Thứ bảy, 20/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 05/05/2011
Cơ cấu nền giáo dục - đào tạo mất cân đối nghiêm trọng!

Chúng ta đang sống trong thời đại biến đổi với gia tốc thần kỳ trên các lĩnh vực, ở mọi nơi, mọi lúc. Toàn cầu hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt trong kinh tế và công nghệ, tạo ra một thế giới cạnh tranh và hợp tác về mọi phương diện, đặc biệt là lao động kỹ thuật và bí quyết công nghệ.

Trong khi đó nguồn nhân lực Việt Nam lại đang mất cân đối trầm trọng về cơ cấu cũng như chất lượng đào tạo. Đường nào cho Việt Nam bước vào nền kinh tế công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) với nguồn nhân lực như vậy?

Thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực

Suốt thời gian gần 20 năm đổi mới vừa qua, bên cạnh những thành tựu phát triển mạnh mẽ của giáo dục đại học (GDĐH), là những bất cập về sự mất cân đối trong đào tạo sau đây:

- Mất cân đối về cơ cấu đào tạo: Năm 1986-1987, số sinh viên (SV) là 127.000 lên đến 1.540.201 vào năm 2006-2007 (tăng 11 lần) đối với bậc CĐ - ĐH; so với 120.000 học sinh (HS) năm 1986-1987 lên 390.000 HS năm 2006-2007 (tăng 3 lần) đối với hệ dạy nghề.

- Mất cân đối về hệ thống các trường đào tạo: Số trường CĐ - ĐH tăng trên bốn lần, từ 93 trường năm 1986, lên 322 trường 2006, 347 trường năm 2007, 390 trường năm 2008. Còn số trường dạy nghề từ 366 vào năm 1986 giảm còn 129 trường vào năm 1998; sau tăng lên 262 trường năm 2006, 283 trường năm 2007, 315 tr­ường năm 2008.

- Mất cân đối về ngành nghề: Đào tạo công nhân kỹ thuật còn chiếm tỷ trọng thấp; nhân lực được đào tạo các ngành kỹ thuật - công nghệ, nông-lâm-ngư chiếm tỷ trọng thấp, còn tỷ trọng các ngành xã hội, luật, kinh tế, ngoại ngữ lại quá cao. Thiếu nhiều công nhân kỹ thuật lành nghề, trước hết là trong các ngành trọng điểm (cơ khí, điện tử - kỹ thuật điện, hóa chất...) và ở các khu công nghiệp lớn, các khu kinh tế mới.

Trong khi đó, còn thiếu nhiều nhân lực trình độ cao trong các ngành, lĩnh vực quan trọng như: Nghiên cứu hoạch định chính sách, tư vấn luật pháp (nhất là luật pháp quốc tế), chuyên gia cao cấp về quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, thương mại quốc tế và lao động kỹ thuật trình độ cao. Việt Nam cũng chưa sở hữu hay làm chủ được bất kỳ công nghệ nguồn, công nghệ cốt lõi nào thuộc lĩnh vực công nghệ cao (CNC). CNC hầu như còn vắng bóng ở hầu hết các ngành kinh tế.

CTA: Một giờ học của sinh viên khoa Điện - Điện tử, Đại học Công nghệ Sài Gòn. Ảnh Hoàng Phượng

Câu chuyện muôn thuở: Thầy nhiều hơn thợ!

Muốn biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một nước công nghiệp phát triển, đủ sức cạnh tranh trong điều kiện toàn cầu hóa thì cần có nguồn nhân lực đủ các cấp trình độ và được bố trí hợp lý. Nhưng, như trên đã trình bày, trong nhiều năm qua cơ cấu đào tạo của chúng ta rất bất hợp lý, tất yếu dẫn tới cơ cấu nguồn nhân lực bị mất cân đối nghiêm trọng. Tỷ lệ ĐH/THCN/CNKT lần lượt là: 1/ 2,25/ 7,1 (năm 1979); 1/ 1,68/ 2,3 (năm 1989); 1/ 0,83/ 0,6 (từ năm 1990-1995); 1/ 0,41/ 0,37 (năm 1998); 1/ 0,44/ 0,67 (năm 2000); 1/ 0,54/ 0,83 (năm 2002); 1/ 1,17/ 0,91 (năm 2006).

Trong thời kỳ đầu CNH, đại bộ phận lực lượng lao động của chúng ta làm việc với quy trình công nghệ nửa cơ giới và cơ giới thì cơ cấu nguồn nhân lực như trên là không hợp lý. Hãy xem Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc ở Việt Nam hiện nay họ bố trí cơ cấu lao động: cứ 100 lao động có 4,5% kỹ sư; 16,7% trung cấp; 65,8% công nhân kỹ thuật; 13% lao động phổ thông.

Tùy thuộc vào các giai đoạn phát triển tiến bộ khoa học kỹ thuật, trên thế giới người ta bố trí cơ cấu nguồn nhân lực theo hình tháp như sau:

- Khu vực dịch vụ, tỷ lệ: ĐH/ TCCN/ nhân viên = 1/4/10.

- Khu vực công nghiệp, tỷ lệ: ĐH/ TCCN/ CNKT:

+ Ở giai đoạn cơ khí hóa: 1 kỹ sư + 4 trung cấp + 60 công nhân kỹ thuật lành nghề + 20 công nhân bán lành nghề và 15 lao động phổ thông.

+ Ở giai đoạn thiết bị tự động hóa một phần trong từng khu vực, cơ cấu nhân lực được bố trí là: 1 cán bộ nghiên cứu + 17 kỹ sư + 21 kỹ thuật viên + 60 công nhân lành nghề + 11 công nhân bán lành nghề, không có lao động phổ thông.

+ Ở giai đoạn tự động hóa toàn bộ mang hệ thống chương trình và công nghệ thông tin phát triển thì cơ cấu nhân lực được bố trí theo hình tháp cụt: 4 cán bộ nghiên cứu + 25 kỹ sư + 50 kỹ thuật viên + 21 công nhân lành nghề. Giờ đây, không có công nhân tay nghề thấp và không có lao động phổ thông, còn công nhân lành nghề giảm, xuất hiện loại công nhân "cổ trắng, cổ vàng", lao động của họ có tính chất trí tuệ cao gần giống như lao động của kỹ sư, nhưng nhân viên dịch vụ tăng và tăng cả số lượng kỹ sư và kỹ thuật viên. Các nhà khoa học cho rằng: Nhìn chung trong suốt các giai đoạn tiến bộ kỹ thuật, lực lượng nòng cốt của nền sản xuất công nghiệp bao giờ cũng vẫn là công nhân lành nghề, chỉ khi nào bước sang nền kinh tế hậu công nghiệp (kinh tế tri thức) thì những người công nhân lành nghề ấy chuyển hóa dần thành kỹ thuật viên trung cấp và kỹ sư.

Năm 1985, ở Hàn Quốc trong thời kỳ giữa công nghiệp hóa, cơ cấu nguồn nhân lực được bố trí theo một tỷ lệ chung là 1/ 5/ 25.

Những số liệu trên đã nói lên sự bất hợp lý trong cơ cấu nền GD-ĐT, vì nó tạo ra hình tháp lật ngược "Thầy nhiều hơn thợ" là như vậy.

Đó là chưa kể thể lực (chiều cao, tầm vóc, cân nặng) và trình độ của nhân lực Việt Nam còn yếu và thấp. Tỷ lệ mắc bệnh tật, suy dinh dưỡng còn cao. Trình độ học vấn của nhân lực Việt Nam còn thua kém các nước trong khu vực.

Giải pháp cho công tác đào tạo nguồn nhân lực

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại có thu nhập trung bình từ trên 1.000-2.000 USD/đầu người vào năm 2020. Chiến lược cũng xác định ba lĩnh vực trụ cột cần đột phá để có thể thực hiện mục tiêu này, đó là nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và cải cách thể chế. Một cách tiếp cận mới đối với vấn đề giáo dục và đặc biệt là vấn đề kỹ năng lao động là phải tập trung nhấn mạnh vai trò của giáo dục như là yếu tố trung tâm quyết định năng suất lao động.

Hệ thống giáo dục hiện nay đang trong quá trình chuyển đổi. Tỷ lệ chi ngân sách cho GD so với GDP của Việt Nam là tương đối cao so với nhiều nước trong khu vực. Theo số liệu của World Bank, chi ngân sách cho GD của Việt Nam năm 2009 là 5,2% GDP - cao hơn so với hầu hết các nước trong khu vực ASEAN (Malaysia - dưới 5%; Thái Lan - 4%; Indonesia - 3,5%). Nhưng hệ thống GD lại chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội và các doanh nghiệp, cả về số lượng và chất lượng.

Những giải pháp đề xuất sau đây sẽ là gợi ý để giải quyết tồn tại này.

1. Thành lập Ủy ban phát triển nguồn nhân lực quốc gia dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng. Ủy ban này có nhiệm vụ: Xây dựng một chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia dựa trên những nghiên cứu sâu và kỹ lưỡng về các loại kỹ năng, năng lực cần thiết phục vụ cho tăng trưởng trong tương lai. Đồng thời, Ủy ban giám sát việc thực hiện chiến lược, cũng như tất cả các dự án, chương trình xây dựng nguồn nhân lực.

2. Điều chỉnh cơ cấu phân luồng theo hướng tăng quy mô tuyển sinh hệ chính quy cho dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp và xây dựng chương trình liên thông từ dạy nghề với các hệ thống đào tạo khác. Phân luồng và liên thông là cầu nối giữa GD phổ thông - GD nghề nghiệp - GDĐH - Việc làm.

3. Phát triển hệ thống đào tạo dạy nghề: Các chương trình đào tạo nghề cần được phát triển và quản lý với sự phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các cơ sở đào tạo, chính quyền địa phương. Phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt, thiết thực, gắn với khả năng tạo ra việc làm. Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh quá trình xây dựng và phát triển nông thôn.

4. Xây dựng mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Thực chất giải pháp này chính là thực hiện nguyên lý GD kết hợp với lao động sản xuất.

5. Cải cách quản lý nhà nước về GD: Tránh sự chồng chéo giữa các bộ ngành quản lý. Các cơ sở GD-ĐT cần được trao quyền tự chủ nhiều hơn trong việc quyết định các vấn đề mang tính tổ chức và vận hành của đơn vị mình. Một hệ thống quản lý nhân sự dựa trên năng lực và kết quả công tác cần được thiết lập để khuyến khích các giảng viên và sinh viên tài năng nhất, đồng thời loại bỏ tham nhũng và gian lận trong GD-ĐT.

6. Thành lập một Quỹ Năng suất Quốc gia nhằm hỗ trợ các sáng kiến của các doanh nghiệp hoặc các ngành trong việc nâng cao năng suất thông qua cải tiến kỹ năng lao động, nâng cấp công nghệ, tối ưu hóa hệ thống quản lý sản xuất... Ví dụ về mô hình này có thể thấy ở Hàn Quốc, Singapore và Hồng Kông.

7. Đổi mới một cách cơ bản quan điểm, cơ cấu và chính sách đầu tư. Xóa bỏ cơ chế đầu tư bình quân, dàn trải, kém hiệu quả trong các lĩnh vực KH-CN, GD-ĐT, Y tế và văn hóa - xã hội.

8. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế theo hướng đa phương và song phương. Cần phải chuyển giao và ứng dụng nhanh công nghệ của nước ngoài vào Việt Nam trong một số lĩnh vực kinh tế. Tăng số lượng người gửi đi đào tạo và hợp tác ở nước ngoài. Chủ động và tích cực phát hiện, bồi dưỡng đồng thời sử dụng và đãi ngộ nhân tài hợp lý.

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0