|
Hội đồng Sơ khảo đi thẩm định thực tế tại ngân hàng BIDV. Ảnh M.T |
Chấm rất kỹ
Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT), Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo lĩnh vực công nghiệp CNTT
Số lượng hồ sơ lĩnh vực công nghiệp năm nay không nhiều hơn năm ngoái nhưng cách làm việc của hội đồng năm nay cẩn thận và kỹ càng hơn. Năm nay, các thành viên Hội đồng Sơ khảo đã đi thẩm định hơn 30 hồ sơ trong tổng số gần 40 hồ sơ tham dự. Khi đi thẩm định thực tế, đoàn thẩm định cũng xem xét các con số và nội dung mà doanh nghiệp khai trong hồ sơ. Ví dụ, thẩm định về doanh thu thì yêu cầu doanh nghiệp đưa ra báo cáo thuế, báo cáo tài chính hay thẩm định về nhân lực thì đưa ra bảng lương. Ở lĩnh vực nội dung số, đoàn thẩm định yêu cầu doanh nghiệp trình diễn thực tế để xem các game và dịch vụ nội dung đó có thực sự mang tính văn hoá và giáo dục không.
Nói chung, lĩnh vực công nghiệp CNTT không có nhiều điểm mới nhưng hội đồng đầu tư công sức gần gấp đôi. Riêng Vụ CNTT, một trong các đơn vị tham gia chấm giải trong lĩnh vực công nghiệp CNTT, đã huy động 5 chuyên viên và hai lãnh đạo cho việc thẩm định.
Quá trình đi thẩm định nhận thấy một số đơn vị khai không chính xác khi các doanh nghiệp này hoạt động trên nhiều lĩnh vực nhưng không bóc tách số liệu theo yêu cầu của Ban tổ chức giải. Ví dụ, giải phần mềm chỉ tính doanh thu từ phần mềm hay số nhân lực là những người làm phần mềm nhưng các doanh nghiệp lại khai tổng doanh thu và tổng số nhân lực chung.
Lôi kéo được sự tham gia của mạng nhỏ
Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ TT&TT), Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo lĩnh vực viễn thông - Internet.
Đối với lĩnh vực viễn thông- Internet, giải thưởng năm nay có số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều hơn và trong thể lệ quy định đưa ra những biểu mẫu khá rõ ràng. Vì vậy, các doanh nghiệp nộp hồ sơ đầy đủ và rõ ràng hơn những năm trước. Cá nhân tôi đánh giá chất lượng giải năm nay là tốt và đã cổ vũ được các doanh nghiệp lớn cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia.
3 giải của lĩnh vực di động bao gồm giải “Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất”, “Doanh nghiệp có chất lượng tốt nhất” và giải “Doanh nghiệp có gói cước xuất sắc nhất” đã có khá nhiều hồ sơ tham gia dự thi. Chính vì thế, cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực di động diễn ra khá gay gắt và quyết liệt giữa các doanh nghiệp nhỏ và 3 “ông lớn“ Viettel, MobiFone, VinaPhone,
Rất khó đánh giá 3 giải được trao trong lĩnh vực viễn thông là ít hay nhiều. Bởi vì, giải thưởng doanh nghiệp viễn thông hoạt động hiệu quả nhất là ý định của Bộ TT&TT muốn đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Với 2 giải còn lại, chúng tôi xác định sẽ mang lại thương hiệu tốt hơn cho doanh nghiệp và đang là những vấn đề mà khách hàng rất quan tâm theo dõi. Đó cũng là lý do tại sao chúng tôi lại đưa ra 3 giải thưởng trên.
Ngoài ra, năm nay cũng là năm đầu tiên, giải thưởng lấy kết quả đánh giá chủ quan của các Sở TT&TT địa phương về chất lượng dịch vụ các mạng di động trên địa bàn.
Trailer giới thiệu về giải thưởng VICTA 2010:
“Nhạy cảm” vẫn đông!
Ông Nguyễn Trường Sơn – Uỷ viên ban chấp hành Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA), thành viên Hội đồng Sơ khảo lĩnh vực an toàn thông tin.
Ở lĩnh vực bảo mật, tôi cho rằng các đơn vị gửi hồ sơ tham dự đều là những đơn vị tự tin, có năng lực ứng dụng tốt và mức độ “cạnh tranh” để được vinh danh tại VICTA 2010 chênh nhau không nhiều. Thực tế này cũng khiến cho công tác chấm giải của chúng tôi cũng phải khá “vất vả” để chọn ra được gương mặt xuất sắc nhất để trao giải, cho dù đã có hệ thống tiêu chí và thang điểm rõ ràng, cùng công tác thẩm định chặt chẽ.
Là thành viên Hội đồng Sơ khảo theo sát giải ngay từ đầu, tôi nhận thấy các đơn vị và các doanh nghiệp vẫn còn rụt rè tham gia lĩnh vực “Tổ chức, doanh nghiệp lớn ứng dụng hệ thống ATTT hiệu quả nhất”. Ban đầu có trên 16 doanh nghiệp đăng ký tham gia nhưng đến phút chót có một vài đơn vị xin rút lui (dù đã xây dựng xong hồ sơ) do lo ngại vấn đề rất nhạy cảm: Việc tự tuyên bố mình ứng dụng tốt nhất sẽ gây sự chú ý đối với hacker.
Theo tôi, 2010 là năm đầu tiên giải thưởng này mở thêm giải cho lĩnh vực an toàn thông tin nên các doanh nghiệp có tâm lý muốn “nghe ngóng” như trên là dễ hiểu, để họ có thể lường trước và hạn chế được rủi ro ở mức cao nhất, đảm bảo cho hoạt động kinh doanh suôn sẻ. Thế nhưng tôi cho rằng, các đơn vị, doanh nghiệp không nên quá lo lắng, bởi việc được vinh danh sẽ góp phần nâng cao uy tín trong hoạt động kinh doanh của họ. Hy vọng ở các kỳ tổ chức giải thưởng tiếp theo sẽ có nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia sôi nổi hơn.
Nhiều đơn vị rất ấn tượng
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT (Bộ TT&TT), Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo lĩnh vực ứng dụng CNTT.
Các cơ quan, đơn vị tham dự giải thưởng lĩnh vực ứng dụng CNTT năm nay, đặc biệt là các đơn vị lọt vào vòng chung khảo đều đã và đang ứng dụng CNTT một cách mạnh mẽ và có hiệu quả cao. Thậm chí, có doanh nghiệp báo cáo đã tiết kiệm khoảng 30% chi phí hoạt động và giảm 30% thời gian xử lý công việc nhờ ứng dụng CNTT. Nói chung, các đơn vị lọt vào vòng chung khảo đều để lại rất nhiều ấn tượng.
Ở khối các cơ quan nhà nước, Bộ Ngoại giao là đơn ứng dụng CNTT được lãnh đạo rất quan tâm, được triển khai một cách hệ thống từ xây dựng kế hoạch, triển khai các dự án đến việc xây dựng các văn bản quy định và khuyến khích ứng dụng CNTT. Đặc biệt, cơ quan này không chỉ coi việc ứng dụng CNTT để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và phục vụ người dân mà còn giúp nâng cao vị thế của Việt Nam đối với các bạn bè quốc tế.
Ở khối các địa phương, Đồng Tháp là nơi để lại nhiều ấn tượng về sự quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT hình thành môi trường hoạt động công khai, minh bạch. Khi truy nhập vào cổng thông tin điện tử của tỉnh Đồng Tháp, người dân có thể đọc được hầu hết các văn bản chỉ đạo điều hành của UBND, thông tin về các dự án đầu tư, gói thầu mua sắm và đặc biệt mục hỏi đáp ý kiến trực tuyến được cập nhật đầy đủ thông tin trả lời ý kiến thắc mắc của người dân về tất cả những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh.
Hồ sơ khối doanh nghiệp rất chỉn chu
Ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp (ITB) thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), thành viên Hội đồng Sơ khảo lĩnh vực ứng dụng CNTT
Hồ sơ giải thưởng ở lĩnh vực ứng dụng CNTT năm nay được chuẩn bị rất tốt và trình kỹ lưỡng cho thấy các doanh nghiệp đã đầu tư nhiều hơn vào việc khai hồ sơ tham gia giải thưởng.
Một điểm khá thú vị là số lượng hồ sơ tham gia lĩnh vực ứng dụng CNTT ở khối doanh nghiệp năm nay “rải” tương đối đều khắp ở các vùng miền, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, và trong các doanh nghiệp lớn thì phần của định chế tài chính và các phần khác cũng tương đương. Điều này cho thấy nhận định ban đầu của Ban tổ chức giải thưởng VICTA 2010 tương đối sát thực tế.
Ngay từ ban đầu, chúng tôi cũng đã nhận định rằng định chế tài chính có những điểm đặc biệt riêng và cái không phải định chế tài chính là một phần riêng. Thứ hai là, với số lượng những doanh nghiệp thuộc các thành phố trực thuộc trung ương và những doanh nghiệp không thuộc các thành phố trung ương, cũng có một sự vô tình rất thú vị là con số này cũng gần gần giống nhau. Điều đó minh chứng là giải thưởng năm nay chúng ta đưa ra dữ liệu mời tương đối ổn.
Các đơn vị đạt giải đều rất xứng đáng
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty phát triển CVPM Quang Trung, thành viên Hội đồng Chung khảo.
Giải thưởng năm nay là lần thứ ba nên công tác tổ chức chu đáo, hoàn thiện hơn và thể lệ cuộc thi cũng được chuẩn bị chi tiết nên hồ sơ tham gia chất lượng hơn những năm trước.
Quá trình đánh giá được chia làm 2 hội đồng: Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Chung khảo. Các Hội đồng Sơ khảo đều xây dựng tiêu chí đánh giá thông qua thang điểm, các thành viên hội đồng đánh giá độc lập và tính điểm bình quân của các thành viên. Sau đó, Hội đồng Sơ khảo lại đi thẩm tra thực tế đối với các hồ sơ được đánh giá cao để đề xuất với Hội đồng Chung khảo quyết định. Các quyết định của Hội đồng Chung khảo được phân tích cân nhắc kỹ càng trên cơ sở đánh giá và đề xuất của Hội đồng Sơ khảo và được biểu quyết của các thành viên Hội đồng Chung khảo. Với cách tổ chức và đánh giá kĩ càng như trên, việc chọn lựa được đơn vị đề nghị trao giải là khách quan và chất lượng.
Giải thưởng lần này đã có sắc thái riêng
Khi giải thưởng CNTT – TT được mở ra tôi cũng hơi lo bởi nó có thể đánh đồng hoặc sẽ cạnh tranh với các giải thưởng của các hiệp hội và các báo tổ chức. Thế nhưng đến lần thứ 3 này, tôi tham gia với vai trò uỷ viên Hội đồng Chung khảo và đã cảm nhận được sự khác biệt. Cách thức tổ chức của Ban tổ chức giải thưởng lần này đã có sắc thái riêng. Các giải thưởng khác, chỉ đánh giá trên cơ sở lợi ích của người tiêu dùng. Giải thưởng CNTT – TT có tính toàn diện cao.
Tôi cho rằng, giải thưởng này ngoài việc có tính chất động viên và nâng cao thương hiệu cho doanh nghiệp đoạt giải, nó còn giúp các doanh nghiệp xem xét lại trên các tiêu chí giải thưởng để điều chỉnh trọng tâm doanh nghiệp của mình tốt hơn. Cá nhân tôi đánh giá giải thưởng năm nay đã hoàn thiện hơn rất nhiều so với các giải thưởng hai năm trước đây.
Nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực, thành viên Hội đồng Chung khảo.
Theo www.ictnews.vn