Phone 7 và đàn anh của nó là Windows Mobile vẫn giảm khoảng 0,9% - từ mức thị phần 8,4% của quý trước xuống còn 7,5% trong quý I năm nay.
Có cùng mức giảm này là thị phần của Palm (webOS) khi chỉ còn 2,8% so với mức 3,7% của quý trước.
Kết quả đánh giá này của comScore được xây dựng dựa trên một cuộc khảo sát 30.000 thuê bao di động ở Mỹ. Báo cáo của hãng cũng được khá nhiều tổ chức nghiên cứu thị trường quan tâm bởi thị trường Mỹ có những đặc trưng rất khác biệt so với thị trường toàn cầu, nơi Nokia dù suy giảm thị phần nhưng vẫn chiếm thế thống trị thị trường.
ComScore cho biết, Android đang được hưởng lợi từ việc có khá nhiều hãng sản xuất di động quyết định sử dụng hệ điều hành này. Trong đó, Samsung (hãng sản xuất smartphone sử dụng cả Android và một số hệ điều hành khác) đang đứng đầu về thị phần smartphone tại Mỹ với 24,5%, tiếp theo đó là LG với 20,9%, Motorola 15,8%, RIM 8,4% và Apple đứng cuối bảng với 7,9%.
Điều đáng nói là trong vòng khoảng 6 tháng gần đây, thị phần của RIM đang tụt dốc với tốc độ khá nhanh – hơn 10% so với cuối quý III năm 2010 và chiếm 37,3% thị trường smartphone Mỹ.
Hồi tuần trước, RIM vừa chính thức ra mắt phiên bản mới của hệ điều hành BlackBerry (BlackBerry OS 7) cùng với 2 mẫu sản phẩm mới. Cũng tại sự kiện BlackBerry World này, Tổng giám đốc Microsoft Steve Ballmer tuyên bố Microsoft sẽ đầu tư vào nền tảng BlackBerry và trở thành nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm và bản đồ mặc định cho các thiết bị chạy BlackBerry OS.
Có điều, trước khi ra mắt mẫu máy tính bảng đầu tiên của mình BlackBerry PlayBook, các lãnh đạo của RIM đã “úp mở” về một khả năng cho phép các ứng dụng từ Android Market có thể chạy trên thiết bị này của hãng. Nếu điều này là sự thực và được RIM mở rộng ra các sản phẩm smartphone của mình, đó sẽ là một mối đe dọa cực lớn đối với các đối thủ khác.
Nhưng PlayBook đã ra mắt mà chưa thấy Android có thể hoạt động được trên đó.
Theo www.ictnews.vn