Một điều đáng ngạc nhiên mà không phải ai cũng biết: năng lượng điện sử dụng cho ngành công nghiệp Internet tại Mỹ cao hơn rất nhiều so với lượng điện năng mà ngành công nghiệp sản xuất ô tô của đất nước này cần.
Mặc dù nhiều người tỏ ra lo ngại về gánh nặng nhu cầu đang đè nặng lên hệ thống cung cấp năng lượng ngày một già cỗi, những chuyên gia trong ngành vẫn khẳng định có thể đáp ứng mọi nhu cầu đang ngày một gia tăng.
Tuy nhiên nếu xét một cách tổng thể, nhu cầu năng lượng khổng lồ từ những công ty như Google hay Facebook hóa ra lại là một “món quà mà Chúa Trời ban tặng” những tập đoàn năng lượng, khi hầu hết các công ty khác đều đã cắt giảm khoảng 20% nhu cầu năng lượng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế.
“Sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ cao đã góp phần thay thế nhu cầu điện của những ngành công nghiệp cũ”, Steve Rosenstock, một kỹ sư hiện đang làm việc tại viện nghiên cứu điện Edison cho biết.
Lượng điện năng cần thiết để hoạt động cũng như làm mát hàng triệu cụm máy chủ đã tăng thêm 10% chỉ trong vòng một thập kỷ qua. Theo số liệu, lượng điện năng nói trên hiện chiếm 2% của toàn bộ nhu cầu điện năng toàn nước Mỹ. Chỉ riêng những trung tâm lưu trữ dữ liệu cũng đã tốn nhiều điện hơn toàn bộ ngành chế tạo ô tô của Mỹ cộng lại, gần bằng một nửa điện năng mà ngành công nghiệp hóa chất (ngành tiêu tốn nhiều điện năng nhất) sử dụng.
Tổ chức hoạt động vì môi trường Greenpeace đã tính toán và chỉ ra những trung tâm máy chủ của Google sẽ sử dụng khoảng 476 Megawatt điện nếu tất cả đều hoạt động hết công suất. Lượng điện đó đủ cho cả thành phố San Diego sử dụng vào mục đích tiêu dùng. (San Diego là thành phố có dân số 1,359,132 người – tính đến tháng 1/2010, lượng dân số của San Diego bằng khoảng 1/5 so với Hà Nội).
|
Trung tâm dữ liệu của Google tại Bỉ |
Mới đây, Greenpeace cũng đưa ra một bản danh sách chỉ ra những công ty hoạt động trong lĩnh vực Internet chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề năng lượng sạch. Nhà phân tích công nghệ của Greenpeace, Casey Harrell nói: “Internet là ngành có nhu cầu năng lượng tăng trưởng mạnh nhất trong tất cả các ngành công nghiệp ở Mỹ. Liệu những cụm máy chủ đồ sộ kia sẽ sử dụng năng lượng từ những công nghệ lạc hậu và ô nhiễm, hay những người vận hành chúng sẽ tự đi tìm giải pháp năng lượng khác, sạch hơn và thân thiện với môi trường hơn?”.
Tất nhiên câu trả lời từ những đại gia công nghệ là họ đang đi tìm và sử dụng những nguồn điện năng mới làm từ nguồn năng lượng tái tạo. Bill Weihl, người đứng đầu bộ phận môi trường và năng lượng của Google cho biết công ty của anh không dùng nhiều điện như những số liệu trong bán báo cáo của Greenpeace, đơn giản vì những hệ thống máy chủ của họ chẳng bao giờ phải hoạt động hết công suất.
Dĩ nhiên Weihl từ chối đưa ra số liệu chính xác về việc công ty của anh dùng hết bao nhiêu năng lượng. Nhưng anh ta đã đưa ra một vài thứ Google đang theo đuổi và thực hiện để góp phần làm giảm những tác hại do ô nhiễm môi trường. Một trong số đó là sử dụng điện sức gió. Đây chính là thứ mà nhờ vào đó, Google đã được Greenpeace khen ngợi vì những nỗ lực bảo vệ môi trường.
Không chỉ có vậy, Google cũng thay thế hệ thống điều hòa nhiệt độ làm mát trung tâm dữ liệu bằng những tháp làm lạnh hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn. Tại đây, những thiết bị không quá quan trọng như bàn phím cũng bị loại bỏ. Theo Weihl, trong vào năm tới Google sẽ chạy những trung tâm dữ liệu của họ hoàn toàn bằng năng lượng có thể tái tạo (năng lượng mặt trời, gió, v.v…).
Dĩ nhiên hóa đơn tiền điện của Google không hề nhỏ một chút nào, Weihl nhấn mạnh “việc cắt giảm năng lượng tiêu thụ đã và đang giúp Google có thể tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể, cũng như góp phần bảo vệ môi trường”.
Bên cạnh Google, những công ty công nghệ khác cũng đang cố gắng phát triển những công nghệ mới tiết kiệm hơn. Người phát ngôn của Facebook cho biết, trung tâm dữ liệu mới của họ tiết kiệm đến 40% điện năng so với những trung tâm cũ. Người phát ngôn này cũng nói Facebook đã đưa kế hoạch sử dụng năng lượng của những trung tâm dữ liệu này lên mạng để thúc đẩy người khác cùng làm theo.
Yahoo thì cho biết họ sử dụng kết cấu xây dựng nên trung tâm dữ liệu đã đăng ký bảo hộ, trong đó mức độ tiết kiệm năng lượng tại những trung tâm này cũng tương đương với Facebook.
Trong khi đó, một người phát ngôn của Apple nói tất cả những trụ sở, nhà máy, hệ thống trung tâm dữ liệu chỉ chiếm 3% tổng lượng khí nhà kính mà công ty này chịu trách nhiệm. Còn lại, những thiết bị của họ cũng thải ra những khí như CO2 trong quá trình vận hành, và Apple công khai tất cả những số liệu này của tất cả các sản phẩm của họ trên trang web.
Trung tâm dữ liệu của Facebook tại Prineville
Trong khi xét đến sự lựa chọn năng lượng của các công ty, Casey Harrell đã nhận ra rằng những thành quả công nghệ cũng góp phần gúp con người tiết kiệm thời gian, năng lượng và nhiên liệu, ví dụ như sử dụng Google Maps để tìm ra con đường ngắn nhất, hay sử dụng dịch vụ tọa đàm qua mạng internet thay vì đặt một chuyến bay để đến gặp mặt đối tác.
Rob Bernard của Microsoft cho biết: “Công nghệ thông tin chiếm khoảng 2% tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu. 98% còn lại sẽ phụ thuộc vào các chuyên gia IT, những người sẽ tạo ra một hệ thống cơ sở hạ tầng thông minh mới mang tên điện toán đám mây”.
Theo www.vietnamnet.vn