|
Bộ phận một cửa tại Sở GTVT Đà Nẵng thực sự phát huy hiệu quả phục vụ công dân. |
Hướng tới phục vụ công dân
Trao đổi với phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam, ông Bùi Thanh Thuận, Chánh văn phòng Sở GTVT Đà Nẵng cho biết: Năm 1997, do thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, công tác cấp giấy phép lái xe được chuyển giao từ Công an về Sở GTVT. Công việc này đã đặt ra bài toán khó cho Sở trong việc làm thế nào để quản lý tốt hệ thống hồ sơ nhằm giải quyết nhanh chóng việc cấp giấy phép lái xe cho người dân.
Xuất phát từ nhu cầu đó, Sở GTVT đã xây dựng chương trình quản lý hồ sơ cấp phép lái xe, sau đó nâng cấp thành phần mềm quản lý cấp, đổi giấy phép lái xe. Đến nay hệ thống cơ sở dữ liệu này đã lưu giữ hơn 600.000 bản ghi, phục vụ đắc lực cho công tác cấp, đổi giấy phép lái xe.
Ông Thuận giải thích, nếu như trước đây mỗi công dân khi muốn đổi giấy phép lái xe phải mang hồ sơ gốc đến để đối chiếu, thì nay đã đơn giản hơn nhiều. Khi có nhu cầu, người dân chỉ cần mang bằng lái đến bộ phận một cửa, hệ thống cơ sở dữ liệu của phần mềm sẽ tự động kiểm tra thông tin, xác nhận tình trạng hợp lệ của hồ sơ và giải quyết theo đúng quy trình, thủ tục đã công bố.
Bên cạnh đó, nhiều phần mềm chuyên ngành khác của Sở GTVT cũng được tin học hoá như phần mềm ứng dụng hạch toán kế toán IMAS7, phần mềm quản lý hồ sơ công trình xây dựng, phần mềm quản lý phương tiện vận tải…
Để thực hiện Sở điện tử theo yêu cầu của UBND TP. Đà Nẵng, Sở GTVT đã đưa vào triển khai phần mềm quản lý văn bản điều hành. Các phần mềm quản lý chuyên ngành của các đơn vị thuộc Sở đều được kết nối qua mạng riêng ảo (VPN). Với hệ thống này, tất cả văn bản trao đổi của cán bộ, công chức đều được thực hiện qua môi trường mạng...
Để nâng cao hiệu quả phục vụ công dân tại bộ phận một cửa, Sở GTVT đã triển khai 2 bàn tiếp nhận ảo. Tại đây, Sở bố trí cán bộ hướng dẫn công dân cách thức đăng ký nộp hồ sơ như đăng ký và nhập một số thông tin đầu vào của hồ sơ, hệ thống cấp số thứ tự để chờ đến lượt nộp hồ sơ. Việc triển khai bàn tiếp nhận ảo cũng như bố trí cán bộ hướng dẫn, theo ông Thuận, để “tập” cho người dân thói quen trở thành công dân điện tử và giảm thiểu thời gian chờ đợi của công dân.
Ông Thuận cho biết thêm, cuối mỗi tuần bộ phận một cửa đều tổng hợp thông tin về số lượng hồ sơ, tình trạng giải quyết hồ sơ… để báo cáo lãnh đạo có hướng xử lý đối với những trường hợp khó giải quyết. Nhờ vậy mà việc giải quyết hồ sơ đúng hạn chiếm tỉ lệ cao. Năm 2010, có 24.930/24.933 hồ sơ tiếp nhận qua bộ phận một cửa được giải quyết đúng hạn. (Số liệu đã được Hội đồng thẩm định giải thưởng VICTA 2010 xác nhận). Mức độ hài lòng của công dân theo khảo sát chiếm tỷ lệ cao.
Trang thông tin điện tử của Sở GTVT ngoài kênh cung cấp thông tin và phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Sở, còn được tích hợp 25 dịch vụ công trực tuyến, trong đó 19 dịch vụ mức độ 2 và 6 dịch vụ công mức độ 3 như đang ký cấp phù hiệu xe taxi, cấp sổ nhật trình và phù hiệu tuyến cố định, cấp phù hiệu xe hợp đồng, cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường bộ, cấp phép cho phương tiện đi vào đường cấm….
Năm 2011, sẽ thí điểm dịch vụ công mức độ 4
Bài học thành công của Sở GTVT, ông Thuận cho rằng: Tập thể lãnh đạo Sở đều quyết tâm cao trong việc đưa CNTT vào hoạt động quản lý, điều hành và đó là nhân tố quan trọng thúc đẩy guồng máy của Sở. Ứng dụng CNTT đã thành thói quen trong tư duy làm việc của CBCC tại Sở. Kinh phí để đầu tư cho việc ứng dụng CNTT của Sở khá khiêm tốn - chỉ từ 100 đến 200 triệu đồng/ năm. Hầu hết, việc xây dựng phần mềm đều sử dụng lực lượng tại chỗ, việc này không chỉ tiết kiệm đáng kể chi phí về nguồn nhân lực mà còn nâng cao trình độ tin học cho đội ngũ CBCC, thực hiện hiệu quả Đề án 30 của Chính phủ về cải cách hành chính.
Đến nay, Sở đã cơ bản tiến tới Sở điện tử với hệ thống trang thiết bị gồm 5 sever, 71 máy vi tính với tỷ lệ 1 CBCC/1 máy vi tính, đường truyền FTTH, đường truyền số liệu sở ban ngành, 61/65 CBCC có hộp thư điện tử, 100 % tỷ lệ văn bản trao đổi giữa lãnh đạo Sở và các bộ phận trực thuộc qua mạng…
Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, năm 2011, Sở GTVT sẽ triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý vận tải; xây dựng một số dịch vụ công cấp 3 về lĩnh vực vận tải, thí điểm nâng dịch vụ cấp đổi giấy phép lái xe lên mức độ 4, nâng cao mức độ bảo mật của hệ thống mạng; nâng cao trình độ về CNTT cho đội ngũ cán bộ công chức để đáp ứng mục tiêu: Đưa phần mềm quản lý văn bản và điều hành lên Internet để toàn bộ CBCC có thể truy cập xử lý công việc từ xa; 15% số hồ sơ được giải quyết trực tuyến; nâng cao hiệu quả của các trao đổi qua mạng, phấn đấu 65% công việc hoàn toàn không sử dụng văn bản giấy trong quá trình xử lý…
Theo www.ictnews.vn