Thứ ba, 26/11/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 25/04/2011
Chọn CNTT như đột phá khẩu của Việt Nam trong kỷ nguyên trí thức

BBT VAIP: Hội thảo "CNTT và tương lai phát triển đất nước" được Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ TTTT và Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) tổ chức sáng 23/4/2011 tại Hà Nội. Tại đây giới CNTT mong muốn và kiến nghị cần đề xuất Ban Bí thư, Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết chuyên đề về CNTT-TT để định hướng Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Để các hội viên và bạn đọc có thể theo dõi và đồng tình với các kiến nghị trên, VAIP xin trân trọng giới thiệu một số tham luận tại Hội thảo.

Trước hết, tôi chân thành cám ơn Ban Tuyên giáo TƯ Đảng cùng Bộ Thông tin và Tuyền thông đã tổ chức Hội thảo “CNTT và tương lai phát triển đất nước” và đặc biệt là đã dành cho Hiệp hội DN phần mềm Việt Nam VINASA có cơ hội được thay mặt cộng đồng DN CNTT Việt Nam phát biểu đề dẫn gợi mở nội dung hội thảo. Hội thảo này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong lúc toàn Đảng, toàn dân đang tích cực quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Chắc chắn mỗi chúng ta ở đây đều trăn trở về tương lai đất nước. Việt Nam sẽ có vị thế nào trong cộng đồng quốc tế, khi mà các quốc gia đang hối hả đi vào kỷ nguyên số, phát triển kinh tế tri thức và xây dựng xã hội thông tin? Việt nam sẽ làm gì trong chuỗi giá trị phân công lao động thế giới? Trong lĩnh vực nào Việt Nam có cơ hội bắt kịp và hơn nữa là vượt các nước khác để có thứ hạng cao trên thế giới? Lúc này chúng ta nên tái cấu trúc nên kinh tế như thế nào? Làm sao tăng trưởng nhanh thu nhập quốc dân (GDP) mà bền vững? Làm sao tăng hiệu quả đầu tư – (giảm ICOR), tăng năng suất lao động (TFP)? Có cách nào hiệu quả để nâng dân trí và chất lượng cuộc sống của người dân? Làm sao xóa bất công xã hội, xóa đói, giảm nghèo? Cách nào cứu dân, cứu của hiệu quả hơn trong thiên tai, bão lụt? Làm gì để Việt Nam mãi xanh tươi, không khí mãi trong lành? Chúng ta có gì để bảo vệ đất nước? Làm sao tăng năng lực quản trị quốc gia, tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế? Làm gì để hiện đại hóaViệt Nam và hội nhập quốc tế thành công? Cơ hội nào cho thanh thiếu niên Việt Nam tham gia vào nền kinh tế tri thức? Tương lai Việt Nam sẽ ra sao nếu chúng ta bỏ qua cơ hội cửa sổ dân số vàng vừa hé mở này?...  Chúng ta có nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi lớn đang đặt ra và hơn thế nữa, thời thế, cơ hội giục chúng ta cần có giải pháp và hành động ngay lúc này để có thể thực hiện thành công đường lối, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước mà nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra. Phải chăng tất cả tựu chung vào bốn chữ CNTT? Câu hỏi này cần được Hội thảo của chúng ta hôm nay giải đáp.

 

HẠ TẦNG CƠ SỞ MỚI, ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY KINH TẾ - XÃ HỘI

Tất nhiên CNTT đã là một ngành kinh tế quan trọng, song ở Việt Nam, điều quan trọng hơn nhiều là làm sao để CNTT thấm vào được vào từng hạt lúa, củ khoai để mang lại giá trị gia tăng cao vượt trội. Chúng ta nói về ứng dụng CNTT vào mọi lĩnh vực kinh tế xã hội: trong việc đưa các quyết sách của Đảng và Chính phủ đến mỗi người Việt Nam trong nước và ngoài nước, trong cải cách hành chính và quản lý nhà nước, trong an ninh quốc phòng, trong giáo dục và đào tạo, trong y tế và giao thông vận tải, trong sản xuất và thương mại, trong tài chính và ngân hàng, trong phát triển KHCN và kinh tế sáng tạo (innovation). Cụ thể hơn, CNTT có thể góp phần giải quyết được bài toán thiếu giường bệnh, thiếu cơ sở chữa bệnh đang rất bức bối hay không? CNTT có thể giải quyết được vấn đề tắc đường hay không?v,v… Đó là những câu hỏi lớn đang đặt ra đối với ngành CNTT. Chúng ta nói đến CNTT như công cụ để nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống và nâng cao dân trí. Nói cách khác, CNTT là động lực thúc đẩy toàn diện các lĩnh vực Kinh tế - Xã hội, là hạ tầng cơ sở mới (quan trọng không kém điện – đường – trường – trạm) cho công cuộc hiện đại hóa đất nước, nâng cao vị thế Việt nam trong công cuộc hội nhập quốc tế. CNTT xuyên suốt cả 3 đột phá chiến lược đã nêu trong chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 2011 – 2015 của Đại hội Đảng XI, bao gồm hoàn thiện thể chế, phát triển nhanh nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Phải chăng chúng ta đang chạm đến khái niệm Hạ tầng của Hạ tầng?

Theo số liệu từ 25 nước Châu Âu năm 2005, ngành CNTT Châu Âu chỉ chiếm có 5% GDP của Liên minh Châu Âu, "nhưng 5% này đã thúc đẩy đến 25% sự tăng trưởng kinh tế nói chung và khoảng 40% sự tăng trưởng về năng suất lao động" (McGibbon 2005). Ở Mỹ, CNTT còn đóng góp lớn hơn, đến 60% sự tăng trưởng năng suất lao động (McGibbon 2005).

Theo Nhóm Chuyên gia công nghiệp của Liên minh Châu Âu, trên thế giới, phần mềm là bộ phận lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất của thị trường CNTT. Hơn thế, phần mềm được nhúng trong hầu hết các sản phẩm mà ta sử dụng hiện nay và là yếu tố chủ chốt tạo năng lực cho sự sáng tạo, sự tăng trưởng và tạo việc làm có giá trị cao trong hầu hết các ngành kinh tế. Phần mềm đã trở thành trung tâm thần kinh của tất cả các nền kinh tế hiện đại (Report of an Industry Expert Group 2009).

CNTT được chính phủ Trung Quốc nhìn nhận như động lực quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế và chiến lược "đuổi kịp" các nước phát triển khác. Năm 1999 Trung Quốc thành lập Nhóm lãnh đạo công tác tin học hóa Quốc gia, và năm 2001 Thủ tướng Trung Quốc trực tiếp làm Trưởng nhóm cùng với 5 Phó Thủ tướng làm Phó Trưởng nhóm và 25 bộ trưởng là các thành viên nhóm này để lãnh đạo công cuộc "tin học hóa" Trung Quốc với mục tiêu đưa đất nước trở thành "xã hội thông tin" (Taylor and Zhang 2008).

 

VỊ THẾ QUỐC GIA TƯƠNG LAI

Việt Nam chúng ta có gì và có thể xuất khẩu gì? Chúng ta có thể xuất tài nguyên thiên nhiên (dầu khí, than, khoáng sản…), hoặc những sản phẩm gắn với tài nguyên thiên nhiên như nông – lâm - thủy sản, v.v… Với những ngành này Việt Nam có lợi thế đặc biệt không? Có thể xếp thứ hạng cao không? Tình hình sẽ khác thế nào khi Việt Nam có 1 triệu kỹ sư CNTT? Khi đó Việt Nam sẽ vào top 5 về nguồn nhân lực CNTT. Hiện tại thế giới thiếu 3 triệu và 10 năm tới thiếu 10 triệu Lập trình viên. Tôi nghĩ trong các nước đang phát triển, chỉ vài nước như Trung Quốc, Ấn độ, Việt Nam có thể nghĩ tới quy mô này. Từ năm 2000 khi có Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị, ngành CNTT đã trở thành ngành công nghiệp tuy còn non trẻ nhưng có tốc độ phát triển nhanh nhất, đem giá trị gia tăng lớn nhất. Việt Nam đã nằm trong top 20 quốc gia mới nổi về sản xuất phần mềm, là điểm đến mong ước nhất của Nhật bản. Bằng cách này Việt Nam sẽ có vị trí quan trọng trong kỷ nguyên số.

 

Ý CHÍ CHÍNH TRỊ CAO NHẤT

Chọn CNTT như đột phá khẩu củaViệt Nam trong kỷ nguyên tri thức với ước mơ để Việt Nam trở thành một quốc gia tiên tiến, có vị trí xứng đáng trong kỷ nguyên số không thể thành hiện thực nếu Việt Nam không có ý chí chính trị cao nhất. Đây phải là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Và ý chí này còn phải được thể hiện qua những chương trình hành động quyết liệt, có tập trung đầu tư nhân lực, vật lực rõ ràng, tới hạn.

Tôi xin kết thúc dẫn đề này với mong muốn và đề nghị: tiếp theo Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII ban hành ngày 17/10/2000, CNTT cần có một Nghị quyết của Ban Chấp hành TW Đảng  khóa XI, thể hiện đầy đủ, sâu sắc ý chí của Đảng với tầm nhìn CNTT trong tương lai phát triển đất nước

Trân trọng cám ơn sự quan tâm của các Anh Chị.

 

PGS., TS. Trương Gia Bình – Chủ tịch VINASA

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0