Việt Nam có 18 ngành hàng xuất khẩu tỷ đô, trong đó dệt may, da giày, điện tử được coi là thành công nhất. Song theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), sự thành công này dường như rất mong manh khi năng lực cạnh tranh đang ở mức rất thấp.
Năng lực cạnh tranh "hạng bét" dù nhất xuất khẩu
Kết quả điều tra về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu 3 ngành dệt may, thủy sản và điện tử do CIEM công bố hôm 19/4 đã cho thấy, phía sau ánh hào quang rực rỡ của thành tích đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, 3 nhóm ngành chủ lực này đang đối mặt với một thực tế trần trụi là năng lực cạnh tranh kém.
Hầu hết, các ngành "thắng" được trên thị trường quốc tế những năm qua là dựa trên một bệ đỡ các ưu đãi của Nhà nước, lợi thế truyền thống nhân công rẻ và khai thác tài nguyên. Đến nay, trong WTO, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ là nguồn dinh dưỡng có hạn và các điều kiện "giá rẻ" và "có sẵn" kia đã mất dần ưu thế.
Trong khi bản thân các doanh nghiệp vẫn dậm chân làm gia công, lắp ráp và phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nước ngoài. Bởi vậy, kim ngạch xuất khẩu thu về hàng tỷ USD nhưng thực chất, giá trị gia tăng trong sản phẩm thấp nên hiệu quả kinh doanh chung 3 ngành này là thấp.
|
Hàng điện tử VN chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc (ảnh Phạm Huyền) |
Điển hình nhất cho mô hình gia công từng thịnh vượng ở 10-20 năm trước là phải nói tới dệt may và điện tử. Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM, có đến 70% doanh nghiệp dệt may làm gia công và 60% doanh nghiệp làm trực tiếp sản xuất - xuất khẩu song 100% doanh nghiệp đều phải nhập khẩu nguyên liệu.
Bất lợi ở chỗ, nguyên phụ liệu lại chiếm tỷ trọng rất cao trong chi phí hình thành giá sản phẩm dệt may nên mỗi khi giá nguyên liệu tăng đã làm cho ngành này mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây cũng là ngành có năng suất lao động thấp nhất trong 3 ngành được điều tra.
Bà Tuệ Anh nêu ví dụ, công ty may Esquel Việt Nam là một doanh nghiệp đến từ Hồng Kông đã nhập gần như 100% các nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Lý do là nguồn phụ liệu trong nước không đáp ứng nổi. Chẳng hạn như chỉ may, Việt Nam đã làm được nhưng các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu đều cho rằng vẫn chưa đáp ứng chất lượng. Năng suất lao động của Esquel tại Việt Nam được đơn vị này trả lời là thấp hơn năng suất lao động tại Trung Quốc.
Bà Nguyễn Minh Thảo, chuyên viên Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM nghiên cứu về ngành điện tử cho biết, doanh nghiệp điện tử xuất khẩu chủ yếu lại là FDI và cũng hầu hết dừng lại ở mức lắp ráp.
Bà Thảo kể, trong quá trình điều tra tìm hiểu, công ty Canon cho hay họ đã cố gắng tìm mua ốc vít ở Việt Nam nhưng sau khi làm việc với 20 công ty trong nước, đều không đáp ứng được. Công ty Panasonic, Sanyo chỉ sử dụng thùng carton và xốp ở trong nước, còn Fujitsu thì nhập100% linh kiện bên ngoài. Tuy tốc độ xuất khẩu của ngành điện tử này tăng cao nhưng không ổn định, chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc.
Một chiến lược kinh doanh dựa trên mô hình gia công và tận dụng giá rẻ như vậy đã lạc hậu hay nói cách khác, năng lực cạnh tranh yếu kém bắt đầu từ chính những vấn đề nội tại của doanh nghiệp. Trong môi trường kinh doanh toàn cầu đầy năng động hiện nay, những lỗ hổng đó càng bị khoét rộng ra bởi các khó khăn khách quan.
7 rào cản từ môi trường kinh doanh
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu này, đang có 7 rào cản đáng lo ngại. Đáng chú ý nhất là việc thiếu vốn và công nghệ. Khi đó, các doanh nghiệp bị rơi vào một vòng luẩn quẩn: không có vốn, không đầu tư công nghệ thì thiếu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, kéo theo làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm và từ đó, giảm lợi nhuận, hiệu quả thấp. Kết cục là doanh nghiệp lại khó giữ thị phần của mình.
Kế đến là vấn đề lao động. Các doanh nghiệp đang thiếu lao động cả số lượng và chất lượng. Theo khảo sát của bà Thảo, năm 2010, công ty Intel dự kiến sẽ tuyển 3.000 lao động nhưng rồi qua 50 trường đại học, họ chỉ tuyển được 40 người. Ở ngành thủy sản, ông Lưu Minh Đức, chuyên viên Ban này cho biết, ngành thâm dụng lao động lớn và đang thiếu lao động nghiêm trọng. Chưa đến 50% các doanh nghiệp thủy sản hài lòng về chất lượng của lao động, kể cả đã qua đào tạo.
Bên cạnh đó, chi phí năng lượng gia tăng như giá điện, xăng dầu... đang trở thành một áp lực lớn khiến lợi thế nhân công rẻ cũng không đủ bù đắp cho doanh nghiệp nếu muốn giá thành sản phẩm thấp đi. Một rào cản khác là các vấn đề chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ viễn thông, ngân hàng vẫn hạn chế. Các doanh nghiệp "sợ" nhất là điện bị cắt nhiều. Giai đoạn năm 2006-2009, kinh tế vĩ mô lại thiếu ổn định, lạm phát và thâm hụt thưuơng mại.
Ngoài ra, ở từng ngành, các yếu tố đang ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã được nhóm nghiên cứu chỉ rõ như chính sách thuế, thủ tục hải quan vẫn mất thời gian, vấn đế tỷ giá, tín dụng, tiếp cận đất đai...
Đáng lo ngại là, cùng với những khó khăn mới nảy sinh trong điều kiện Việt Nam thực thi các cam kết hội nhập, đã có một số doanh nghiệp muốn cắt giảm hoạt động lắp ráp xuất khẩu mà có xu hướng nhập khẩu để phân phối cho thị trường nội địa. Một số doanh nghiệp xuất khẩu FDI chuyển sang nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc thay vì nhập linh kiện về lắp ráp.
Theo nhóm nghiên cứu, hướng giải pháp để tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu trước tiên phải bắt đầu từ việc cắt giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện tối đa phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hình thành cụm ngành và mạng lưới liên kết sản xuất. Đặc biệt, các chính sách phát triển ngành hàng chủ lực cần nâng lên một nấc thang mới bằng việc xây dựng các chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với mục tiêu xuất khẩu.
Theo www.vef.vn