IPP (Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo) – một dự án hợp tác phát triển song phương được Chính phủ Phần Lan và Việt Nam tài trợ - có một khoản ngân sách là 3 triệu euro (hơn 90 tỷ đồng) do Phần Lan đóng góp và 9,5 tỷ đồng do Việt Nam đóng góp. Số tiền này dành tài trợ cho các ý tưởng sáng tạo, các đề xuất thực hiện đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp, các hiệp hội nghề, các trường đại học và viện nghiên cứu và các cơ quan chức năng.
Ngày 4/5/2011, tại Hà Nội, diễn đàn Đổi mới sáng tạo (www.OIF.vn) - trang web của Chương trình) đã chính thức ra mắt. Đây là nơi để chia sẻ các bài học, kinh nghiệm, thảo luận cũng như kết nối các ý tưởng về đổi mới sáng tạo.
Theo ông Pasi Hellman, Phó Tổng Vụ trưởng Vụ Chính sách phát triển, Bộ Ngoại giao Phần Lan, đổi mới sáng tạo chính là động lực chính phát triển nền kinh tế Phần Lan trong 20 năm qua, trong đó, có nhiều sáng kiến liên quan đến ứng dụng CNTT. Vì lẽ đó, Phần Lan rất quan tâm đến việc thúc đẩy ứng dụng CNTT trong công cuộc hợp tác phát triển. Ông Hellman cũng cho biết, dự kiến từ 2011 – 2013, ngân sách dành cho CNTT và các dự án đổi mới sáng tạo được chuyển qua Bộ Ngoại giao Phần Lan khoảng 75 triệu Euro.
Nhận xét về Việt Nam, ông Hellman cho rằng mặc dù đã thoát khỏi nhóm xếp hạng các nước có thu nhập thấp, nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên con đường phát triển, phải làm sao gia tăng được giá trị của ngành công nghiệp. Hiện nay, nhiều nhà máy chủ yếu chỉ nhập khẩu, lắp ráp và xuất khẩu mà có rất ít giá trị gia tăng được tạo ra ở trong đó. Ông nhấn mạnh Việt Nam cần chuyển từ việc chỉ sử dụng công nghệ nước ngoài sang tiếp thu và phát triển hơn nữa công nghệ đó và chương trình IPP là một kênh rất tốt để các doanh nghiệp học tập các phương pháp mà các doanh nghiệp Phần Lan đã làm cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp có ý tưởng sáng tạo thông qua hoạt động của các phòng thí nghiệm di động (Mlab) hay các Vườn ươm Doanh nghiệp ảo…
Trên thực tế, đã có nhiều ý tưởng sáng tạo không được hiện thực hóa do thiếu tài chính. Vì vậy, ngoài vai trò hỗ trợ các tiến trình đổi mới sáng tạo từ ý tưởng, đến thu thập thông tin, phát triển và thử nghiệm sản phẩm và cuối cùng là đưa sản phẩm ra thị trường, diễn đàn OIF còn giúp đưa các sáng tạo của Việt Nam sớm hội nhập với thế giới thông qua giao diện tiếng Anh.
Theo www.pcworld.com.vn